29/11/2024

Nguy cơ đối đầu Nga – Mỹ tại Syria

Nguy cơ về cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga tại Syria gia tăng sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay cường kích Su-22 của Damascus.

 

Nguy cơ đối đầu Nga – Mỹ tại Syria

Nguy cơ về cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga tại Syria gia tăng sau vụ Mỹ bắn rơi máy bay cường kích Su-22 của Damascus.



 

Máy bay F/A-18E cất cánh từ tàu sân bay USS George H.W.BushẢNH: HẢI QUÂN MỸ

Sau khi tiêm kích F/A-18 của Mỹ bắn hạ Su-22 của quân đội Syria ngày 18.6, Nga ngay lập tức đưa ra những cảnh báo cứng rắn.
Lằn ranh của Nga
Ngày 19.6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chấm dứt thực thi thoả thuận phòng ngừa sự cố trên không và an toàn bay với Mỹ tại Syria, được hai nước ký từ tháng 10.2015, theo Hãng thông tấn TASS. Quân đội Mỹ trước đó thông báo đã liên lạc với Nga trước khi bắn rơi máy bay Syria nhưng Moscow phủ nhận thông tin này, đồng thời nhấn mạnh máy bay của Nga khi đó cũng hoạt động trong khu vực. Ngoài ra, Nga gọi vụ bắn rơi máy bay Su-22 là vi phạm luật quốc tế và là sự xâm lược quân sự chống Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng bất kỳ máy bay nào, gồm cả có người lái hoặc UAV của liên quân quốc tế bị không lực Nga phát hiện hoạt động tại các khu vực phía tây sông Euphrates sẽ bị coi là mục tiêu. Theo chuyên san The National Interest, các hệ thống tên lửa S-400 và S-300 của Nga tại Syria đã theo dõi máy bay Mỹ và đồng minh trong nhiều tháng qua. Trong khi đó, ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga đe doạ rằng máy bay Mỹ tại Syria có thể phải đối mặt với sự hủy diệt nếu gây nguy hiểm cho tính mạng của phi công Nga.

Đáp lại các tuyên bố của phía Nga, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cương quyết tự vệ trước bất kỳ mối đe doạ nào. Theo tờ Washington Examiner, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nói rằng Mỹ sẽ không do dự trong việc phòng vệ và bảo vệ đối tác nếu bị đe dọa.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cũng đồng quan điểm khi khẳng định Washington sẽ bảo vệ lợi ích của mình tại Syria và luôn có quyền tự vệ. Bên cạnh đó, người phát ngôn liên quân do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Ryan Dillon quả quyết rằng tuyên bố của Nga không ảnh hưởng đến máy bay của Mỹ và liên quân tham gia chiến dịch hỗ trợ các tay súng nổi dậy ở Syria chống IS.
Mỹ, Úc cảnh giác
Dù tuyên bố hành động bắn rơi máy bay Syria là biện pháp phòng vệ tập thể, nhưng Mỹ cũng có những biện pháp đề phòng nguy cơ xung đột với Nga. Theo ông Dillon, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thận trọng thay đổi vị trí hoạt động của các máy bay ở Syria để có thể tiếp tục chống IS nhưng cũng đảm bảo an toàn cho phi công trước những mối đe doạ trong chiến trường trên không. Bộ Quốc phòng Úc ngày 20.6 thông báo hoãn chiến dịch không kích IS tại Syria như biện pháp đề phòng sau vụ bắn rơi máy bay Su-22, theo Reuters. Phía Úc cho biết đang theo dõi sát tình hình tại Syria và sẽ quyết định khôi phục chiến dịch hỗ trợ trên không vào thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Spicer nhấn mạnh việc tiếp tục giữ liên lạc với phía Nga, đồng thời cho rằng leo thang sự thù địch giữa các bên trong khu vực là hành động không có lợi. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford ngày 19.6 xác nhận rằng Washington đang nỗ lực để khôi phục lại liên lạc giữa hai bên. Hồi tháng 4, Nga cũng tuyên bố hoãn thực thi thoả thuận phòng ngừa sự cố với Mỹ sau khi Washington nã tên lửa Tomahawk vào sân bay Syria tuy nhiên liên lạc được nối lại sau vài ngày.

Lằn ranh mà Nga vạch ra tại Syria khiến lực lượng Mỹ phải có chiến thuật khác nhằm đảm bảo chiến dịch quân sự chống IS diễn ra suôn sẻ mà vẫn an toàn. Theo tạp chí Popular Mechanics, thay cho không quân, Mỹ có thể pháo kích, tấn công bằng tên lửa, sử dụng lực lượng mặt đất để hỗ trợ quân nổi dậy chống IS. Bên cạnh đó, các loại vũ khí gây nhiễu như máy bay tác chiến điện tử EA-18G hay tên lửa dùng làm mồi nhử ADM-160 cũng có khả năng được dùng để gây nhiễu hoặc đánh lừa các hệ thống radar của Nga, sau đó dùng tên lửa phá hủy những radar này.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể dùng đòn tấn công phủ đầu, tiêu diệt toàn bộ máy bay chiến đấu của Syria bằng tên lửa hành trình như cuộc tấn công hồi tháng 4. Trong khi đó, Nga được dự đoán sẽ có biện pháp đáp trả, có thể là tấn công mạng hoặc biện pháp mạnh hơn nhằm khẳng định thông điệp của mình. Popular Mechanics nhận định rằng căng thẳng tại Syria có thể dẫn đến chiến tranh thế giới, kết cục mà dường như Mỹ không hề mong muốn và Washington cần cân nhắc kỹ càng trước khi có hành động tiếp theo.


Nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ tại Syria - ảnh 3

 
 

Bảo Vinh