29/11/2024

Nỗi sợ mang tên ‘vô đội tuyển học sinh giỏi’

Nhiều chuyện dở khóc dở cười xung quanh việc vào đội tuyển học sinh giỏi, đã được một nhà giáo nguyên là phó hiệu trưởng một trường chuyên ở Sóc Trăng chia sẻ.

 

Nỗi sợ mang tên ‘vô đội tuyển học sinh giỏi’

Nhiều chuyện dở khóc dở cười xung quanh việc vào đội tuyển học sinh giỏi, đã được một nhà giáo nguyên là phó hiệu trưởng một trường chuyên ở Sóc Trăng chia sẻ.

 

 

 

 

Nỗi sợ mang tên 'vô đội tuyển học sinh giỏi'

Dường như có sự nhầm lẫn giữa dạy khó và dạy để học sinh sáng tạo. Thực tế, đề thi chọn học sinh giỏi các cấp chỉ chú trọng mức độ khó mà chưa chú trọng kiểm tra, phát hiện khả năng nổi trội, đặc biệt của học sinh

Nhà giáo ĐẠI DƯƠNG

Bị học lệch, rồi được… bù bằng cách cho điểm khống “ưu tiên”, phải học bồi dưỡng nhồi nhét là những hệ quả của việc luyện thi học sinh giỏi của hầu hết các trường phổ thông hiện nay.

Chẳng hạn, đội tuyển khoảng 5-6 em phải học miệt mài từ sáng tới chiều, tối về nhà lại ôm thêm một xấp bài tập để luyện thêm.

Hậu quả là các em học đến mụ mẫm, không định hướng kiến thức, vì giáo viên cũng trong tình trạng tự bơi, không xác định 
được hướng ra đề.

Dù phần thưởng cho học sinh giỏi khá hấp dẫn (từ giải ba quốc gia trở lên được tuyển thẳng vào đại học) nhưng đã không còn sức hút với học sinh và cả phụ huynh.

Từ việc phấn đấu để vào đội tuyển, nay phụ huynh và học sinh lại dùng đủ chiêu để né tránh vào các đội tuyển.

Anh bạn của tôi có con học trường chuyên của tỉnh. Cháu học rất giỏi môn vật lý, và nhà trường đã đưa cháu vào danh sách dự thi chọn đội tuyển.

Tuy nhiên, kết quả thi môn vật lý của cháu lại thấp, cháu không được vào đội tuyển. Sau này tôi mới biết bạn tôi đã khuyên con “đừng làm bài tốt” để khỏi vô đội tuyển, 
mất thời gian!

Tìm hiểu thêm tôi được biết ở một số môn khác, tình hình cũng tương tự. Các em trong đội tuyển cố ý làm sai hoặc làm qua loa để có điểm số thấp, mặc dù với năng lực của mình, những em này hoàn toàn có khả năng đạt điểm cao.

Có trường hợp học sinh xin phép nghỉ vì “bị bệnh đột xuất” ngay trong ngày thi chọn học sinh giỏi nên được “thoát”.

Với những trường hợp không vô đội tuyển này, phụ huynh và học sinh mừng ra mặt.

Theo lời các vị phụ huynh, vô đội tuyển chỉ học tập trung một môn nên rất dễ hổng kiến thức cho việc thi tổ hợp sau này của các em.

Còn khi ở bên ngoài, các em có thể học thêm những môn trong tổ hợp mình chọn, có kiến thức vững vàng để thi đại học.

Việc đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là điều rất khó, rất xa vời, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa lại càng khó lòng mơ tới.

Vì vậy, việc lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc đổ vào cho “canh bạc học sinh giỏi” cần phải xem xét lại, nhằm tránh căn bệnh hình thức khá nặng trong khâu đào tạo học sinh giỏi hiện nay.

Bốn kiến nghị

Đọc bài viết “Chán ngán với việc luyện “gà chọi””, là nhà giáo, tôi rất tâm đắc. Từ thực trạng trên, để việc đào tạo học sinh giỏi đi vào thực chất, có thể phát hiện học sinh tài năng, phát huy những điểm mạnh của các em, tôi có mấy kiến nghị sau:

1 Chỉ để mỗi vùng, miền có một trường THPT chuyên. Các trường này làm nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước. Vào học ở đây học sinh được cấp học bổng, sinh hoạt phí, giúp các em yên tâm tập trung cho việc học hành, nghiên cứu.

2 Dạy – học tại các trường phổ thông phải thực chất. Kết quả học tập của học sinh đáng tin cậy, và lấy đó làm cơ sở tuyển chọn học sinh vào các trường THPT chuyên (theo vùng, miền).

Các trường chuyên lấy mục tiêu đào tạo nhân tài làm cốt lõi. Thầy cô vào dạy ở đây, giỏi chuyên môn là một lẽ, quan trọng hơn là phải biết hướng dẫn học sinh tự học, tự phát triển kỹ năng, tư duy sáng tạo… Muốn được như thế phải tổ chức thi tuyển giáo viên vào trường chuyên.

3 Các trường phổ thông đổi mới cách dạy – học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Cần chấm dứt việc đánh giá nhà trường qua thành tích có được bao nhiêu “gà chọi” đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi.

Thay vào đó là đánh giá nhà trường qua việc dạy người – chú trọng vào đạo đức học sinh, sự phát triển các kỹ năng mềm…

4 Đầu tư kinh phí (từ nhiều nguồn – trung ương, địa phương, xã hội hoá) để nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy học, bồi dưỡng giáo viên, từng bước phân cấp để các trường THPT tự chủ về tuyển dụng, tài chính, chương trình…

Chú ý các trường ở vùng khó khăn, các trường chất lượng thấp, các trường ngoài công lập. Thực hiện được điều này thì chất lượng giáo dục đại trà sẽ nâng lên.

Khi ấy, số học sinh giỏi nhất định sẽ được gia tăng – trở thành nguồn lực cho các trường THPT 
chuyên tuyển sinh.

ĐẠI DƯƠNG

Nêu đúng thực trạng

Bài viết đã nêu đúng thực trạng của việc luyện “gà chọi”. Chúng tôi là những giáo viên cũng rất ngán ngẩm với những kỳ thi này. Để học sinh có thời gian ôn luyện, hiệu trưởng chỉ đạo chúng tôi cho điểm cao vào học bạ các em trong đội tuyển không thể theo học. Điều này rất nguy hiểm vì chúng ta đã dạy học trò sự dối trá, một sự dối trá chính danh, được công nhận trên giấy trắng mực đen.

MỘT GIÁO VIÊN

Nhà giáo LÊ ĐỨC ĐỒNG