27/01/2025

Giá điện không thể bao cấp cho khu vực thu nhập cao

Quan điểm trên được đại diện Bộ Tài chính đưa ra khi tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Tập đoàn điện lực VN (EVN) chiều 21.6.

 

Giá điện không thể bao cấp cho khu vực thu nhập cao

Quan điểm trên được đại diện Bộ Tài chính đưa ra khi tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Tập đoàn điện lực VN (EVN) chiều 21.6.



Điện cho miền Nam đang là áp lực lớn /// Ảnh: Chí Hiếu

Điện cho miền Nam đang là áp lực lớnẢNH: CHÍ HIẾU

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng giá điện của ta hiện nay khoảng 7,38 cent/kWh, thấp hơn khu vực và các nước công nghiệp phát triển G7. Người nghèo đang được hưởng giá điện ưu đãi, chúng ta bỏ ra nhiều ngàn tỉ để bảo đảm tối thiểu an sinh xã hội. Thế nhưng khu vực doanh nghiệp, khu vực thu nhập cao chúng ta cũng bao cấp tràn lan. Theo ông Tuấn, giá điện nên hỗ trợ cho người nghèo nhưng khu vực thu nhập cao như khối đầu tư nước ngoài FDI thì không nên.
Phải minh bạch giá
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng ngành điện thời gian qua làm tương đối tốt vấn đề công khai minh bạch giá điện. Tuy nhiên, cũng chính vị đại diện bộ chủ quản EVN thừa nhận hiện vẫn có băn khoăn của người dân, của các cấp các ngành, thậm chí đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tại sao giá điện lại như vậy. “Quan điểm của tôi là giá có thể cao, tăng có thể lớn nhưng phải rõ ràng vì sao”, ông Hải chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng thông tin người dân đang “rất kêu ca” về việc này. “Dù thực tế giá này do Chính phủ, Bộ Tài chính, Công thương xem xét nhưng cũng xuất phát từ ngành điện nên EVN phải xem lại. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN chưa cao, vì tổng doanh số cao nhưng chi phí lớn”, ông Thừa nhận xét. Dẫn chứng về khoản nợ 9,7 tỉ USD từ năm 2015, ông Thừa cho đây là gánh nợ lớn cho tập đoàn trong hạch toán, điều hành. “Nợ thế này tính vào giá thành nên buộc phải cao thôi”, ông Thừa nói.
 

Trước đó, truyền đạt một số vấn đề mà Thủ tướng lưu ý với EVN, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cho hay lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm yêu cầu về kết quả tái cơ cấu tập đoàn. “Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí quán quân về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỉ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỉ USD. EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư”, Phó chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh.
Lo ngại tiến độ dự án điện trọng điểm
Cùng với đó, theo đại diện tổ công tác, Thủ tướng cũng yêu cầu EVN báo cáo về tiến độ đầu tư của các dự án trọng điểm trong Quy hoạch điện 7, nhất là công trình có nguy cơ chậm tiến độ so với dự kiến. “Đề nghị EVN báo cáo có giải pháp gì huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho nền kinh tế”, ông Lục nói.
Báo cáo với tổ công tác, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết vấn đề tái cơ cấu tập đoàn, về cơ bản EVN đã thoái vốn xong khỏi ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện EVN không có đầu tư ngoài ngành, chỉ còn 15% cổ phần trong Công ty cổ phần tài chính điện lực nhưng đang làm thủ tục thoái vốn toàn bộ. Thời gian tới, trọng tâm là EVN tiếp tục cổ phần hóa các tổng công ty phát điện.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết thêm một số dự án chậm tiến độ so với yêu cầu nhưng hiện nay các dự án này đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định, góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện trong 6 tháng đầu năm, điển hình như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1. “Đặc biệt, vấn đề môi trường đã được quan tâm đảm bảo khi vừa qua Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đi kiểm tra Trung tâm điện lực Duyên Hải 1 và đã cấp giấy phép về môi trường cho trung tâm này. Tức là, dự án đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà Bộ TN-MT đề ra. Cùng với đó, đã có Trung tâm quan hệ cộng đồng cho người dân vào xem việc đảm bảo thông số phát thải, lắp đặt các hệ thống đường truyền để các tỉnh giám sát và địa phương giám sát chặt chẽ, có vấn đề gì sẽ có ý kiến với chủ đầu tư và EVN”, lãnh đạo EVN thông tin. Ông cũng cho biết trong năm 2018 đến đầu năm 2019, các nhà máy đang xây dựng trong Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh sẽ đưa vào vận hành đúng tiến độ.
Phải đảm bảo điện cho nền kinh tế
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện…
Do đó, EVN cần báo cáo các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017.
Giải trình trước tổ công tác, Chủ tịch Dương Quang Thành cho hay với chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng điện 11,5% thì EVN có thể đảm bảo cân đối được.

 

Chí Hiếu