11/01/2025

Đăng ký thuê bao di động phải… nộp ảnh

Quy định các nhà mạng phải chụp ảnh người trực tiếp đăng ký dịch vụ di động vừa ban hành khiến mọi người bất ngờ và gây khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người dùng.

 

Đăng ký thuê bao di động phải… nộp ảnh

Quy định các nhà mạng phải chụp ảnh người trực tiếp đăng ký dịch vụ di động vừa ban hành khiến mọi người bất ngờ và gây khó khăn cho doanh nghiệp lẫn người dùng.



Yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ di động phải chụp ảnh sẽ gây khó cho doanh nghiệp lẫn người dùngẢNH: GIA KHIÊM

Không khả thi
Nghị định số 49/2017 ngày 24.4.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (có hiệu lực từ ngày ký) yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải có đủ trang thiết bị để nhập thông tin trên giấy tờ của các cá nhân, tổ chức và chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động) và chuyển thông tin, bản số hoá giấy tờ, ảnh chụp về cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp (DN) viễn thông. Trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các DN viễn thông phải bổ sung ảnh chụp của tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ. 



TS Nguyễn Ngọc Sơn phân tích: Việc yêu cầu chụp ảnh người dùng dịch vụ di động kèm theo CMND làm tăng khả năng nhận dạng đồng thời có thể gây nguy hiểm khi thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài. Trên thực tế, nhiều người dân không yên tâm khi thông tin của mình trên CMND cùng với số điện thoại đăng ký đã bị lộ tràn lan trong thời gian qua. Ngoài việc bị làm phiền bởi những cuộc gọi quảng cáo thì không ít trường hợp đã bị kẻ gian sử dụng thông tin cá nhân để lừa đảo. Tuy không ai biết nguồn lộ thông tin từ đâu bởi các nhà mạng đều cho rằng họ không tiết lộ, nhưng việc các cá nhân trong những DN có thể tiếp cận được danh sách này rồi đem bán cho các đơn vị dịch vụ khác là hoàn toàn có thể xảy ra.



 

Đến hết năm 2016, VN có gần 140 triệu thuê bao di động. Để thực hiện quy định trên, các thuê bao sẽ phải đồng loạt đến các nhà mạng để chụp hình. Điều này theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong là không khả thi bởi số lượng khách hàng quá lớn. Quan trọng nhất là những thông tin cần thiết đều đã có trong chứng minh nhân dân (CMND) và chỉ cần quản lý qua giấy tờ này là đủ.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kinh tế – Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng phân tích: Hiện nay, tất cả thông tin về nhận dạng người dùng đã có đủ qua CMND. Trên CMND cũng đã có hình, vậy tại sao cần phải chụp hình nữa? Hơn nữa, cũng đã có quy định siết chặt thông tin thuê bao di động từ việc phải có CMND mới đăng ký dịch vụ được, nhưng tình trạng sim rác, tin nhắn rác vẫn hoành hành thì cần xem lại việc nhà mạng có thực hiện đúng hay chưa. “Nếu để quản lý sim rác thì rõ ràng không ai chắc chắn có thêm điều kiện chụp ảnh sẽ làm giảm được tình trạng này. Thậm chí nếu có sử dụng CMND giả hay không chính chủ thì phải quay lại nguồn gốc nơi quản lý CMND chứ không thuộc phạm vi của DN cung cấp viễn thông”, TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Tăng thêm điều kiện kinh doanh
Để thực hiện được quy định chụp ảnh khách hàng và lưu trữ, mỗi nhà mạng hiện có hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Nếu nhân chi phí trang thiết bị cho các cửa hàng này thì con số sẽ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vì vậy không những khó thực hiện mà quy định mới này làm tăng thêm điều kiện kinh doanh, gây khó cho các DN lẫn người tiêu dùng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, nhận xét: trong khi Chính phủ đang đưa ra chính sách cắt giảm thủ tục hành chính công tại nhiều bộ ngành để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN thì bản thân quy định này lại đi ngược với mục tiêu đó. “Với cả trăm triệu thuê bao đang dùng di động hiện nay, chỉ cần một người mất thêm vài phút là đã tiêu tốn nguồn lực của xã hội rất lớn. Cộng thêm với chi phí từ phía DN thì sẽ là con số không nhỏ. Tại sao khi ban hành quy định, cơ quan quản lý nhà nước không tính đến những lợi ích đi kèm với chi phí phải bỏ ra? Nếu chi phí quá lớn so với lợi ích thu được thì không cần thiết phải thực hiện”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích. Ông cũng đề nghị Chính phủ nên xem xét và dừng ngay quy định này.

Trên cương vị người dùng điện thoại di động, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét quy định trên không hợp lý. Bởi người dùng không cần biết quy định để làm gì mà chỉ thấy phiền hà và rắc rối cho họ. Thậm chí có thể sẽ gây nên tình trạng vì khách hàng không thực hiện nên DN cũng sẽ làm lơ hay gian dối bởi không muốn mất khách hàng. “Bất kỳ chính sách nào trước khi ban hành cũng cần được rà soát, nghiên cứu kỹ từ thực tế đến hiệu quả tác động của nó. Đừng để như quy định đổi giấy phép lái xe sang thẻ nhựa của Bộ GTVT đầu năm nay cũng phải bãi bỏ sau khi bị Bộ Tư pháp cho rằng không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp…Vì vậy một quy định không hợp lý, khó khả thi thì cần được chỉnh sửa ngay”, TS Bùi Trinh nói thêm.

Nghị định 49/2017 nêu rõ, về phía các nhà mạng, biện pháp chính là nhắn tin mời khách hàng đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ; đồng thời rà soát định kỳ và liên lạc với thuê bao có dấu hiệu thông tin đăng ký chưa đúng quy định để kiểm tra lại. Thậm chí DN có thể cử nhân viên trực tiếp gặp các cá nhân, tổ chức có thuê bao đang hoạt động để thực hiện. Riêng với người dùng, nếu quá thời hạn 2 tháng kể từ ngày thuê bao nhận được tin nhắn mà vẫn chưa bổ sung ảnh, khách hàng sẽ bị cắt dịch vụ.


 

Mai Phương