10/01/2025

Nhìn lại một năm cầm quyền của Tổng thống Duterte

Sau một năm cầm quyền, Tổng thống Duterte vẫn nhận được sự tín nhiệm cao của dân chúng Philippines, nhưng cũng vấp phải nhiều thách thức to lớn.

 

Nhìn lại một năm cầm quyền của Tổng thống Duterte

Sau một năm cầm quyền, Tổng thống Duterte vẫn nhận được sự tín nhiệm cao của dân chúng Philippines, nhưng cũng vấp phải nhiều thách thức to lớn.

 

Đó là nhận định của nhà phân tích Malcolm Cook – thành viên cao cấp của Viện Iseas-Yusof Ishak – trong bài viết đăng trên báo mạng TODAYonline ngày 29/6/2017.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2015-2016, ứng cử viên tổng thống Duterte đã nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ là “thị trưởng của Philippines” và yêu cầu mọi người tiếp tục gọi ông là thị trưởng chứ không phải là tổng thống.

Nhin lai mot nam cam quyen cua Tong thong Duterte - Anh 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: PhilStar

Theo các kết quả của các cuộc thăm dò dư luận hàng quý về sự hài lòng của dân chúng với đương kim tổng thống Philippines, không có sự suy giảm đáng kể về mức độ tín nhiệm trong 9 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Duterte đã nhận được tỷ lệ tín nhiệm 64%. Sau đó là 63% trong tháng 12 năm ngoái và 63% vào tháng 3 năm nay. Trong cuộc khảo sát vào tháng 3/2017, 75% những người được hỏi ý kiến bày tỏ hài lòng với Tổng thống Duterte – trong đó có 76% ở thủ đô Manila, 85% sinh viên tốt nghiệp đại học và 89% ở Mindanao.

Tổng thống Duterte cũng không phải đối mặt với những cuộc biểu tình quy mô lớn, mặc dù đã ủng hộ việc mai táng cố Tổng thống Ferdinand Marcos ở Nghĩa trang anh hùng, tiến hành một cuộc chiến tranh về ma tuý khiến hàng nghìn người thiệt mạng và nhiều lần chỉ trích Giáo hội Công giáo.

Ba vấn đề phát sinh

Chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên tổng thống “ngoại đạo” Duterte đã mở ra một bước đột phá trong hệ thống chính trị Philippine và rõ ràng là một điều tốt.

Tuy nhiên, phong cách thị trưởng của ông Duterte trên cương vị Tổng thống Philippines xem ra có thể gây ra ba vấn đề lớn ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống chính trị Philippines.

•Thứ nhất, nếu quá trình lập pháp vẫn tiếp tục trì trệ như hiện này (thông qua quá ít các đạo luật), chương trình cải cách đầy tham vọng của Tổng thống Duterte sẽ bị hủy hoại. Cho đến nay, chỉ 1 một trong 20 dự luật liên quan đến cải cách thuế được thông qua vào ngày cuối cùng của năm cầm quyền đầu tiên của chính quyền Duterte.

• Thứ hai, nếu những tuyên bố của Tổng thống Duterte tiếp tục đòi hỏi cấp dưới phải giải thích hoặc cải chính thì các tín hiệu chính sách sẽ trở nên không rõ ràng và dẫn đến những suy đoán rất khác nhau. Điều này có thể dẫn đến tình huống tuyên bố chính sách của tổng thống không song hành với quá trình hoạch định chính sách của chính phủ ở Manila.

Một dấu hiệu của sự trục trặc “trên bảo dưới không nghe” này là việc quân đội Mỹ hỗ trợ chống khủng bố ở thành phố Marawi. Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng binh sĩ Mỹ phải rời khỏi Mindanao. Điều này không bao giờ được cụ thể hoá bằng văn bản nào và lính đặc nhiệm Mỹ vẫn ở lại Midanao. Hồi tháng 10 năm ngoái ở Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã đi xa hơn và tuyên bố chia tay với Mỹ về quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, trong tháng 6 năm nay, Các Lực lượng vũ trang Philippines lại yêu cầu Mỹ hỗ trợ chống khủng bố và giúp tái chiếm thành phố Marawi từ tay phiến quân Hồi giáo Maute. Phía Mỹ đã đáp ứng yêu cầu này. Trong khi đó, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng ông không hề biết việc quân đội yêu cầu Mỹ tăng cường ủng hộ quân sự ở Mindanao hoặc phản ứng tích cực của Lầu Năm Góc.

• Thứ ba, những tuyên bố của Tổng thống Duterte thách thức các giới hạn pháp lý đối với quyền của tổng thống đang làm suy yếu cơ sở phân chia quyền lực vốn là cốt lõi của hệ thống tổng thống Philippines được qui định trong Hiến pháp năm 1987.

Tổng thống Duterte có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp năm 1987 được soạn thảo ngay sau khi chế độ độc tài Marcos bị lật đổ và nhằm mục đích ngăn chặn lịch sử lặp lại. Ông Duterte đã chỉ trích những đòi hỏi theo hiến pháp đối với việc áp dụng thiết quân luật là sự cản trở quyền lực của tổng thống.

 

Những chỉ trích mạnh mẽ gần đây nhắm vào Toà án tối cao và Tòa Phúc thẩm Philippines của Chủ tịch Hạ viện Alvarez là một dấu hiệu đáng lo ngại về việc nội các của Tổng thống Duterte thách thức hệ thống chính quyền và pháp luật hiện hành ở Philippines.