Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Cuộc gặp muộn màng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25-6 bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Gặp nhau khá trễ kể từ khi ông Trump nhậm chức nhưng cuộc hẹn của hai nhà lãnh đạo vẫn được trông đợi.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ: Cuộc gặp muộn màng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25-6 bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Gặp nhau khá trễ kể từ khi ông Trump nhậm chức nhưng cuộc hẹn của hai nhà lãnh đạo vẫn được trông đợi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hi vọng khởi đầu quan hệ với tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Washington – Ảnh: Reuters |
New Delhi đã lo là tân tổng thống Mỹ không chú ý đến Ấn Độ và kết quả là Ấn Độ lọt khỏi tầm phủ sóng của Washington |
Chuyên gia Shailesh Kumar của nhóm tham vấn Eurasia Group |
“Chuyến thăm Mỹ của tôi nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước. Quan hệ mạnh mẽ Mỹ – Ấn có lợi cho các nước và cả thế giới” – thủ tướng Ấn Độ nói chung chung trước khi bắt đầu chuyến công du.
Ông sẽ bàn nhiều vấn đề với tổng thống Mỹ và thúc đẩy các ưu tiên chung như chống khủng bố, các căng thẳng khu vực, hiện đại hóa quốc phòng và vai trò của Ấn Độ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài Mỹ, ông Modi cũng thăm Bồ Đào Nha, Hà Lan.
Phép thử máy bay do thám
Tờ Times of India cho biết ông Modi là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới dùng bữa tối với ông Trump tại Nhà Trắng, nhưng chỉ là chữa thẹn cho việc nhà lãnh đạo Ấn Độ đã phải chờ đến năm tháng để gặp tân tổng thống Mỹ, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Việt Nam.
Do đó, thắc mắc chung của giới quan sát là tổng thống Mỹ hiện tại nghĩ gì về mối quan hệ Mỹ – Ấn.
Quan hệ hai nước thời gian qua khá trắc trở khi ông Trump trong tuyên bố rút khỏi Thoả thuận chống biến đổi khí hậu Paris vài tuần trước đã chỉ trích New Delhi lợi dụng thoả thuận để nhận hàng tỉ USD từ các nước phát triển.
Ngoài ra, Mỹ cũng cân nhắc lại chính sách thị thực cho các lao động tay nghề cao nước ngoài vốn phần lớn cấp cho các lao động từ Ấn Độ.
Ông Modi và ông Trump sẽ có tổng cộng năm giờ để tìm hiểu nhau trong các cuộc làm việc lẫn gặp riêng, bao gồm ăn tối chung tại Nhà Trắng ngày 26-6.
Tuy nhiên, ông Modi dự kiến sẽ bỏ qua các vấn đề gây tranh cãi để tránh làm mất lòng ông Trump và tập trung làm thân với nhà lãnh đạo Mỹ, tìm hiểu các ưu tiên của ông chủ Nhà Trắng về châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
“Ông ấy sẽ tìm cách nhấn mạnh rằng Ấn Độ muốn giúp ông Trump làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đầu tư của Mỹ vào Ấn Độ sẽ có lợi cho Mỹ khi tạo việc làm tại Mỹ và giúp Mỹ cạnh tranh hơn” – nhà phân tích Dhruva Jaishankar nhận định trên tạp chí Time.
Điểm nhấn trong chuyến thăm là các thỏa thuận quốc phòng vốn là thế mạnh trong quan hệ hai nước.
Theo giới quan sát, một trong những phép thử quan trọng cho chuyến thăm của ông Modi là thoả thuận mua 22 máy bay không người lái Guardian trị giá 2 tỉ USD của Mỹ.
Nếu đạt được, đây sẽ là lần đầu tiên Washington bán máy bay này cho một nước ngoài khối NATO.
Hải quân Ấn Độ cần số máy bay Guardian, một phiên bản của chiếc Predator với tầm bay cao hơn và mang nhiều thiết bị hơn, để giám sát Ấn Độ Dương và bảo vệ đường bờ biển hơn 7.500km trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các tuyến thương mại hàng hải và lùa tàu ngầm vào khu vực này.
Mỹ muốn Ấn Độ dẫn dắt khu vực
Một quan chức Nhà Trắng khẳng định thông qua các thỏa thuận cung cấp công nghệ quốc phòng cho New Delhi, Mỹ muốn giúp Ấn Độ hiện đại hoá quốc phòng và củng cố vai trò của Ấn Độ như là một nhà lãnh đạo của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Mỹ rất quan tâm đến việc cung cấp các công nghệ cao, những công nghệ mà Mỹ cung cấp cho các đồng minh và đối tác thân cận nhất” - Sputnik dẫn lời quan chức này cho biết.
Ngoài thỏa thuận mua máy bay Guardian, Mỹ và Ấn Độ cũng xem xét thương vụ mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ trong một thỏa thuận được coi là lớn nhất kể từ khi hai nước tăng cường quan hệ quốc phòng hơn một thập kỷ qua.
Trước đó, Công ty quốc phòng Lockheed Martin, đang đấu thầu dự án, cũng tuyên bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất máy bay F-16 về Ấn Độ nếu đạt thỏa thuận cung cấp hàng trăm chiếc máy bay loại này cho New Delhi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Chính phủ Mỹ lo ngại các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Mỹ và Ấn Độ có thể gây bất ổn tại khu vực Nam Á, nhất là khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir vẫn đang nóng.
Việc bán công nghệ quân sự nhạy cảm như máy bay không người lái sẽ cần sự thông qua của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ.
Trung Quốc chú ý Bắc Kinh ngày 23-6 đã cảnh báo Ấn Độ và Mỹ không gây rối hoà bình tại khu vực Biển Đông, khẳng định Trung Quốc sẽ theo dõi sát chuyến thăm của lãnh đạo Ấn Độ vì nhiều vấn đề có liên quan đến lợi ích của Trung Quốc. “Tình hình tại Biển Đông đang hạ nhiệt. Chúng tôi hi vọng các nước khác, đặc biệt là những nước không nằm trong khu vực, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông” - India Today dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |