11/01/2025

Liên minh chống IS ở Đông Nam Á

Nguy cơ bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Đông Nam Á dẫn đến đề xuất thành lập liên minh đa quốc gia chống khủng bố.

 

Liên minh chống IS ở Đông Nam Á

Nguy cơ bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Đông Nam Á dẫn đến đề xuất thành lập liên minh đa quốc gia chống khủng bố.




Quân đội Philippines tuần tra khu vực đã được giải phóng tại Marawi /// Ảnh: Reuters

Quân đội Philippines tuần tra khu vực đã được giải phóng tại MarawiẢNH: REUTERS

Trước diễn biến phức tạp của cuộc xung đột giữa quân chính phủ và nhóm nổi dậy Maute tại TP.Marawi ở Philippines và các vụ tấn công khủng bố ở Indonesia, nhiều chuyên gia cho rằng việc chống khủng bố đã vượt quá khả năng đơn lẻ của mỗi nước. Các nước đang kêu gọi tăng cường hợp tác nhằm đối phó với nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) muốn cắm rễ ở Đông Nam Á do địa bàn ở Trung Đông đang bị thu hẹp.
Lời cảnh tỉnh
Tờ The Australian ngày 29.6 dẫn lời đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ kêu gọi thành lập một liên minh đặc biệt với Úc và các nước trong khu vực. Ông cho rằng sự “hợp tác tự nhiên” giữa Philippines, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, New Zealand, Úc và Mỹ sẽ có thể đương đầu với các tổ chức cực đoan như IS. “Trong suốt thời gian qua trên cương vị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, tôi đã nhấn mạnh về nhu cầu tăng cường hợp tác đa quốc gia mà tôi thích gọi là hợp tác có mục đích. Chúng ta có thể đối phó các tổ chức cực đoan như IS bằng cách phối hợp với các đồng minh và đối tác có thể có phần tử ủng hộ IS ở trong nước”, ông Harris phát biểu tại Viện Chính sách chiến lược Úc hôm 28.6.
 

Ông Harris cho rằng xung đột tại Marawi chính là lời cảnh tỉnh dành cho mỗi quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương. “Các chiến binh nước ngoài đang truyền bá tư tưởng, tài lực cũng như cách tấn công cho các thế hệ tương lai trong nước. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn IS từ ban đầu chứ không phải khi chuyện đã rồi và mối đe doạ đã trở nên nguy hiểm”, ông cảnh báo. Ông Harris cùng giới chức nhiều nước trong khu vực từng cảnh báo các phần tử khủng bố từ Trung Đông và Bắc Phi sẽ “tái định cư” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tuyển dụng thành viên tại đây.
Nhiều nước vào cuộc
Trước nguy cơ IS lợi dụng xung đột tại Marawi để cắm rễ tại Đông Nam Á, nhiều nước đang xúc tiến hỗ trợ Philippines tiêu diệt các tay súng nổi dậy và giành lại quyền kiểm soát thành phố. Vào tuần trước, Bộ Quốc phòng Úc thông báo nước này sẽ điều 2 máy bay tuần tra AP-3C Orion đến hỗ trợ nhằm xác định vị trí các tay súng nổi dậy. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho rằng nguy cơ khủng bố trong khu vực đe dọa trực tiếp đến Úc và lợi ích của nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng hỗ trợ khí tài cho cuộc chiến chống khủng bố ở Philippines đồng thời đề xuất tổ chức hoạt động tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước. Tờ The Philippine Star đưa tin lô hàng đầu tiên trong thoả thuận viện trợ vũ khí từ Trung Quốc đã được bàn giao cho chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte tại căn cứ không quân Clark ở Pampanga vào ngày 28.6. Gói viện trợ trị giá 50 triệu nhân dân tệ (167,6 tỉ đồng) bao gồm khoảng 3.000 khẩu súng trường gồm 3 loại: súng bắn tỉa TY-85 cỡ nòng 7,62 li, súng trường CQ-A5 cỡ nòng 5,56 li và súng trường CS/LR4A.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Nga cũng đang quan tâm đến tình hình tại Marawi và vừa đề nghị Manila gửi danh sách thiết bị quốc phòng mà Manila định mua từ nước này. Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã điện đàm với Tổng thống Duterte hôm 23.6 để thảo luận về việc phối hợp chống khủng bố và đảm bảo an ninh ở hai nước. Cùng ngày, các quan chức cấp cao Indonesia, Malaysia và Philippines gặp nhau tại Manila và thoả thuận tăng cường các chính sách nhằm đối phó với khủng bố. Ba nước cũng đã bắt đầu tuần tra chung vào ngày 19.6 tại khu vực biên giới trên biển, đặc biệt là vùng biển Sulu gần đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines, nơi tập trung các nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên bố trung thành với IS.
Ông Duterte: “Nghĩa vụ của người dân là tìm chỗ nấp”
Tờ Rappler ngày 29.6 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ đạo quân đội mạnh tay với lực lượng nổi dậy đang chiếm đóng Marawi cho dù vẫn còn nhiều dân thường tại đây. “Đừng e ngại giao chiến chỉ vì có dân thường ở đó. Nghĩa vụ của người dân là phải chạy đi nơi khác hoặc tìm chỗ nấp”, ông nhấn mạnh. Tổng thống Duterte biện hộ việc đạn lạc trúng vào người dân là “tai nạn không cố ý” và cam kết sẽ bảo vệ các binh sĩ tránh khỏi trách nhiệm pháp lý nếu chẳng may giết nhầm dân thường.

Liên minh chống IS ở Đông Nam Á - ảnh 3

 
 


 

 

Khánh An