Trong cơn tuyệt vọng, IS đã phá huỷ đền thờ di sản ở TP.Mosul, đồng thời giết chóc trẻ em nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq.
IS trong cơn điên loạn ở Iraq
Trong cơn tuyệt vọng, IS đã phá huỷ đền thờ di sản ở TP.Mosul, đồng thời giết chóc trẻ em nhằm ngăn chặn đà tiến của quân đội Iraq.
Quân đội Iraq ngày 21.6 cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cho nổ tung đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp nghiêng Hadba ở TP.Mosul. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Iraq được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã gần đến đích của chiến dịch giải phóng Mosul, được xem là thủ đô không chính thức của tổ chức IS ở Iraq.
Quân đội Iraq cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phá hủy đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp biểu tượng Hadba ở thành phố Mosul ngày 21.6.
IS tự nhận thất thủ?
Reuters đưa tin đền thờ Hồi giáo al-Nuri, được xây vào năm 1172, là nơi Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập IS với tham vọng tạo dựng một lãnh thổ Hồi giáo trải rộng khắp Trung Đông, đồng thời tự xưng là thủ lĩnh của tổ chức này cách đây 3 năm. Đây cũng là nơi al-Baghdadi xuất hiện công khai trước công chúng lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, theo Đài CNN. Tổ chức IS từng xem việc chiếm được đền thờ trên là một biểu tượng của chiến thắng. Kể từ tháng 6.2014, lá cờ đen đặc trưng của IS cũng đã tung bay trên tòa tháp Hadba. Do đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định hành động cho nổ tung đền thờ trên không khác gì là sự thừa nhận thất bại chính thức của IS.
Nếu tuyên bố của chính phủ Iraq là đúng sự thật thì đây không phải lần đầu tiên IS tàn phá các khu di tích văn hóa ở nước này. Hồi tháng 3.2015, IS công bố video quay lại cảnh phá huỷ thành cổ Nimrud của người Assyria ở Iraq. Một năm trước đó, lăng mộ của Jonah, nhà tiên tri được cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tôn kính, cũng bị san bằng ở Mosul. IS còn đánh phá nhiều địa điểm tôn giáo khác ở Mosul như đền thờ nhà tiên tri Seth (người Hồi giáo gọi là Sheeth), nhà tiên tri Georges (Jerjis) từ thế kỷ thứ 14…
Tuy nhiên, kênh truyền thông Amaq của IS lại tố máy bay Mỹ phá huỷ đền thờ al-Nuri. Phía Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ cáo buộc này. “Chúng tôi không không kích khu vực đó”, Reuters dẫn lời ông John Dorrian, phát ngôn viên không quân Mỹ trong liên minh quốc tế, khẳng định. Hình ảnh chụp từ trên không được quân đội Iraq công bố ngày 21.6 cho thấy một khung cảnh hoang tàn khi đền thờ và toà tháp đã bị san bằng. Đống đổ nát này nằm lẫn giữa những ngôi nhà ở khu vực thành cổ của Mosul – nơi các tay súng IS đang bị quân đội Iraq bao vây.
Thiếu tướng lục quân Mỹ Joseph Martin, chỉ huy lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq, đã gọi hành động phá huỷ đền thờ và toà tháp trên là “một tội ác chống lại người dân Mosul và toàn bộ người dân Iraq”. Ông nói thêm: “Đó là một trong những lý do tại sao tổ chức tàn bạo này phải bị tiêu diệt”.
Dùng trẻ em làm lá chắn sống
Trong cơn điên loạn trước nguy cơ bị tiêu diệt, IS đã sát hại nhiều trẻ em hoặc thậm chí dùng các em làm lá chắn sống. Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) ngày 22.6 ra thông cáo cho biết các tay súng IS đã sát hại con trẻ của những gia đình tìm cách thoát khỏi các khu vực do tổ chức này kiểm soát. “Bọn chúng đang sử dụng trẻ em làm vũ khí chiến tranh để ngăn chặn người dân tháo chạy. Điều đó cho thấy cuộc chiến này thảm khốc thế nào”, theo Reuters dẫn lời đại diện của Iraq tại UNICEF Peter Hawkins.
Các tổ chức quốc tế ước tính hiện có hơn 100.000 dân thường, một nửa trong số đó là trẻ em, đang bị mắc kẹt với các điều kiện vô cùng nguy hiểm tại trung tâm thành cổ, khu vực cuối cùng còn đang nằm trong sự kiểm soát của các tay súng IS ở Mosul. Cũng theo UNICEF, hiện có tới hơn 5 triệu trẻ em ở Iraq cần được viện trợ nhân đạo. “Khắp Iraq, trẻ em đang tiếp tục chứng kiến những tình cảnh bạo lực khủng khiếp. Nhiều em đã bị sát hại, bị thương, bị bắt cóc và bị buộc phải bắn giết những người khác trong một trong những cuộc chiến tàn bạo nhất lịch sử”, thông cáo của UNICEF viết. Cũng theo tổ chức này, có tới 1.075 trẻ em đã bị giết hại và 1.130 trẻ khác bị thương kể từ khi IS chiếm đóng gần 1/3 lãnh thổ Iraq vào năm 2014. Ngoài ra, có ít nhất 231 trẻ dưới 18 tuổi đã bị tuyển mộ gia nhập IS cùng nhiều tổ chức cực đoan khác.
Ngày 18.6, quân đội Iraq mở đợt tổng tấn công để giành lại hoàn toàn TP.Mosul từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trước làn sóng tiến công dữ dội từ quân đội Iraq, IS cũng bắt phụ nữ tham chiến sau khi nhiều tay súng nam của tổ chức này bị tiêu diệt, theo trang tin Ara News dẫn lời Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố Iraq, thiếu tướng Maen al-Saadi. Nhằm cản đà tiến của quân chính phủ, IS bắt đầu tung ra lực lượng bắn tỉa ở khu thành cổ của Mosul, bên cạnh những kẻ đánh bom liều chết. Không dừng ở đó, IS còn tiến hành nhiều vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Mosul. Hãng Sputnik ngày 20.6 đưa tin ít nhất 3 binh sĩ Iraq bị thương sau khi IS bắn tên lửa có chứa khí độc, được cho là mù tạt. Các binh sĩ này nôn mửa liên tục và bị phát ban khắp người. Trước đó, IS từng bị tố tiến hành nhiều vụ tấn công tương tự vào bệnh viện, trường học, nhà dân hoặc nhà máy cung cấp nước trong thành phố.
Nhiều cư dân may mắn thoát khỏi khu thành cổ của Mosul kể lại với BBC rằng các tay súng IS sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. “Chúng không cho chúng tôi bỏ trốn, đóng mọi cửa hàng, lấy hết mọi thứ còn sót lại ở chợ và buộc mọi người, cả phụ nữ lẫn trẻ em, đi theo bọn chúng”, một bác sĩ tên Zohal đã chạy thoát cùng chồng và 4 con nhỏ kể lại.