10/01/2025

Tâm sự của một ‘gà chọi’: Khi tuổi thơ bị đánh cắp

Câu chuyện đào tạo ‘gà chọi’ cho các kỳ thi học sinh giỏi được tiếp tục qua lời kể của một người trong cuộc.

 

Tâm sự của một ‘gà chọi’: Khi tuổi thơ bị đánh cắp

Câu chuyện đào tạo ‘gà chọi’ cho các kỳ thi học sinh giỏi được tiếp tục qua lời kể của một người trong cuộc.

 

 

 

Tâm sự của một 'gà chọi': Khi tuổi thơ bị đánh cắp
Mỗi lần sắp đến kỳ thi học sinh giỏi là tôi cực kỳ căng thẳng, lo sợ, chỉ thầm mong đừng có tên mình trong đội tuyển. Vậy mà ước mong đó gần như không bao giờ thành hiện thực

Đọc các bài viết về chuyện luyện “gà chọi” trên Tuổi Trẻ mấy ngày qua, tôi thật sự rất tâm đắc và chia sẻ.

Bản thân tôi cũng từng là một “gà chọi”, và là “gương mặt thân quen” trong các cuộc thi học sinh giỏi, từ cấp I đến cấp III. Suốt 12 năm học phổ thông, gần như năm nào tôi cũng tham gia ít nhất một cuộc thi học sinh giỏi.

Căng thẳng, lo sợ…

Cấp tiểu học, THCS thì tôi thi chọn ở trường, rồi thi quận, thi thành phố. Lên THPT thì thi cấp thành phố, rồi thi cấp quốc gia, chưa kể thi Olympic 30-4 và những cuộc thi khác có quy mô nhỏ hơn.

Mỗi lần sắp đến kỳ thi học sinh giỏi là tôi cực kỳ căng thẳng, lo sợ, chỉ thầm mong đừng có tên mình trong đội tuyển. Vậy mà ước mong đó gần như không bao giờ thành hiện thực.

Trước khi thi, tôi phải tập trung luyện ở trường từ sáng đến chiều, kể cả cuối tuần, trong khi chúng bạn có thể nghỉ ngơi, thư giãn vào thứ bảy, chủ nhật.

Bạn bè tôi chỉ cần học theo đúng chương trình, còn tôi phải gồng mình theo những bài học riêng, cao siêu hơn, khó nhằn hơn và luôn tự hỏi “học cái này để làm gì?”.

Tôi vẫn còn nhớ, hồi cấp III có lần do quá mệt mỏi và muốn ngầm “phản kháng”, tôi đã bỏ luyện thi học sinh giỏi ở trường suốt 3 buổi. Hậu quả là đích thân thầy hiệu phó đến nhà nói với ba mẹ tôi rằng tôi “trốn học” và đang làm xấu mặt nhà trường. Vậy là tôi lại đành phải vùi đầu vào mớ kiến thức cao siêu kia.

Đến ngày thi, tâm trạng càng chán ngán. Ở điểm tập trung thi, tôi có thể thấy những gương mặt mệt mỏi vì luyện thi như mình, và cả những ánh nhìn đầy kỳ vọng của các thầy cô dẫn học sinh đi thi.

Thi hai vòng cấp thành phố xong, tôi lại phải ôn thi quốc gia, rồi thi quốc gia. Với phần ôn thi này kiến thức lại càng nặng hơn, thành phố thuê giáo viên nổi tiếng về dạy. Tôi còn được biết một số tỉnh phía Bắc còn chi “bạo” hơn, khi mời giáo viên chuyên ra đề thi học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic quốc tế về để “luyện gà”.

Tất nhiên, đổi lại, kết quả đạt được đủ làm các vị lãnh đạo của ngành giáo dục tỉnh nhà “nở mày nở mặt”.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Từ lúc chuẩn bị ở trường đến khi thi xong kỳ thi quốc gia, ngót nghét mất gần một học kỳ. Đổi lại mớ kiến thức cao siêu của chỉ một môn thi là sự sa sút về kiến thức những môn còn lại. Khi các bạn học, tôi phải ngồi một góc để làm bài kiểm tra.

Tôi được miễn kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, thầy cô sẽ lấy điểm của bạn học giỏi nhất lớp cho vào cột điểm của tôi (tôi chẳng hề thích sự thiên vị này tí nào), nhưng bài kiểm tra 1 tiết hay giữa kỳ thì không thể miễn được.

Đó là chưa kể tôi phải xách tập đi học lại những kiến thức đã bỏ lỡ, do suốt ngày phải học kiến thức chuyên sâu nhằm thi học sinh giỏi.

Tôi cảm thấy dường như một phần tuổi thơ, sự trong sáng tuổi học trò của mình đã bị đánh cắp, nhường chỗ cho những toan tính, chiến thuật thi cử, và cả việc chạy theo thành tích của nhà trường, của ngành giáo dục.

Thi học sinh giỏi thì được gì ngoài việc cộng điểm vào kỳ thi tuyển sinh, được khen là “học sinh giỏi”, hay một suất tuyển thẳng vào đại học? Đánh đổi sự căng thẳng, mệt mỏi mà tôi từng trải qua để lấy những điều đó, tôi thấy chả lời tí nào!

Tôi đã từng chứng kiến những cô cậu “học sinh giỏi” bậc phổ thông mà thi tốt nghiệp THPT điểm số các môn khác (ngoài môn chuyên) thấp đến kinh ngạc, phải chật vật khi bắt đầu học đại học.

Ngành giáo dục được lợi gì từ những cuộc luyện “gà chọi” ròng rã suốt mấy tháng, tốn kém biết bao kinh phí và lấy đi bao nhiêu là thời gian, công sức của cả học sinh lẫn giáo viên, ngoài những tấm bằng khen thành tích?

Thi học sinh giỏi để làm gì?

Một đất nước có quá nhiều tiến sĩ, giáo sư, quá nhiều học sinh giỏi, quá nhiều thành tích trong các kỳ thi Olympic mà lại nghèo nàn về thành tích nghiên cứu khoa học, chậm chân so với bên ngoài về sự đổi mới công nghệ, và kỹ năng ứng dụng kiến thức vào đời sống của học sinh thì cực kỳ thảm hại…

Vậy thì duy trì các cuộc thi học sinh giỏi để làm gì?

NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)