11/01/2025

Có cục mới, có còn ‘giải cứu’ nông sản?

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa được thành lập. Câu hỏi đặt ra là với cơ quan mới này liệu ba toa tàu “sản xuất, chế biến, thị trường” có xoá được “giải cứu nông sản”?

 

Có cục mới, có còn ‘giải cứu’ nông sản?

 Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa được thành lập. Câu hỏi đặt ra là với cơ quan mới này liệu ba toa tàu “sản xuất, chế biến, thị trường” có xoá được “giải cứu nông sản”? 

 

 

 

Có cục mới, có còn 'giải cứu' nông sản?
Ông Nguyễn Quốc Toản – Ảnh: L.ANH

Chính thức ra mắt vào ngày 21-6-2017, một trong những nhiệm vụ cần làm là phải giảm các cuộc giải cứu nông sản, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Toản cho rằngđể hiệu quả xúc tiến cao, điều cần thiết là phải có sự tương tác giữa thị trường – địa phương – nông dân.

Tín hiệu thị trường là mệnh lệnh của sản xuất

* Trong đợt “giải cứu” thịt heo vừa qua, ông có thấy có độ vênh giữa sản xuất và thị trường? Làm sao để giải quyết câu chuyện chất lượng nông sản?

– Đúng là còn chuyện chưa đồng đều về chất lượng nông sản, nhất là các khâu kiểm tra quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Chúng tôi luôn ý thức nhiệm vụ của những người đi làm thị trường nông sản là tiếp cận mọi đối tác trong và ngoài nước, mở rộng, kết nối, xúc tiến, quảng bá thị trường, đem tín hiệu thị trường đến cho người sản xuất nhanh nhất.

Theo chúng tôi, tín hiệu của thị trường phải là mệnh lệnh của sản xuất thì mới giảm dần sự lệch pha về cung cầu nông sản – đúng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa nói tại diễn đàn Quốc hội. Tổ chức quy hoạch tốt và thực thi quy hoạch sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị một cách nghiêm túc thì mới dần hết chuyện câu chuyện thừa ế, mất giá.

* Vậy cụ thể cục sẽ đem tín hiệu thị trường đến cho người sản xuất bằng cách nào, bởi thời gian qua người dân thường phải tự bơi?

– Thời gian tới, cục chúng tôi sẽ chủ động đề xuất, triển khai nhiệm vụ cụ thể. Trước mắt, cục sẽ xây dựng, biên tập bản tin nhanh thị trường nông sản hằng tuần, gửi trực tiếp các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hiệp hội ngành hàng, trong đó có cập nhật dữ liệu nước ngoài, dự báo và khuyến nghị về tình hình thị trường cho bà con. Chúng tôi cũng kết nối thông tin các hiệp hội, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ.

Phải tổ chức lại chuỗi sản xuất – chế biến – thị trường

* Nhưng hiện tại, không chỉ thịt heo, thị trường đang thừa thịt gà, trứng. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát tín hiệu có phải quá chậm và không đủ?

– Chúng tôi đã và đang phối hợp với các kênh truyền thông chính thống để dự báo về thị trường. Gần nhất là tình hình gà và trứng có xu hướng dư thừa, một số sản phẩm khác như trái đu đủ hay mật ong cũng vậy. Việc phối hợp này sẽ được thực hiện thường xuyên hơn thông qua bản tin thị trường nông sản hằng tuần.

* Có một vấn đề là các mặt hàng nông sản cần “giải cứu” ngày càng nhiều, từ đầu năm 2017 đến nay đã “giải cứu” chuối, thịt heo và giờ có cả đề nghị tạm trữ sắn…

– Hiện có tình trạng nhiều cây củ quả ế trên thị trường đòi hỏi phải “giải cứu”, nhưng nên hiểu “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tình thế, nó không phản ánh sự vận hành của cơ chế thị trường, mà là trách nhiệm của các bộ ngành khi thừa ế nông sản trong giai đoạn quá độ.

Trách nhiệm của chúng tôi là cùng các bộ ngành hỗ trợ người nông dân trong những giai đoạn này, nhưng về sau phải tăng cường sự năng động các hiệp hội, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương và cả người nông dân khi đưa sản phẩm ra thị trường, tính toán nhu cầu thị trường.

* Nông dân thường được hưởng rất ít lợi ích trong chuỗi giá trị nông sản, các ông có thay đổi được điều đó?

– Qua thực tế tại Tây Ninh, trong quá trình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế, bà con được hướng dẫn trồng chanh dây, có nhà máy cam kết thu mua toàn bộ vùng nguyên liệu với các loại trái chất lượng khác nhau. Trái to đẹp sẽ được bán tươi tại các siêu thị, trái nhỏ hơn được đưa vào nhà máy làm nước ép đóng chai, sấy khô sấy dẻo. Vỏ trái được làm thành phân bón.

Như vậy toàn bộ sản phẩm được tối ưu hoá, mang lại giá trị cao. Thị trường thu mua 4.000 đồng/kg thì nhà máy thu mua 8.000 đồng. Khi chúng ta đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ có tác động tích cực.

Hiện giá trị sản phẩm nông sản chưa cao, phải tổ chức lại từ sản xuất, chế biến, thị trường. Ở khâu thu mua, nếu còn để manh mún, do thương lái thực hiện là chính thì còn tình trạng ép giá.

Có cục mới, có còn 'giải cứu' nông sản?

* Băn khoăn của người dân là bộ máy của cục thế nào, cán bộ từ đâu, liệu có đủ năng lực để giúp giảm các cuộc giải cứu nông sản?

– Cục bao gồm Văn phòng cục, Phòng chính sách thương mại nông sản, Phòng chế biến nông lâm thuỷ sản, Phòng thị trường trong nước, Phòng thị trường thủy sản, Phòng thị trường sản phẩm trồng trọt, Phòng thị trường sản phẩm chăn nuôi, Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ & kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS, chuyển từ Vụ Hợp tác quốc tế của bộ về).

Theo quyết định thành lập, cục có 6 chi cục trực thuộc, trong đó trước mắt sẽ trình bộ thành lập Chi cục vùng 2 đặt tại TP.HCM, phụ trách các tỉnh khu vực phía Nam là vùng trọng điểm về rau củ quả và thuỷ sản.

Tinh thần chung là cán bộ được tuyển dụng phải đáp ứng các yêu cầu về ngoại ngữ, có khả năng trực tiếp đàm phán, có nghiệp vụ thương mại, thị trường. Chúng tôi ý thức được nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trước mắt sẽ lựa chọn, ưu tiên giải quyết các trọng tâm, trọng điểm về thị trường, song song với việc tham mưu lãnh đạo bộ xây dựng các chiến lược lâu dài về thị trường nông sản trong nước và quốc tế.

LAN ANH thực hiện