10/01/2025

Hợp thức hoá sai phạm

Thời gian qua rất nhiều công trình lớn xây dựng không phép, sai phép nhưng thay vì bị đập, bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu thì lại được hợp thức hoá các sai phạm và cho tồn tại

Hợp thức hoá sai phạm

Thời gian qua rất nhiều công trình lớn xây dựng không phép, sai phép nhưng thay vì bị đập, bị cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu thì lại được hợp thức hoá các sai phạm và cho tồn tại



Bị buộc tháo dỡ nhưng công trình nhà xưởng của ông Huỳnh Sến đến nay đã hoàn thànhẢNH: ĐÌNH SƠN

Xây dựng không phép được “bảo kê”
Tháng 8.2014, dự án Mường Thanh Sài Gòn (8A Mạc Đĩnh Chi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư lúc này đã xây xong phần tầng hầm khi giấy phép xây dựng đã hết hạn. Nghĩa là dự án thi công khi chưa có giấy phép xây dựng. Thế nhưng sau đó phần xây dựng sai phép không những không bị cưỡng chế, tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu mà còn tiếp tục được xây dựng hoàn thiện. Ngoài ra, theo thiết kế ban đầu, dự án này có chức năng văn phòng nhưng hiện được chuyển đổi thành khách sạn Mường Thanh Saigon Centre hoạt động rầm rộ.
Không chỉ ở TP.HCM, mà gần như đi đến đâu các dự án của doanh nghiệp này đều xây dựng sai phép, không phép nhưng không hiểu vì lý do gì đều không bị cưỡng chế mà vẫn tiếp tục thi công, đưa vào sử dụng. Tương tự, mới đây nhất chung cư TC của chủ đầu tư Tecco (Q.12) xây dựng không phép đến tầng thứ 5 mới bị thanh tra xây dựng ra quyết định dừng thi công mặc dù đã được phát hiện từ lúc dự án đang làm móng. Điều bất ngờ, chỉ sau đó khoảng 2 tháng dự án này không những không bị cưỡng chế mà còn được cấp phép xây dựng tiếp tục.
Hiện dự án đã xây dựng xong 3 block chung cư cao 15 tầng với 800 căn hộ.
 



Hợp thức hóa sai phạm - ảnh 1

Rõ ràng nếu hợp thức hóa sai phạm này người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư, là những tổ chức, cá nhân đã bảo kê cho sai phạm này. Còn khách hàng đã bỏ tiền ra mua theo giá thị trường, họ chẳng lợi lộc gì cả

Hợp thức hóa sai phạm - ảnh 2

Luật sư Nguyễn Vân Trường


Mấy tháng nay người dân xã Nhơn Đức (H.Nhà Bè, TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan ban ngành về việc UBND H.Nhà Bè hợp thức hoá cho xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch là dân cư xây dựng mới. Cụ thể công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp rộng trên 2.000 m2 của ông Huỳnh Sến tháng 6.2016 đã bị thanh tra xây dựng ra quyết định xử phạt hành chính, buộc phá dỡ phần vi phạm. Tuy nhiên ông Huỳnh Sến không chấp hành mà tiếp tục xây dựng, đến nay đã hoàn thiện công trình bên trong và hệ thống tường rào kiên cố bảo vệ bên ngoài. Mới đây, UBND H.Nhà Bè đã cho điều chỉnh quy hoạch khu đất thành đất thương mại dịch vụ.

“Người dân dựng cái chòi thôi thanh tra, đô thị đã xuống cưỡng chế, còn ông này từ đâu đến xây công trình hoành tráng nhưng không bị xử lý mà còn được chính quyền bảo kê, cho hợp thức hoá sai phạm. Thử hỏi chính quyền có còn coi pháp luật là gì nữa hay không”, ông Võ Văn Năm – một cán bộ tại đây – bức xúc.
Vi phạm hưởng lợi
Nghị định 121 của Chính phủ đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10.2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10.2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.
Quy định đã quá rõ ràng nhưng như nói trên, nhiều trường hợp các cơ quan có thẩm quyền vẫn cố tình làm ngơ, thậm chí bao che, bảo kê cho các dự án xây dựng không phép, sai phép. Lãnh đạo một công ty địa ốc nhận xét, nguyên nhân khiến nở rộ tình trạng xây dựng không phép, sai phép bởi việc xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng. Nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa có giấy phép cũng chỉ bị phạt hành chính, cho thời gian “chạy” giấy phép rồi cho tồn tại. “Nếu nhà nước làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần xây dựng sai phép, không phép chắc chắn sẽ hạn chế tối đa, thậm chí không chủ đầu tư nào dám vi phạm nữa”, ông này nói.
Theo luật sư Nguyễn Vân Trường (Đoàn luật sư TP.HCM), việc cơ quan chức năng làm ngơ, cho tồn tại các dự án vi phạm đã gây bức xúc cho người dân khi họ chỉ sai phạm nhỏ đã bị cưỡng chế. “Mới đây nhất dự án chung cư Tân Bình Apartment (Q.Tân Bình, TP.HCM) xây lố 4 tầng so với giấy phép, thay vì đập bỏ phần xây dựng sai phạm thì Sở Xây dựng TP.HCM lại đề nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng mặc dù dự án này trước khi được cấp phép, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt. Không những vậy, các cơ quan chức năng còn hỏi ý kiến những người mua nhà tại đây có muốn đập hay không vì trong giấy phép xây dựng dự án có 14 tầng nhưng chủ đầu tư đã bán những căn hộ đến tầng 18 và hiện dự án đang trong giai đoạn xây dựng. Rõ ràng nếu hợp thức hoá sai phạm này người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư, là những tổ chức, cá nhân đã bảo kê cho sai phạm này. Còn khách hàng đã bỏ tiền ra mua theo giá thị trường, họ chẳng lợi lộc gì cả”, luật sư Trường phân tích. Chính vì thế, việc hợp pháp hoá các sai phạm đang khiến tình trạng vi phạm ngày càng nở rộ.

 

Đình Sơn