Hà Nội phải là nơi gieo mầm ước mơ khởi nghiệp lớn
Sáng 25.6, hội nghị “Hà Nội 2017 hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hà Nội phải là nơi gieo mầm ước mơ khởi nghiệp lớn
Sáng 25.6, hội nghị “Hà Nội 2017 hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2016, các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) kinh doanh đã rót vốn vào Hà Nội với con số ấn tượng 439.200 tỉ đồng. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đã được ghi nhận, thông qua sự tăng hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lên 10 bậc, chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc, Hà Nội vào top 4 TP có chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hà Nội ngày càng năng động, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn như áp lực gia tăng dân số, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường một số nơi đã trở nên nghiêm trọng… “Hà Nội xác định chìa khóa cho bài toán siêu đô thị chính là đồng hành cùng DN, hợp tác đầu tư và phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.
Góp ý cho Hà Nội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng các quy hoạch phát triển của Hà Nội cần được rà soát và hoàn thiện với tư duy mới, tầm nhìn dài hạn để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn. Đồng thời, cần di dời nhanh một số cơ sở của nhà nước ra khỏi trung tâm nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng, tạo cơ hội phát triển các đô thị vệ tinh. Đặc biệt, ông Dũng cho rằng cần định hướng triển khai nhanh phát triển Hà Nội thành trung tâm tài chính của VN và khu vực.
Ông Katsuro Nagai, Đại sứ Nhật Bản tại VN, bày tỏ quan tâm đến hai thách thức môi trường mà Hà Nội đang đối mặt là ô nhiễm môi trường sông, hồ và ô nhiễm không khí. Theo Đại sứ Nhật Bản, Hà Nội cần phát triển mạnh hệ thống đường sắt đô thị như ở Singapore hay Bangkok (Thái Lan) để thay thế xe máy, ô tô – những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất hiện nay. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Đại sứ Katsuro Nagai khuyến nghị nên cho phép khu vực tư nhân được tham gia sâu rộng hơn để đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị.
“Chính phủ kiến tạo” đã lan toả đến các địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ đã nhận được sự hưởng ứng sâu sắc, mạnh mẽ từ cộng đồng DN. Những chuyển biến tích cực gần đây ở nhiều địa phương chứng tỏ tinh thần cải cách phát triển đã được lan toả, nhất là tại Hà Nội. “Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hoá thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Biểu dương những nỗ lực trong năm qua của Hà Nội, Thủ tướng cho biết, mới đây có DN đã chia sẻ với ông rằng một lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một vướng mắc mà DN gặp phải chỉ trong 1 ngày, sau tin nhắn của DN. “Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Chính phủ và T.Ư. Người dân, DN mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ T.Ư tới xã, phường”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 20 năm qua đạt mức bình quân 9,5%/năm, quy mô nền kinh tế từ chỗ chỉ chiếm 8,2% cả nước nay đã tăng lên 13,6%, đóng góp hơn 16,5% ngân sách cả nước. Hạ tầng giao thông có nhiều tiến bộ vượt bậc, trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn, Hà Nội đã có hướng đi rất đúng là đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân đầu tư 80% nhu cầu còn lại. Cũng theo Thủ tướng, trong 52 dự án trọng điểm của Hà Nội thì có tới 38 dự án hạ tầng giao thông đô thị với 422.000 tỉ đồng, nếu làm tốt, Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông thuộc nhóm tốt nhất nước.
Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải là nơi gieo mầm những ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, những hoài bão xây dựng sự nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia. Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn được những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa, chính quyền TP.Hà Nội cần hành động hiệu quả mỗi ngày, hướng tới một TP toàn cầu, với tầm nhìn xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, dịch vụ thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo TP.Hà Nội đã trao
15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn trên 6 tỉ USD. TP cũng giới thiệu danh mục các dự án thu hút đầu tư với 17 dự án theo hình thức PPP, tổng vốn 802.700 tỉ đồng, 119 dự án xã hội hóa tổng vốn 303.850 tỉ đồng. Lãnh đạo Hà Nội cũng trao 48 quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức 74.000 tỉ đồng trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, công nghiệp, thương mại, bất động sản… Trong đó có dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch tiêu chuẩn châu Âu của Công ty CP nước Aquaone và Công ty CP nước mặt sông Đuống, các dự án đường giao thông của Bitexco, nhà ở khu đô thị của Vingroup, HUD, Nam Cường, Sông Đà…
|
Mai Hà