10/01/2025

Tạo động lực để tư nhân yên tâm đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân

 

Tạo động lực để tư nhân yên tâm đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân




Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị /// Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghịẢNH: TTXVN

Quan điểm trên một lần nữa được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5, Khoá XII của Đảng, diễn ra sáng 29.6 tại Hà Nội, do Ban Tuyên giáo T.Ư và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức.
Hội nghị tập trung quán triệt ba nghị quyết về kinh tế gồm: Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.
Kiên quyết xử lý các nhóm lợi ích, sân sau
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nội dung trọng tâm của các nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế KTTT định hướng XHCN, cơ cấu lại DNNN và phát triển KTTN.
 

Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Thủ tướng cho rằng, để DNNN hoạt động hiệu quả trong nền KTTT, phát huy được vai trò then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết. Thủ tướng đề nghị cần tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng sở hữu nhà nước. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn góp của nhà nước vào doanh nghiệp; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu đang trở nên rất mạnh
Phân tích về những hạn chế trong vấn đề hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng trước đây một số vấn đề chưa rõ về lý luận thực tiễn, còn có ý kiến khác nhau nhưng chưa kịp thời tổng kết, kết luận, dẫn đến chưa có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện và thể chế hóa các chủ trương của Đảng còn nhiều yếu kém, bất cập. Sắp tới, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng bộ tiêu chí về kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nêu lại bài học về việc thí điểm thành lập một số tập đoàn kinh tế đa ngành nghề trước đây, ông Bình cho rằng mới chủ trương thí điểm nhưng triển khai quá nhanh; chưa tổng kết, rút kinh nghiệm thí điểm thì gần như đã hoàn thành rồi.
Qua thảo luận, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn băn khoăn: khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhưng có lâu dài không, hay đến giai đoạn nào đó lại có thay đổi?
Khẳng định Đảng, Nhà nước tôn trọng, ủng hộ phát triển KTTN, ông Bình cho rằng điều khó nhất của VN hiện nay là huy động các nguồn lực sao cho nhiều, hiệu quả mà phát triển KTTN chính là phương sách quan trọng nhất để làm điều đó. “Có những dự án vài nghìn tỉ đồng nếu là dự án đầu tư công thì việc xem xét mất vài năm. Nhưng những dự án tương tự, tư nhân làm tính bằng tháng. Với chủ trương, quan điểm này của Đảng, hy vọng sẽ tạo ra được động lực quan trọng để KTTN yên tâm đầu tư phát triển trong giai đoạn tới”, ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh việc xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cũng đặt ra vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch để hạn chế tiêu cực, nhất là phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh trục lợi bất chính. “Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho KTTN nhưng cũng thấy rõ những mặt trái của KTTN nói riêng và KTTT nói chung”, ông Bình đánh giá.
Theo ông Bình, gần đây bên cạnh sự phát triển của KTTN thì vấn đề lợi ích nhóm, các biểu hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng đang trở nên rất mạnh, như biểu hiện sự câu kết giữa các cơ quan, cá nhân trong hệ thống nhà nước với các tập đoàn, công ty tư nhân không chỉ trong tiếp cận các nguồn lực xã hội mà cả trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, thậm chí làm méo mó cơ chế, chính sách.
Tham dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình… Hội nghị trực tuyến triển khai ở 63 tỉnh, thành phố và đến tận cấp huyện, xã đối với những nơi có điều kiện kỹ thuật cho phép.

 

Trường Sơn