29/11/2024

Trận đánh kỳ lạ kết thúc Thế chiến 2

Trận “lâu đài Itter” có lẽ là trận đánh kỳ lạ nhất lịch sử, khi mà binh lính của Đức Quốc xã lại đứng chung chiến tuyến với lính Mỹ để giải cứu tù nhân chiến tranh người Pháp.

 

Trận đánh kỳ lạ kết thúc Thế chiến 2

Trận “lâu đài Itter” có lẽ là trận đánh kỳ lạ nhất lịch sử, khi mà binh lính của Đức Quốc xã lại đứng chung chiến tuyến với lính Mỹ để giải cứu tù nhân chiến tranh người Pháp.




Tướng Maxime Weygand (bìa phải) rời khỏi lâu đài sau khi được giải thoát
 /// AFP

Tướng Maxime Weygand (bìa phải) rời khỏi lâu đài sau khi được giải thoátAFP

Nằm trên đỉnh đồi cao gần 700 m, cách thị trấn Worgl (bang Tyrol, Áo) vài ki lô mét là lâu đài Itter, công trình được xây dựng từ thế kỷ 19 trên tàn tích của một pháo đài thời Trung cổ. Năm 1943, Heinrich Himmler, lãnh đạo lực lượng SS khét tiếng (tên viết tắt của tổ chức vũ trang Schutzstaffel, đội cận vệ của đảng Quốc xã Đức) ra lệnh chiếm giữ lâu đài Itter và biến nơi đây thành nhà tù chuyên giam lỏng giới tinh hoa chính trị, quân sự và văn hoá của Pháp.
Người Đức chống người Đức
Được canh phòng nghiêm ngặt, bên ngoài lâu đài Itter là dãy hàng rào dây thép gai 2 lớp, đèn pha sáng rực quần đảo suốt đêm nhằm phát hiện bất kỳ động tĩnh lạ nào. Lâu đài nằm dưới sự quản lý của lực lượng tại trại tập trung Dachau (Đức) và nhân viên phục vụ tại đây là những tù nhân Đông Âu được chuyển từ Dachau về, theo The National Interest. Trong lâu đài là những nhân vật có ảnh hưởng tại Pháp thời điểm đó như hai cựu thủ tướng Edouard Daladier và Paul Reynaud; hai cựu tổng tư lệnh Maxime Weygand và Maurice Gamelin; chị gái của tướng Charles de Gaulle, bà Marie-Agnes Caillau; con trai cựu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Georges Clemenceau, ông Michel Clemenceau; ngôi sao quần vợt Jean Borotra…. Ý tưởng ban đầu của Himmler là dùng những người này cho mục đích thương lượng chính trị về sau.
 

Trận đánh kỳ lạ kết thúc Thế chiến 2 - ảnh 1

Thiếu tá Josef Gangl, người hy sinh trong trận ItterAFP

Đầu tháng 5.1945, những ngày cuối cùng của Thế chiến 2 khi Adolf Hitler đã tự sát, lực lượng SS hoang mang tìm cách trốn chạy bởi quân Đồng minh đang kéo đến. Ngày 3.5, tay súng kháng chiến người Nam Tư Zvonimir Cuckovic, thường ngày là chân sai vặt của SS, thoát được ra ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ của quân Đồng minh, lấy cớ là đưa thư cho lãnh đạo nhà tù Sebastian Wimmer.

Ngày 4.5, Sebastian Wimmer cùng cấp dưới tháo chạy khỏi lâu đài Itter, theo tác giả Stephen Harding kể lại trong cuốn sách The Last Battle (tạm dịch: Trận chiến cuối cùng). Những tù nhân người Pháp bị mắc kẹt góp nhặt số vũ khí còn sót lại và phòng thủ trong lâu đài chờ quân Đồng minh đến giải cứu. Trong khi đó, các đơn vị của SS và lực lượng mật vụ Gestapo vẫn còn hiện diện khá nhiều tại cánh rừng xung quanh lâu đài.
Trên đường tìm sự giúp đỡ, ông Cuckovic gặp đơn vị của thiếu tá người Đức Josef Gangl, chỉ huy một nhóm nhỏ lính quân đội Đức Quốc xã có tư tưởng đầu hàng quân Đồng minh, ở thị trấn Worgl. Nghe kể sự tình, ông Gangl biết rằng nếu giúp đỡ, bảo vệ nhóm tù nhân Pháp, ông và đơn vị của mình có thể sẽ được quân Đồng minh cân nhắc tha thứ. Thiếu tá này quyết định đồng ý, nhưng yêu cầu ông Cuckovic đi về hướng thành phố Innsbruck vì nơi này vừa được Sư đoàn bộ binh 103 của Mỹ chiếm. Sau đó, Cuckovic gặp được một đơn vị do thiếu tá John Kramers chỉ huy thuộc Sư đoàn bộ binh 103 của Mỹ. Ông Kramers lập một nhóm tác chiến nhỏ để đến giải cứu nhưng chiến dịch bị hủy vì lo ngại nguy cơ lính Đức nã pháo đáp trả.
Về phần mình, ông Gangl dẫn nhóm lính đi theo hướng ngược lại về phía làng Kufstein để tìm thêm chi viện. Trên đường, họ bắt gặp đơn vị trinh sát thuộc Tiểu đoàn xe tăng 23, Sư đoàn thiết giáp 12 của Mỹ ở làng Kufstein. Chỉ huy của đơn vị gồm 4 chiếc tăng Sherman này là trung úy 27 tuổi người New York, John “Jack” Lee. Thiếu tá Gangl vẫy cờ trắng và thông báo cho ông Lee tình hình tại lâu đài Itter, địa điểm quan trọng mà người Mỹ không hề hay biết từ khi đổ quân vào Áo đầu tháng 5. Lực lượng giải cứu sau đó đánh tan một vài điểm phục kích của lính SS trên đường đến Itter. Sau đó, nhóm chỉ huy quyết định để lại một lực lượng làm nhiệm vụ cản đường và số lượng đi giải cứu tù nhân cuối cùng rút xuống còn 10 lính Mỹ và 14 lính Đức, cùng chiếc tăng M4 Sherman được trang bị pháo chính 76 mm. Ngay khi đến lâu đài, nhóm giải cứu được những tù nhân đón chào nhưng cũng khiến họ thất vọng vì lực lượng quá mỏng. Sau đó, trung úy Lee triển khai lính và vũ trang cho tù nhân Pháp tại đây vào vị trí phòng thủ. Chiếc tăng được đặt ngay cổng chính lâu đài.
Cuộc chiến khốc liệt
Giao tranh diễn ra khi binh lính thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới số 17 của SS bắt đầu di chuyển về phía lâu đài. Đến tối, một lực lượng bộ binh SS bắt đầu nã đạn súng trường và súng máy vào. Lực lượng phản kháng bên trong đẩy lui được đợt tấn công này chỉ bằng vũ khí hạng nhẹ. Tuy nhiên, đến sáng 5.5, khoảng 150 – 200 lính SS vây lâu đài Itter; khẩu pháo chống tăng 88 mm và một khẩu pháo phòng không 20 mm được đặt trên ngọn đồi cách đó khoảng 180 m, hướng thẳng về phía lâu đài. Phe phòng thủ được chi viện thêm… 2 người từ lực lượng kháng chiến Áo.
Sau đó, pháo của SS bắt đầu khai hỏa và phía phòng thủ không cầm cự được lâu. Những lỗ châu mai và cửa sổ lâu đài nhanh chóng vỡ vụn. Một quả đạn pháo làm nổ một phần chiếc tăng của trung uý Lee, nhóm lính bên trong may mắn thoát kịp ra ngoài trước khi chiếc tăng bốc cháy. Theo đà đó, quân SS tiến về phía lâu đài. Trước tình thế này, ngôi sao quần vợt Borotra tình nguyện tìm nguồn chi viện. Ông vượt tường, băng nhanh qua khu đất trống khoảng 40 m, cố tránh vòng vây của lính SS trong khu rừng và cuối cùng liên lạc được với binh lính của thiếu tá Kramers và nhóm lính mà trung uý Lee để lại cản đường trước đó.

Trong khi đó, lực lượng SS siết chặt vòng vây tại lâu đài Itter. Nhiều lính Đức phòng thủ tại đây thiệt mạng, trong đó có thiếu tá Gangl vì trúng đạn bắn tỉa. Đề phòng trường hợp quân cứu viện không đến kịp, ông Lee cho rút lực lượng phòng thủ vào trong khu nhà giam của lâu đài. “Họ sẽ dùng những viên đạn cuối cùng, lưỡi lê, thậm chí là nắm đấm để cố thủ tại mỗi cầu thang, hành lang, tầng lầu trong cuộc chiến với quân SS”, tác giả Harding viết.

Đến chiều, tổ chống tăng của SS vào vị trí chuẩn bị cho nổ tung cổng chính lâu đài bằng súng chống tăng Panzerfaust. Đúng lúc đó, chiếc xe tăng Sherman mà trung uý Lee để lại cản đường hôm trước xuất hiện và phá vây từ đằng sau lưng SS. Đồng thời, đơn vị của ông Kramers do Borotra dẫn đường cũng tham chiến. Nhiều ụ súng máy của SS bị đập tan, lực lượng giải cứu còn tránh được ổ phục kích của SS và phá huỷ chiếc thiết giáp 251/22 bằng một quả đạn pháo 76 mm.
Hàng trăm lính SS bị bắt giữ. Đến tối, tù nhân Pháp tại lâu đài Itter được hộ tống về Paris. Đức Quốc xã đầu hàng vào 3 ngày sau. Đến nay, không ai biết được khi đó lính SS có nhận được lệnh tàn sát giới tinh hoa người Pháp tại lâu đài hay không, bởi nếu kịch bản này xảy ra nước Pháp có thể phải chịu thêm nhiều tổn thất vì cả hai cựu thủ tướng Reynaud và Daladier đều giữ những vị trí quan trọng trong cuộc cải tổ đất nước sau này. Tuy vậy, cuộc chiến tại Itter đánh dấu thời khắc lịch sử khi mà lính Đức, Mỹ, Pháp và Đông Âu hợp lực chống lại kẻ thù chung. Nhờ hành động quả cảm của thiếu tá Gangl, thị trấn Worgl sau này đặt tên ông cho một con đường. Trong khi đó, trung uý Lee được thăng hàm đại úy và trao thưởng huân chương cao quý của quân đội Mỹ.
Lâu đài Itter là một trong số hàng trăm chi nhánh của Dachau, trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc xã, tại miền nam Đức và miền bắc Áo. Lâu đài lần đầu được nhắc đến trong hồ sơ đất đai vào năm 1240. Từ đó, nơi này trải qua nhiều đời chủ. Sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Áo vào tháng 3.1938, lâu đài Itter nhanh chóng được chú ý và trưng dụng để sử dụng vào nhiều mục đích. Lâu đài được giao cho lực lượng SS vào tháng 2.1943. Những bức tường lớn, hệ thống hào sâu xung quanh, cổng chính vững chắc, hàng rào dây thép bảo vệ bên ngoài… biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố. Bên trong, 20 phòng khách được sửa sang lại thành những phòng giam an toàn trong khi những phòng khác được cải tạo lại cho quản ngục và quan chức nhà tù. Vào thời điểm cuối Thế chiến 2, lâu đài Itter trở thành trạm trung chuyển cho lính Đức trên đường tháo chạy. Eduard Weiter, chỉ huy cuối cùng của trại tập trung Dachau, đến đây vào ngày 30.4.1945, sau đó tự sát vào ngày 2.5.1945. Xác của ông ta được chôn ở cánh đồng bên ngoài lâu đài vì giáo sĩ địa phương khi đó không cho phép chôn trong nghĩa trang.

Bảo Vinh