Nới tín dụng tiêu dùng, nhà ở
Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở và báo cáo Chính phủ trong tháng 7.
Nới tín dụng tiêu dùng, nhà ở
Chính phủ vừa giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở và báo cáo Chính phủ trong tháng 7.
Thúc tăng trưởng kinh tế
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, Chính phủ “đặt hàng” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về một chương trình tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,7% đã đề ra. Kích cầu là giải pháp lớn trong chính sách điều hành vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh trở lại. Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tỷ lệ tiêu dùng cá nhân của VN hiện nay vẫn thấp so với thu nhập bình quân đầu người, ở mức 65,1% trong giai đoạn 2011 – 2015, trong khi Philippines là 73,7%, Ai Cập là 80,3%.
Tiêu dùng có tiềm năng tăng nhờ tốc độ lạm phát giảm và tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt. Tín dụng tiêu dùng quý 1 tăng mạnh, ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng – tỷ lệ này đang tăng lên khi cuối năm 2016 chỉ chiếm 49,5%. UBGSTCQG đánh giá tổng cầu sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, nhất là tiêu dùng và đầu tư. Tính riêng đóng góp của tổng cầu, tăng trưởng năm 2017 có thể lên đến 6,3%. TS Bùi Quang Tín đánh giá: “Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay cao hơn nhiều so với những năm trước đó nhưng dòng vốn này cần thời gian để phát huy hiệu quả, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian đó, vấn đề giải quyết nợ xấu đang rất nóng, được cả xã hội quan tâm khi con số nợ xấu của nền kinh tế lên 10,08%, khoảng 600.000 tỉ đồng. 80% nợ xấu dưới dạng bất động sản (BĐS), Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua nên trong trường hợp có một gói tín dụng nhà ở cũng sẽ góp phần giải phóng số nợ xấu nhanh hơn, đưa dòng vốn lưu thông vào phát triển sản xuất kinh doanh”.
Gói tín dụng nhà ở, theo đánh giá của ông Đinh Thế Hiển, là dễ triển khai nhất, kích thích kinh tế tức thời, bởi tín dụng BĐS hấp thụ nhanh khi những người tham gia vào gói này đều có lợi. Chẳng hạn người vay sớm có được nhà, chủ dự án bán được hàng và NH thương mại cho vay có tài sản thế chấp. Có thể thấy gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng vào BĐS đã giúp thị trường sôi động trở lại. Thế nhưng ông Đinh Thế Hiển không khỏi phân vân khi cho rằng “chưa có gì cụ thể về gói tín dụng này, nhưng mong rằng nó không như gói tín dụng nhà ở xã hội có lãi suất thấp chỉ 4,8%/năm nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có nhà song thực tế chưa ai tiếp cận được”. Bởi đã tạo ra các gói tín dụng thì cần tính đến vấn đề khả thi, chứ đã mất thời gian nghiên cứu mà không ai vay được thì cũng như không. Gói tín dụng sắp tới nên nhanh chóng triển khai thì mới có thể góp phần đạt được tăng trưởng năm nay. Đồng thời nguồn vốn tín dụng như thế nào để tạo ra các giá trị gia tăng, tạo công việc cũng như tăng thêm thu nhập cho người dân, từ đó tạo ra “cần câu cá, chứ không phải cho con cá” để người dân có thu nhập mua sắm tiêu dùng cũng như mua nhà ở.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, đã gọi là gói tín dụng tiêu dùng, nhà ở thì nên triển khai ở diện rộng, nhiều người dân được tiếp cận chứ không riêng người thu nhập thấp. Khi đó mới phát huy được hiệu quả nhanh chóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng đối với nhà ở cần có một chính sách dài hơi, một chiến lược lâu dài, rõ ràng và minh bạch.
Khó giảm lãi suất
Lấy kinh nghiệm ở một số nước triển khai gói kích cầu tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ, ở Mỹ, người dân mua ô tô có tỷ lệ nội địa cao sẽ được hỗ trợ giảm giá xe. Còn VN có thể kích thích tiêu dùng bằng cách tăng nguồn tiền cho vay, giảm lãi suất vay. Chính phủ có thể thực hiện các chương trình tái cấp vốn cho NH thương mại (TM)như những chương trình trước đây để lãi suất có thể thấp, đưa vốn vào lĩnh vực tiêu dùng. TS Bùi Quang Tín nhận xét các NH hiện nay đang gặp khó khăn về vốn trung dài hạn nên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hiện đã đụng mức quy định, có NH còn vượt mức này. Quan trọng là lấy nguồn vốn ở đâu để triển khai chương trình này mà không phải sử dụng nguồn vốn ngân sách, đừng như gói nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm triển khai cả năm mà không cho vay được do thiếu vốn. Ông Bùi Quang Tín gợi ý, các NHTM có thể vay các tổ chức nước ngoài vốn rẻ để triển khai chương trình này. Một số NHTM gần đây tiếp cận được với nguồn vốn nước ngoài giá rẻ vào khoảng 1 – 2%/năm, nếu thực hiện bảo hiểm rủi ro tỷ giá 4% để chuyển đổi ra tiền đồng thì các NHTM cho khách hàng vay lại lãi suất 7 – 8%/năm là có thể thực hiện được. Mức lãi suất này thấp hơn so với lãi suất cho vay mua nhà thương mại hiện nay, vào khoảng 11 – 12%/năm.
Ông Ngô Trí Long cho hay từ trước đến nay, sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng, nhà ở lúc nào cũng cao hơn các khoản vay khác do chính sách tín dụng không khuyến khích phát triển lĩnh vực này. Sau thời gian hưởng lãi suất cho vay ưu đãi 7 – 9%/năm, lãi suất cho vay của các NHTM tăng trên 2%/năm. Đối với gói tín dụng sắp tới, việc yêu cầu các NH hỗ trợ giảm lãi suất cho vay là rất khó bởi những khoản vay tiêu dùng, nhà ở có thời gian vay trung dài hạn, trong khi lãi suất huy động những kỳ hạn này cao, cộng thêm lạm phát và lãi trái phiếu cũng cao thì khó mà giảm lãi suất. Vì vậy, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng, nhà ở không chỉ là việc giảm lãi suất cho vay mà có thể là nới tỷ lệ cho vay tín dụng tiêu dùng, nhà ở tăng hơn trước.
Một cách cẩn trọng, ông Ngô Trí Long cảnh báo không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng trong giới hạn tiềm năng. Phải đặt vấn đề, việc tăng trưởng kinh tế có đảm bảo cho hoạt động của NHTM an toàn hay không. Số nợ xấu 10,08% tổng dư nợ hiện nay vẫn đang được giải quyết thì liệu những chương trình này có làm nợ xấu quay lại? Các NH cũng là doanh nghiệp, khi khách hàng đạt được những điều kiện vay thì họ cho vay, nay có chủ trương hay nới lỏng cho vay thì họ sẽ mạnh dạn, dễ dàng cho vay hơn.
Thanh Xuân