29/11/2024

Hi vọng từ chuyện lục đục của nhà ông Lý

Hình ảnh gia đình hoàn hảo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bị sứt mẻ ít nhiều qua những tranh cãi, nhưng tựu trung đó vẫn là một điểm khiến người dân nước này có thể gieo hi vọng.

 

Hi vọng từ chuyện lục đục của nhà ông Lý

Hình ảnh gia đình hoàn hảo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bị sứt mẻ ít nhiều qua những tranh cãi, nhưng tựu trung đó vẫn là một điểm khiến người dân nước này có thể gieo hi vọng.

 

 

 

Hi vọng từ chuyện lục đục của nhà ông Lý
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – Ảnh: AFP

Trong tuần này, dư luận Singapore cũng như quốc tế lại nhận được những tín hiệu không hay xuất phát từ gia đình ông Lý Hiển Long.

Hôm 14-6, hai người em ruột của ông là bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương đã công bố một bức thư dài 6 trang, trong đó có những cáo buộc thủ tướng Singapore lạm dụng quyền lực.

Ngôi nhà biểu tượng

Trong bức thư ấy, bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương nhắm vào ba vấn đề chính: số phận của ngôi nhà số 38 đường Oxley; biểu hiện lạm dụng quyền lực của ông Lý Hiển Long; và tham vọng chính trị của ông Lý Hiển Long cho đời sau – con trai mình.

 

Ngôi nhà số 38 đường Oxley chính là nơi cha của ba người, cố thủ tướng và là người khai sinh nước Singapore hiện đại Lý Quang Diệu sinh sống cả đời. Ông Lý Quang Diệu là biểu tượng cho sự vươn lên thần kỳ của Singapore, và ngôi nhà ấy được cho sẽ là địa điểm để tưởng nhớ công lao của ông, một di sản đích thực.

Tuy nhiên bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương cáo buộc ông Lý Hiển Long không thực hiện đúng di chúc của cha. Hai người này nói rằng căn nhà trên phải bị tháo dỡ, mà việc vợ chồng ông Lý Hiển Long phản đối cách làm này là một biểu hiện muốn giữ lại tính biểu tượng của ngôi nhà vì mục đích củng cố về mặt chính trị.

Thực tế, ông Lý Hiển Long đã tỏ ra lừng khừng trong việc phá dỡ ngôi nhà, bằng cách giao số phận nó cho một uỷ ban độc lập – mà hai người em của ông không bao giờ tin vào tính độc lập ấy.

Việc xử lý căn nhà trên cũng là nguồn cơn cho các cáo buộc tiếp theo, vì bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương nghi ngờ rằng nếu ông Lý Hiển Long có thể làm vậy với ngôi nhà, thì chắc gì thủ tướng Singapore vô tư trong các quyết định khác liên quan tới 
lợi ích của người dân?

Mâu thuẫn… có lợi?

Từ lâu nay, bà Lý Vỹ Linh – cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu thần kinh học quốc gia – đã bị xem như một người lập dị. Bà không cưới hỏi, cũng không xuất hiện trước công chúng.

Tương tự, người em út Lý Hiển Dương từng giữ nhiều chức vụ lớn nhưng đã không làm việc liên quan tới chính phủ nữa kể từ năm 2007.

Ngược lại, sự nghiệp và hình ảnh của ông Lý Hiển Long gần như viên mãn. Ông được đánh giá cao từ khi kế thừa di sản của ông Lý Quang Diệu năm 2004, và thường xuyên xuất hiện với hình ảnh rất đẹp trước công chúng.

Khi ông Lý Hiển Long lên Facebook công khai sự buồn phiền vì cáo buộc của hai người em, ông đã nhận được đa số những chia sẻ tích cực. Dù vậy cũng xuất hiện không ít ý kiến chỉ trích.

Họ đơn giản nói rằng gia đình ông Lý Hiển Long vốn sở hữu hình ảnh đẹp đẽ, tại sao lại lấy mạng xã hội như Facebook để “phân định thắng thua” như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn vậy, theo South China Morning Post.

Nhưng sau tất cả, màn “vạch trần” kiểu này – dẫu không phải lần đầu tiên – cũng cung cấp cho người dân Singapore những câu chuyện mà họ xứng đáng được biết.

Trong mắt báo chí phương Tây, không hẳn ông Lý Quang Diệu hay ông Lý Hiển Long sau này đều hoàn hảo. Để đánh đổi cho sự phát triển kinh tế của Singapore, họ đã áp dụng nhiều phương pháp cứng rắn, thậm chí hà khắc để mọi thứ đi vào khuôn khổ.

Thêm vào đó, cách “nối ngôi” của gia đình này cũng bị ví như các gia đình chính trị khác tại Đông Nam Á như dòng họ Marcos của Philippines, Suharto ở Indonesia hay Razak tại Malaysia.

Mối quan tâm của bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương là hiện tại, liệu có một kế hoạch nào đó từ ông Lý Hiển Long nhằm chuẩn bị ngày nối ngôi của cậu con trai Lý Hồng Nghị, 30 tuổi.

Hiện nay và trước đây, ông Lý Hiển Long thường xuyên khẳng định con cái của mình không ai quan tâm tới chính trị. Điều này cũng được Lý Hồng Nghị – người có học bổng chính phủ và được đánh giá tài năng – nhắc lại trên báo Straits Times hôm 16-7.

Nói cách khác, khi mọi chuyện được xới lên xung quanh các nghi án lạm dụng quyền lực hoặc duy trì quyền lực đến thế hệ thứ ba, chí ít giờ đây một bức tranh rõ hơn về chính trường Singapore đã được phác thảo.

Sự minh bạch thông tin, dù theo cách hơi “trẻ con” là lên Facebook kể lể, ít ra cũng mang lại hi vọng cho người Singapore.

Facebook phản ứng thế nào 
với ông Lý Hiển Long?

Cuộc tranh cãi trên mức nội bộ của gia đình Thủ tướng Lý Hiển Long đã thu hút cư dân mạng Singapore.

Yi Jiayu, sinh viên năm 3 Đại học Công nghệ và thiết kế Singapore, mới đây đã thực hiện một phân tích về mức độ phản ứng của người dùng Facebook.

Yi Jiayu đã sử dụng ngôn ngữ lập trình Python 3 kết hợp với công cụ đồ thị trích xuất thông tin Facebook Graph API và Google Cloud Natural Language API cho kết quả của mình.

Sau khi lấy 781 ý kiến từ bài đăng của ông Lý Hiển Long trên Facebook ngày 14-6, Yi đã phân loại các bình luận thành ba dạng “ủng hộ”, “trung lập” và “phủ định”. Theo đó có 530 ý kiến tích cực cho ông Lý Hiển Long (chiếm 67,86%), 109 ý kiến trung lập (13,96%) và 142 ý kiến phản đối (18,18%).

NHẬT ĐĂNG