Đăng kiểm thừa nhận trách nhiệm vụ tàu vỏ thép kém chất lượng
Chiều 22.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả sơ bộ của tổ thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ tại tỉnh này.
Đăng kiểm thừa nhận trách nhiệm vụ tàu vỏ thép kém chất lượng
Chiều 22.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả sơ bộ của tổ thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ tại tỉnh này.
Tham dự buổi công bố có đại diện Tổng cục Thuỷ sản (thuộc Bộ NN-PTNT), Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thuỷ sản), các chủ tàu vỏ thép, đại diện ngân hàng cho vay vốn… Hai đơn vị đóng tàu được mời tham dự nhưng lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) vắng mặt, chỉ có đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đến dự.
Nhiều chi tiết khác với hợp đồng
Theo kết quả thẩm định, trong số 17 tàu cá vỏ thép đã kiểm tra có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc, 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc, nhiều mẫu thép trên 8 tàu cá không đạt các chỉ tiêu hoá học theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A. Tổ thẩm tra ghi nhận 12 tàu có phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên và 5 tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.
TIN LIÊN QUAN
Công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu vỏ thép
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết đơn vị này sẽ tổ chức công bố kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định vào chiều nay (22.6).
Trong số 17 tàu cá được thẩm định, có 3 tàu lắp máy tàu thủy hiệu Doosan và 5 tàu lắp máy thủy Mitsubishi có kết cấu đồng bộ, là máy mới. Tuy nhiên, 9 tàu còn lại do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có máy chính trên decal ghi nhãn hiệu Mitsubishi nhưng bên trong có nhiều chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, có dấu hiệu cải hoán, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động máy thủy của Hãng Mitsubishi và hoạt động không ổn định. Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) cũng đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ máy thủy có model và công suất như ghi trên decal máy các tàu vỏ thép này.
Ngoài ra, kết quả thẩm định cũng ghi nhận có 2 máy dò ngang bị hỏng không sử dụng được, 1 máy dò ngang đã bị thay đổi màn hình chính bằng một màn hình vi tính hiệu Dell thông thường. Hệ thống đèn cao áp trên một số tàu có tăng phô bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích, nhiều tụ có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp không đúng như hợp đồng đã ký kết. Trong 17 tàu chỉ có 3 tàu có hầm bảo quản hoạt động bình thường, 14 tàu còn lại có hầm bảo quản đọng nước gây mùi hôi thối, giữ nhiệt kém, bơm không đều, có hiện tượng gỉ sét…
Đăng kiểm viên yếu năng lực
Trung tâm đăng kiểm tàu cá đã ký kết hợp đồng giám sát đối với cơ sở đóng tàu. Nghị định 67/2014 quy định máy chính của tàu vỏ thép phải là máy thuỷ mới 100%. Trong quá trình nghiệm thu phần máy chính, các đăng kiểm viên khẳng định là máy mới 100% nên đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp vào tàu cá vỏ thép đóng cho ngư dân Bình Định (trong đó có 9 tàu lắp máy nhãn hiệu Mitsubishi nhưng không phải là máy thuỷ, kết cấu không đồng bộ nói trên). Kết quả kiểm định cho rằng quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt, các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thuỷ…
Theo ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, khi kiểm tra máy tàu, rõ ràng đầy đủ hồ sơ, có ghi là máy thuỷ hiệu Mitsubishi, mới 100% nên đăng kiểm viên mới cho lắp ráp vào tàu. “Máy tàu được làm giả tinh vi nên anh em khó phát hiện thật giả”, ông Đức giải thích và cho rằng nếu đăng kiểm viên có chuyên môn sâu về máy thì không để xảy ra việc không phát hiện ra máy thuỷ Mitsubishi bị cải hoán. Ông Đức cũng khẳng định chưa phát hiện tiêu cực của đăng kiểm viên.
TIN LIÊN QUAN
Vụ tàu vỏ thép kém chất lượng: Lại đổ lỗi cho ngư dân
Ngày 16.6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khẳng định việc các công ty cung ứng máy tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP làm việc trực tiếp với chủ tàu để thay thế, sửa chữa máy tàu là không đúng quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, đánh giá cao kết quả thẩm định và khẳng định báo cáo của tổ thẩm định khá đầy đủ, toàn diện. Còn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết sẽ có báo cáo chính thức và tham mưu hướng xử lý cho UBND tỉnh Bình Định vào ngày 26.6. Trong đó, tổ thẩm định sẽ đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay các máy chính không đồng bộ cho các chủ tàu, khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Tổ thẩm định cũng sẽ đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thay thế, khắc phục những chi tiết trên tàu không đúng với hợp đồng.
Công ty Nam Triệu sẽ khắc phục sự cố trên tàu vỏ thép
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết đơn vị này thống nhất với kết quả thẩm định và thừa nhận có 9 máy tàu do đơn vị này đóng có lắp máy thuỷ không phải hàng chính hãng Mitsubishi, có dấu hiệu cải hoán… Tuy nhiên, Công ty Nam Triệu đã ký hợp đồng với Công ty Hoàng Gia Phát (TP.HCM) cung cấp động cơ máy thuỷ Mitsubishi mới 100% và việc giao nhận hàng đã thực hiện theo đúng quy trình. “Để xảy ra việc lắp máy trên tàu vỏ thép không phải hàng chính hãng là trách nhiệm của Công ty Hoàng Gia Phát”, ông Hùng nói, và cam kết sẽ sớm thay thế những máy thuỷ không phù hợp đã lắp trên tàu của ngư dân Bình Định, thay thế các trang thiết bị không phù hợp, sơn sửa lại tàu… để ngư dân có thể ra khơi trong thời gian sớm nhất.
|
Hoàng Trọng