Gần 1 tháng nay, gia đình ông Trương Văn Hoàng (48 tuổi, ngụ xóm Vĩnh Tiến, xã Thạch Bàn, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) như ngồi trên lửa khi 2 ha tôm nuôi được 80 ngày tuổi bị nhiễm bệnh, chết trắng hồ. Hơn 3 ha còn lại, ông Hoàng đang phải bán tống bán tháo vì sợ tôm chết không bán được. “Chỉ khoảng 20 ngày nữa là có thể thu hoạch, tôm lại lăn ra chết hàng loạt. Vụ này tôi thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Hai hồ còn lại, tôi đành phải bán gấp cho các tiểu thương nhưng cũng bị ép giá”, ông Hoàng than thở.
Còn ông Hồ Thái Liệu (52 tuổi, ngụ thôn Bình Sơn) cho biết khoảng hơn 10 ngày trước, sau khi ông lấy nước từ kênh cấp nước vào hồ nuôi tôm thì một ngày sau xảy ra hiện tượng tôm chết. “Toàn bộ hồ nuôi tôm 40 ngày với diện tích 3.000 m2 của gia đình bị chết hết với trọng lượng hơn 700 kg”, ông Liệu nói.
Tôm hùm trên vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) đã chết khoảng 350 – 400 tấn, ước hiệt hại hơn 700 tỉ đồng, nhưng đến nay nguyên nhân vẫn chưa xác định được.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thạch Hà, sau khi xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích, tìm nguyên nhân. Qua phân tích cho thấy, tôm chết do bị dịch bệnh đốm trắng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoàn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, cho biết hiện tượng tôm chết tại các hộ nuôi tôm trên cát và các ao đầm bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 3 và bùng phát khoảng 1 tháng nay. Đến nay, theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 187 hộ nuôi tôm với hơn 221 ha tôm bị chết, số lượng hơn 39 triệu con. Các địa phương có diện tích tôm chết nhiều là TX.Kỳ Anh, H.Kỳ Anh và H.Thạch Hà. Nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt được các ngành chuyên môn xác định do thời tiết biến đổi bất thường, khiến dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan cấp tính bùng phát.
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện trên địa bàn tỉnh có 876 tôm nuôi từ 15 – 60 ngày tuổi bị thiệt hại; trong đó mức độ thiệt hại từ 30 – 70% là 643 ha, số còn lại thiệt hại trên 70%.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lưu Quang Cần, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, cho hay đơn vị này đã nhiều lần gửi công văn hướng dẫn người nuôi tôm các kỹ thuật chăm sóc và lịch thả thời vụ. Đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát mầm bệnh để tránh các dịch bệnh xảy ra.
Theo ông Cần, để hạn chế tình trạng tôm chết như hiện nay, người dân cần tăng cường giữ vệ sinh môi trường ao đầm, lựa chọn con giống có chất lượng, nuôi mật độ vừa phải, giảm lượng thức ăn từ 30 – 50% khi trời nắng nóng, bổ sung chất khoáng cho tôm. Nếu tôm đạt kích cỡ, ngay lập tức thu hoạch; khi phát hiện có dịch bệnh, ao hồ bị dịch phải xử lý trước khi thải ra môi trường.