Nhà nước muốn cho tiền, doanh nghiệp chỉ xin chính sách
Nhà nước muốn hỗ trợ tiền, doanh nghiệp lắc đầu chỉ muốn có cơ chế chính sách và giảm bớt các thủ tục thật sự nếu không sẽ rất khó thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Nhà nước muốn cho tiền, doanh nghiệp chỉ xin chính sách
Nhà nước muốn hỗ trợ tiền, doanh nghiệp lắc đầu chỉ muốn có cơ chế chính sách và giảm bớt các thủ tục thật sự nếu không sẽ rất khó thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cho biết vẫn chưa được ưu đãi vì thủ tục phức tạp. Trong ảnh: thu hoạch dưa leo tại một dự án sản xuất phát triển nông nghiệp ở huyện Long Thành, Đồng Nai – Ảnh: Quang Định |
Sau ba năm triển khai Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tỏ ý không hài lòng khi các vấn đề vẫn chưa có lối ra, còn nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp than chính sách vẫn còn tính xin – cho tại hội nghị góp ý vào ngày 19-6.
Vẫn cơ chế xin cho
Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, từ ưu đãi thuê đất tới 40% số tiền trong 5 năm đầu hay 50% cho quảng cáo, xây dựng thương hiệu khi tham dự triễn lãm, hội chợ…
Nhưng bà Thái Hương, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk cho rằng thủ tục quá nhiêu khê.
“Nếu theo các quy định như dự thảo thì mất quá nhiều thủ tục, đi hết bộ này bộ kia. Thời gian đó để chúng tôi làm việc khác còn hơn. Các bộ lâu nay họp quá nhiều nhưng hỗ trợ lại quá ít”, bà Thái Hương bình luận.
Bà Hương cho biết mình đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008 nhưng tất cả đều tự làm từ tích tụ ruộng đất, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực chứ “không lấy hỗ trợ đồng nào”.
Chính sách, theo bà Hương, phải căn cứ trên đầu ra của sản phẩm, tránh xin – cho. “Ví dụ tôi đăng ký sữa sạch, Nhà nước phải quy định thế nào là sạch. Tôi tiêu thụ được 1 triệu lít, cầm hóa đơn đến là Nhà nước hỗ trợ tôi”, bà Hương nói.
Ông Lê Văn Tam, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mía đường Lam Sơn, nhấn mạnh hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn gặp khó ở hai vấn đề. Thứ nhất là phải thuê lại quyền sử dụng đất của nông dân, khó bởi phải thỏa thuận với quá nhiều hộ gia đình. Thứ hai là vốn để phát triển sản xuất, vay không dễ…
Dù Nghị định khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành năm 2013 nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề được nêu ra tại hội nghị góp ý cho nghị định mới, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho biết các chính sách như ưu đãi tiền thuê đất, lãi suất, hỗ trợ đào tạo, quảng bá… nông dân và doanh nghiệp “cơ bản không tiếp cận được”.
Lý do là các quy định đều nói ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ, “mà địa phương đâu… có tiền làm việc đó”.
Ông Trần Văn Thức ở Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết thời gian qua ông đi một số tỉnh miền Đông và cả Tây Nguyên tìm đất xây trang trại đầu tư nuôi heo, bò nhưng không thể kiếm được theo diện dự án ưu đãi đầu tư.
Cán bộ địa phương cho biết cá nhân hay doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp của dân, sau đó mới chuyển đổi thành đất dự án.
Ở Long An, theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, xác nhận từ lúc triển khai đến nay Long An đã đàm phán với một số doanh nghiệp, nhưng “vẫn chưa có dự án nào triển khai được theo nghị định hiện hành”.
Doanh nghiệp cần cơ chế hơn hỗ trợ mấy đồng bạc
“Muốn lập một dự án phải qua ngành này, bộ kia. Riêng thủ tục đã mất rất nhiều thời gian. Do đó thường nhà đầu tư phải theo cơ chế xin – cho”, theo ông Võ Quan Huy, chủ thương hiệu FOHLA chuyên đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo ông Huy, việc sở hữu đất đai theo quy định hiện nay còn ở mức hạn chế, khiến nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư có mức độ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi nếu cứ để từng doanh nghiệp loay hoay đàm phán với từng hộ nông dân, doanh nghiệp còn động lực làm nữa không?
Ông Huệ đưa kinh nghiệm ở Hà Nam chính quyền đã đứng ra thuê đất của người dân, sau đó bàn giao cho doanh nghiệp và nhấn mạnh chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai là hết sức quan trọng.
Đặc biệt, ông Huệ lưu ý cần phải đơn giản hoá hơn nữa thủ tục hành chính, bởi doanh nghiệp phải “qua 12 thủ tục với khoảng 40 loại giấy tờ, đôi khi người ta để thời gian… làm việc khác còn hơn”.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị định sau 3 năm có hiệu lực chỉ hỗ trợ được 64 dự án với tổng số vốn rất nhỏ
Nguyên nhân, theo ông Huệ, là quy định hiện nay quá tập trung vào việc dùng tiền hỗ trợ đầu tư. “Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận. Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hơn là hỗ trợ họ mấy đồng bạc” – ông Huệ nói.
Hiện tại mới chỉ có hơn 4.400 doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp, chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Chính sách hấp dẫn nhưng “mất hút” ở địa phương Ông Nguyễn Đức Thắng, chủ trang trại ở Lạc Dương (Lâm Đồng), xác nhận có nghe chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp nên hỏi cán bộ địa phương, nhưng họ nói… không rõ vì đang đợi hướng dẫn. Sau đó khi mở rộng trang trại để cung cấp rau củ quả cho các siêu thị và cửa hàng tại TP.HCM, ông Thắng liên hệ với ngân hàng hỏi về chính sách ưu đãi lãi suất cho nông nghiệp nhưng cũng nhận được câu trả lời tương tự. “Nói chung chính sách của Nhà nước đưa ra rất hấp dẫn, nhưng về đến địa phương thì mất hút…” – ông Thắng cho biết. |