Nguy cơ phá sản vì nợ đọng xây dựng cơ bản
Nợ đọng khổng lồ, gấp nhiều lần vốn điều lệ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Nguy cơ phá sản vì nợ đọng xây dựng cơ bản
Nợ đọng khổng lồ, gấp nhiều lần vốn điều lệ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Đó là nội dung chính được phản ánh trong hội thảo “Nợ đọng trong xây dựng cơ bản – Biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết” do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Vốn 200 tỉ, nợ đọng 2.000 tỉ
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN (VACC), dẫn số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tính đến hết năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách T.Ư là hơn 9.500 tỉ đồng. Còn theo công bố nợ đọng của các đơn vị thành viên VACC, con số này lên tới 30.000 – 40.000 tỉ đồng. Thời gian nợ dài ngắn khác nhau nhưng cũng có nhiều khoản kéo dài 10 – 12 năm. Không ít dự án thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng hết thời gian bảo hành nhưng chưa được thanh toán nợ.
|
“Nhiều doanh nghiệp (DN) vốn chỉ khoảng 200 – 300 tỉ đồng nhưng nợ đọng tiền xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. DN phải còng lưng gánh lãi ngân hàng, đến khi kiệt sức, ắt phải phá sản. Đáng nói là, phần nợ đọng xây dựng cơ bản chủ yếu tập trung vào khối DN nhà nước. Tình trạng nhà nước nợ nhà nước, rất khó giải quyết”, ông Hiệp nói. Cũng theo ông Hiệp, lực lượng nhà thầu trên toàn quốc đang chiếm khoảng 20 – 25% GDP, tạo hàng triệu việc làm, nhưng nợ đọng vốn ngân sách nhà nước đang là vấn đề khó giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ phá sản DN.
Theo TS Dương Văn Cận – Phó chủ tịch VACC, có nhiều nguyên nhân gây ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản như: phê duyệt quyết định đầu tư nhưng không xác định rõ nguồn vốn hoặc không đủ vốn; khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách không đảm bảo; quyết định đầu tư dự án không nằm trong quy hoạch phát triển ngành; điều chỉnh dự án làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến không bố trí được vốn; tình trạng thi công trước, tìm vốn sau dẫn đến nợ đọng vẫn phổ biến…
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Công ty TNHH xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta (Công ty Delta), chia sẻ nguyên nhân gây ra nợ đọng có từ nhiều phía, trong đó nguyên nhân nhu cầu đầu tư lớn nhưng không có nguồn tài chính đảm bảo do vốn ít, đầu ra sản phẩm tắc; chủ đầu tư có tài chính nhưng cố tình kéo dài không trả nợ cho nhà thầu…
Nợ phát sinh từ “tư duy nhiệm kỳ”
Ông Bùi Tấn Lực, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh Bình Định, cho biết ở địa phương này, nguồn vốn mỗi năm bố trí xây dựng cơ bản chỉ khoảng 20 – 30% giá trị công trình nên mỗi xã khoảng 4 – 5 tỉ đồng. Bình Định có 11 TP, thị xã, huyện mà mỗi huyện có khoảng 13 – 14 xã, phường do vậy, con số nợ đọng phần cấp xã, phường đã là 40 -50 tỉ đồng/năm/huyện. Khi công trình hoàn thiện, địa phương còn nợ lại đến 70% giá trị.
Ông Lực phân tích nợ đọng phát sinh từ nhu cầu phát triển hạ tầng địa phương, với tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo phải tạo được dấu ấn của mình nhưng vốn chưa có. DN do “khát” việc, muốn có công trình để đáo nợ ngân hàng…, nên lao vào tìm kiếm công trình bằng mọi giá. Vì thế, cần phải xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ của cấp lãnh đạo. Và DN nhà thầu cũng phải bỏ tư duy kinh doanh thông qua mối quan hệ thân quen.
Một số chuyên gia cho rằng với địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn thì không cho phép triển khai công trình xây dựng mới, ưu tiên bố trí vốn trả nợ trước. Đồng thời, cơ quan chức năng chỉ phê duyệt dự án đã bố trí được nguồn vốn, không cho phép DN tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án mới khi chưa được bố trí vốn, làm phát sinh nợ đọng. Ưu tiên bố trí vốn để trả cho những công trình đã hoàn thành, dự án chuyển tiếp, dự án có hiệu quả, cấp bách. Rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng xây dựng cơ bản để có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm.
Lãnh đạo Công ty Delta đề xuất cần bổ sung vào hệ thống luật Xây dựng, luật Đấu thầu và các luật liên quan quy định bắt buộc chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh vốn theo kế hoạch vốn của dự án để chi trả cho nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, giống như việc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Đối với vốn ngoài ngân sách thì trong quá trình xét duyệt cấp giấy phép xây dựng phải có các quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Do các quy định về quản lý chi phí chưa phù hợp với cơ chế thị trường, dự toán vốn chưa sát… nên quá trình thực hiện bị đội vốn, dẫn đến chất lượng công trình chưa cao. Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng dự thảo biểu giá xây dựng, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Hiện đã đến giai đoạn trình Chính phủ xem xét ban hành”.
Lê Quân