Bản ghi nhớ trị giá 100.000 tỉ đồng được UBND TP.Hà Nội trao cho Tập đoàn Vingroup để đầu tư đường sắt đô thị đánh dấu mốc đầu tiên cho thấy cửa đã thực sự mở cho tư nhân trong nước tham gia đầu tư metro.
Đầu tư metro đã mở cho tư nhân
Bản ghi nhớ trị giá 100.000 tỉ đồng được UBND TP.Hà Nội trao cho Tập đoàn Vingroup để đầu tư đường sắt đô thị đánh dấu mốc đầu tiên cho thấy cửa đã thực sự mở cho tư nhân trong nước tham gia đầu tư metro.
Bản ghi nhớ trị giá 100.000 tỉ đồng được UBND TP.Hà Nội trao cho Tập đoàn Vingroup dưới sự chứng kiến của Thủ tướng để đầu tư đường sắt đô thị (metro) ngày 25.6, đã đánh dấu mốc đầu tiên cho thấy cửa đã thực sự mở cho tư nhân trong nước tham gia đầu tư metro.
Trước đó, Vingroup là một trong 5 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư các dự án xây dựng metro tại Hà Nội gồm: Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group VN cùng 2 nhà đầu tư nước ngoài là Mosmetrostroy (Nga) và Lotte (Hàn Quốc). Việc Vingroup được trao cơ hội đầu tư chính thức tuyến nào sẽ được Hà Nội quyết định trong thời gian tới. Theo tiết lộ, nhà đầu tư này có thể sẽ được đầu tư vào 2 tuyến lớn.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết có 7 nhà thầu trúng sơ tuyển gói thầu lập thiết kế khung kỹ thuật (FEED) và hỗ trợ thực hiện dự án Xây dựng công trình đường sắt đô thị metro số 5 – TP.HCM giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).
Tư nhân làm hạ tầng, nhà nước đầu tư thiết bị
Mới đây, UBND TP.Hà Nội cũng đã đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 10 tuyến metro theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất vay vốn ODA với đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo từ nguồn vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Để tập trung vốn đầu tư các dự án có nhu cầu cao, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép từ năm 2017 – 2020 lựa chọn đầu tư các đoạn tuyến: sân bay Nội Bài đi Nam Thăng Long (18 km), Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Bưởi (7 km) thuộc tuyến số 2, đoạn Văn Cao – Hòa Lạc (38,4 km) tuyến số 5 và đoạn Nhổn – Trôi – Đan Phượng (5,9 km) tuyến số 3.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng: “Việc thu hút tư nhân tham gia metro là đúng với định hướng coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Lâu nay kinh tế trong nước vốn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn đủ khả năng thực hiện, miễn là được trao cơ chế. Cơ chế này phải đảm bảo lợi ích để nhà đầu tư tham gia, nhưng nhà nước, người dân cũng không thể gánh phần thiệt, đặc biệt là ràng buộc về chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng ì ạch như các dự án đang triển khai hiện nay”.
Trong khi đó, TP.HCM có tới 9 dự án metro đang chuẩn bị đầu tư để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. TP.HCM cũng đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, các nguồn lực tư nhân cả trong và ngoài nước. Dù ODA vẫn là kênh chính thu hút vốn đầu tư cho các dự án metro, nhưng càng về sau này, Hà Nội và TP.HCM sẽ khó khăn hơn trong thu hút vốn ODA do vướng trần nợ công. Đây là lý do nếu xã hội hóa được các nguồn lực đầu tư, thu hút những nhà đầu tư tư nhân đủ thực lực tham gia, 2 TP sẽ có cơ hội đẩy nhanh xây dựng, kết nối mạng lưới metro thay vì chỉ vài tuyến riêng lẻ, chậm tiến độ.
Trong đề xuất lên Chính phủ mới đây về cơ chế hợp tác PPP trong lĩnh vực đường sắt đô thị, Hà Nội đề nghị các nhà đầu tư được chọn sẽ tự bỏ vốn chi cho việc lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, các tuyến đường trên cao, đề pô và đường ray (theo dự kiến chiếm khoảng 70% nhu cầu vốn – PV). UBND TP.Hà Nội sẽ đầu tư các hạng mục còn lại gồm: đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh (gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển), thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo chương trình thống nhất trên toàn bộ hệ thống của TP (khoảng 30% vốn). Việc lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí năng lực tài chính, quản trị dự án, kinh nghiệm và các cam kết của nhà đầu tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư trong nước.
Theo ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội, nguồn vốn vay ODA chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vốn cho các dự án metro Hà Nội. Nếu chỉ đầu tư theo hình thức vốn ODA thì 50 năm tới Hà Nội vẫn chưa thể có mạng lưới các tuyến metro mà vẫn chỉ có một vài tuyến lẻ hoạt động.
Khai thác nguồn lực từ quỹ đất
Một nguồn tin cho biết, để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, Hà Nội dự định ưu tiên quỹ đất dọc tuyến metro theo quy hoạch cho nhà đầu tư, đổi lại nhà đầu tư bỏ vốn xây metro. “Chủ trương của Hà Nội là xây dựng đồng bộ, nói cách khác khi có đường sắt đô thị thì đã có sẵn khu dân cư hai bên tuyến để sử dụng dự án, kèm theo đó bán kính xung quanh các nhà ga khoảng 500 m là các khu đô thị, trung tâm mua sắm… để thu hút người dân. Việc thực hiện theo hình thức PPP, trong đó nhà đầu tư được sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại là phương pháp để thực hiện song song giữa việc xây dựng đường sắt và phát triển hạ tầng đô thị dọc tuyến”, nguồn tin này cho biết.
Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến các dự án metro của Hà Nội và TP.HCM. Góp ý cho việc thu hút vốn đầu tư vào metro tại một hội thảo mới đây, TS Moon Dae Seop, chuyên gia Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI), cho rằng VN cần có chính sách đầu tư dự án và vận hành đường sắt đô thị nhất quán, trong đó Chính phủ giữ vai trò chủ đạo. Theo TS Moon Dae Seop, theo đúng nghĩa mô hình PPP cần tăng vốn nhà nước hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài mới hào hứng tham gia. Đặc biệt, thời gian thực hiện các quy trình thủ tục, từ xin chủ trương đầu tư đến báo cáo khả thi cần được rút ngắn thời gian, bởi sự chậm chạp về thủ tục vẫn là điều khiến nhiều nhà đầu tư e ngại nhất. Cụ thể như tuyến metro số 5 tại TP.HCM, chỉ riêng việc xin phê duyệt hướng tuyến đã mất 1 năm.
‘Hầm chui bằng sắt’ chính là tên gọi được người dân đặt cho con đường dành riêng cho xe máy đi xuyên qua công trình đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội tại nút giao thông Nhổn – Cầu Diễn.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Chính phủ từ lâu đã có chủ trương thu hút đầu tư tư nhân vào đường sắt đô thị, kể cả đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân chính thức đầu tư do nguồn vốn các dự án thường rất lớn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng tại Hà Nội và TP.HCM, thời gian thực hiện phức tạp nên chưa hấp dẫn, hiệu quả thu hồi vốn, điểm hoà vốn cũng khó khăn. Song cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc Vingroup đã được trao biên bản ghi nhớ gần 5 tỉ USD tham gia đầu tư vào các dự án metro cho thấy sự quan tâm thực sự của các doanh nghiệp trong nước với lĩnh vực này. “Hà Nội hay TP.HCM sẽ có tính toán cơ chế cụ thể cho từng dự án và từng nhà đầu tư, trong đó quan trọng nhất là ngân sách của các TP sẽ tham gia đến mức độ nào”, ông Đông nói.