Ám ảnh chết ngạt trên tiêm kích F/A-18
Nhiều phi công tử nạn khi điều khiển chiến đấu cơ F/A-18 với nghi vấn hàng đầu là do thiếu ô xy trong buồng lái.
Ám ảnh chết ngạt trên tiêm kích F/A-18
Nhiều phi công tử nạn khi điều khiển chiến đấu cơ F/A-18 với nghi vấn hàng đầu là do thiếu ô xy trong buồng lái.
Mẫu máy bay phản lực chiến đấu đa nhiệm F/A-18 của Mỹ đang vướng sự cố nghiêm trọng với ít nhất 4 phi công thiệt mạng nghi do thiếu ô xy trong khoang lái. Theo tờ Navy Times, từ giữa năm 2010 đến nay đã có tổng cộng 461 trường hợp phi công thông báo gặp “sự cố sinh lý” khi điều khiển F/A-18 và máy bay huấn luyện T-45. Tính tần suất trung bình thì cứ 6 ngày lại xảy ra một vụ.
Ngoài ra, số trường hợp trục trặc hệ thống ô xy trong buồng lái tiêm kích F/A-18 Hornet đã tăng vọt từ 57 vụ vào năm 2012 lên 125 vụ vào năm 2016. Đối với máy bay huấn luyện T-45 cũng tăng từ 13 vụ lên 38 vụ trong cùng giai đoạn. Suốt nhiều tháng qua, hơn 100 phi công tại nhiều căn cứ Mỹ đã từ chối bay để phản đối và quân đội buộc phải dừng mọi hoạt động huấn luyện.
Theo Navy Times, Lầu Năm Góc đã chỉ định Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift dẫn đầu cuộc điều tra sâu rộng và kết quả bước đầu đã xác định sự cố liên quan đến hệ thống cung cấp dưỡng khí trong buồng lái. Tuy nhiên, ông tuyên bố đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi kết luận.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ ‘trùm mền’ không thời hạn 55 máy bay F-35
Không quân Mỹ ngày 12.6 thông báo khoảng ¼ tổng số chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35 phải dừng bay cho đến khi khắc phục được điểm bất thường trong hệ thống cung cấp ôxy cho phi công.
Tai nạn bí hiểm
Theo các chuyên gia, hội chứng thiếu ô xy đột ngột cực kỳ nguy hiểm vì gây mất phương hướng, bất tỉnh và thậm chí tử vong. Các nhà điều tra của quân đội Mỹ vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân 4 trường hợp phi công tử vong nói trên trong khi các vụ F/A-18 gặp nạn ngày càng tăng.
Báo cáo điều tra sơ bộ của đô đốc Scott Swift tường thuật lại cái chết của đại úy phi công Jake Frederick (32 tuổi) hồi tháng 12.2016. Frederick đang điều khiển máy bay của lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ đóng tại Nhật Bản tham gia huấn luyện định kỳ trên biển cách TP.Iwakuni gần 200 km về phía đông nam thì bất ngờ phát tín hiệu báo động và chiếc F/A-18 rơi không lâu sau đó. Một tàu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tìm thấy thi thể phi công xấu số và các chuyên gia pháp y cho rằng nhiều khả năng anh bị tụt ô xy đột ngột.
Trước đó vào ngày 25.10.2016, một chiếc F/A-18 khác bị rơi khi chuẩn bị kết thúc chuyến bay tập tại trường bay của thuỷ quân lục chiến ở bang California. Người phát ngôn thủy quân lục chiến Mỹ John Roberts cho biết phi công đang hạ cánh nhưng không rõ vì nguyên nhân gì lại phải nhảy dù khẩn cấp. Hồi tháng 7, một tiêm kích khác cũng gặp nạn tại cùng địa điểm này, khiến phi công thiệt mạng.
Nhiều nguyên nhân
Navy Times dẫn báo cáo sơ bộ viết: “Sự cố sinh lý xảy ra khi phi công bị mất khả năng hoạt động vì nhiều yếu tố”. Báo cáo tập trung vào 2 khả năng: hệ thống điều khiển áp lực trong buồng lái không hoạt động như thiết kế dẫn đến hội chứng giảm áp và hệ thống cung cấp dưỡng khí không cấp đủ lượng khí sạch với nồng độ ô xy cần thiết. Bên cạnh đó, các yếu tố như mệt mỏi, mất nước, chế độ ăn uống và tâm lý lo lắng cũng có khả năng góp phần gây nên những vụ việc vừa qua. “Điểm chung duy nhất trong tất cả các trường hợp này là sức khỏe thể chất của phi công đã bị ảnh hưởng nặng nề”, theo đô đốc Swift.
Trước mắt, nhóm điều tra đề xuất thành lập một uỷ ban để rà soát hệ thống kiểm soát môi trường và cung cấp dưỡng khí trong buồng lái tất cả các máy bay F/A-18 đang phục vụ trong vòng 1 hoặc 2 năm để có thể xác định rõ ràng căn nguyên và đưa ra giải pháp toàn diện. Đối với trường hợp máy bay huấn luyện T-45, Phó chủ nhiệm tác chiến Bill Moran cho biết đã triển khai trang bị mặt nạ dưỡng khí mới và phi công huấn luyện đang làm quen dần trước khi cho tất cả học viên sử dụng trong vài tuần tới.
“Xài tạm” đồng hồ đi phượt
Trước mắt, để phòng chống sự cố trong buồng lái tiêm kích, quân đội Mỹ quyết định trang bị cho phi công loại đồng hồ đeo tay chuyên dụng trong thể thao và đi phượt. Theo chuyên trang Military.com, mọi phi công lái F/A-18 Hornet sẽ được cung cấp đồng hồ Garmin Fenix 3 hiện có giá thị trường khoảng 450 USD (10,2 triệu đồng) với các chức năng như đo áp suất không khí, độ cao… Hồi tháng trước, các phi công lái tiêm kích F/A-18 Hornet tấn công các mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria đã được trang bị đồng hồ này. “Chúng tôi dự định trang bị đồng hồ cho 100% phi đội vào tháng 8”, người phát ngôn lực lượng chiến đấu cơ thuộc hải quân Mỹ Jeannie Groeneveld cho biết.
Theo báo cáo của giới điều tra, đồng hồ cảnh báo gắn trong buồng lái quá nhỏ và nằm ở vị trí khó thấy trong khi âm thanh cảnh báo không hiệu quả. Ngược lại, đồng hồ đeo tay sẽ giúp phi công nhanh chóng nhận ra tình trạng áp suất vượt ngưỡng an toàn hoặc lượng ô xy bị tụt giảm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo đồng hồ chưa được quân đội thử nghiệm độ chính xác cũng như tầm hoạt động nên có thể tạo cảm giác an toàn giả tạo.
|
Khánh An