21/01/2025

Thi THPT quốc gia: Lên phương án chặn gian lận thi cử

Ngày mai (22.6), thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đại diện Bộ GD-ĐT nêu ra những giải pháp nhằm ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện trước thực trạng chất lượng coi thi không đồng đều ở các địa phương.

 

Thi THPT quốc gia: Lên phương án chặn gian lận thi cử

Ngày mai (22.6), thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đại diện Bộ GD-ĐT nêu ra những giải pháp nhằm ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện trước thực trạng chất lượng coi thi không đồng đều ở các địa phương.




Giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lên đường đi Đắk Nông làm công tác coi thi vào sáng 20.6 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lên đường đi Đắk Nông làm công tác coi thi vào sáng 20.6ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

10 đoàn thanh tra đột xuất
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết trong kỳ thi, Bộ sẽ thành lập 10 đoàn thanh tra và sẽ được tiến hành dựa trên nguyên tắc thanh tra đột xuất, không báo trước.


 
 
Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về kỳ thi
Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết đường dây nóng của Thanh tra Bộ GD-ĐT bắt đầu hoạt động từ sáng 20.6 cho tới ngày 6.7 với số điện thoại 024.36231285/ 0923006757 và Fax: 024.38693145. Thanh tra sẽ tiếp nhận mọi phản ánh của người dân liên quan tới công tác thanh tra kỳ thi.
Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các sở triển khai và duy trì đường dây nóng 24/24 trong suốt quá trình thi.

 

Các tỉnh chỉ biết sẽ có đoàn thanh tra về tỉnh mình chứ không biết sẽ vào điểm thi nào. Phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề có chú trọng thanh tra những nơi được coi là “điểm nóng” về thi cử ở các năm trước? Ông Bằng cho hay: “Chúng tôi sẽ ưu tiên chọn những điểm, những khâu mà người ta có thể hiểu quy chế khác nhau hoặc những nơi xa xôi, điều kiện khó khăn. Ngoài ra, những nơi có dấu hiệu đặc biệt mà năm ngoái đã tổng kết cũng là nơi được xem xét”.

Tuy nhiên, ông Bằng khẳng định mục tiêu của thanh tra không phải là xử lý một vài trường hợp cụ thể mà để tác động vào cả hệ thống, giúp lực lượng coi thi thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy chế đã quy định.
Về phạm vi, thanh tra Bộ thanh tra toàn quốc, Sở thì thanh tra trong nội bộ tỉnh. Một tỉnh có 40 điểm thi thì đoàn thanh tra của Sở có thể đến bất kỳ điểm nào mà không báo trước. Ở các điểm thi, Bộ cũng quy định tối đa 7 phòng thi phải có 1 giám sát. Vai trò của giám sát là đảm bảo giám thị phòng thi thực hiện đúng quy chế và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu giám thị thực hiện không tốt nhiệm vụ. Còn thanh tra Sở độc lập với điểm thi, tiến hành thanh tra từng điểm thi và giám sát từ điểm trường, điểm thi trở đi. Theo ông Bằng, điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi năm nay là các đoàn thanh tra của địa phương sẽ có ít nhất một cán bộ của các trường đại học tham gia.

2 giám thị “soi” 24 thí sinh

Trước băn khoăn về việc năm nay có cảnh báo về những thiết bị phục vụ mục đích gian lận thi cử công nghệ cao, ông Bằng cho biết: “Trong Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT cũng có lãnh đạo Cục Công nghệ cao của Bộ Công an tham gia, bên cạnh Cục An ninh chính trị nội bộ (A83, Bộ Công an). Bộ Công an cũng đã triển khai tới các tỉnh để phối hợp xử lý tình huống phát sinh đối với những hành vi liên quan đến công nghệ cao”.
Trả lời câu hỏi của PV về chất lượng coi thi không đồng đều ở các địa phương, ông Bằng cho hay năm nay mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh (TS) với 2 giám thị. Quy chế quy định rõ, khi gọi TS vào phòng thi, một giám thị sẽ đọc tên, giám thị còn lại sẽ đối chiếu ảnh và kiểm tra các vật dụng TS mang vào phòng thi. Với 2 giám thị quan sát 24 TS trong một phòng thi thì bất kỳ hành vi bất thường nào cũng có thể phát hiện được ngay.
“Nếu giám thị làm nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung thì sẽ phát hiện được ngay khi có sai phạm. Nếu giám thị tập trung như vậy thì TS nào có ý định gian lận cũng không dám”, ông Bằng nói.
Thi THPT quốc gia: Lên phương án chặn gian lận thi cử - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Cảnh giác với thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao

Đại tá Nguyễn Bạch Đằng, khi làm việc cùng với đoàn kiểm tra thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT tại Hải Phòng và Quảng Ninh đã đặc biệt lưu ý hiện nay có rất nhiều thiết bị công nghệ cao hỗ trợ gian lận thi cử…
Lưu ý về thời gian làm bài thi tổ hợp
Theo tài liệu hướng dẫn chi tiết với các hội đồng coi thi mà Bộ mới ban hành, có quy định cụ thể quy trình làm bài thi tổ hợp cho cán bộ coi thi cũng như TS trong phòng thi. Cụ thể, TS làm bài các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo lịch thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Hết thời gian làm bài môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp, giám thị mới thu phiếu trả lời trắc nghiệm. Các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi, TS ghi mã đề thi này trên phiếu trả lời để theo dõi.
Đối với TS thi 2 môn thành phần liên tiếp, giám thị và TS có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút để làm công tác chuẩn bị. Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất của mình, TS phải dừng bút, giám thị thu đề thi và giấy nháp của TS, sau đó phát đề môn thành phần tiếp theo và giấy nháp mới đúng lịch thi. Khi hết giờ làm bài môn thi thành phần thứ hai, giám thị thu đề thi và giấy nháp của TS (trừ môn thi sinh học và giáo dục công dân).
Với TS thi 2 môn thành phần không liên tiếp, ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, TS phải dừng bút, nộp đề thi, giấy nháp cho giám thị. TS phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, úp phiếu trả lời xuống mặt bàn và bảo quản phiếu trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo. Trường hợp đặc biệt, TS ra ngoài phòng thi phải được phép của giám thị, TS này phải nộp phiếu trả lời và ra ngoài phòng thi dưới sự hướng dẫn của cán bộ giám sát.
Với TS chỉ thi 1 môn thi thành phần, ngay sau khi hết giờ làm bài, giám thị thu phiếu trả lời trắc nghiệm, thu đề thi và giấy nháp của TS (trừ các môn thi sinh học và giáo dục công dân).

 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên