Nhà đầu tư dự án đặc khu kinh tế 10 tỉ USD hứa hẹn mang đến cơ hội việc làm cho người dân Myanmar nhưng lại gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ và chỉ thuê lao động Trung Quốc.
Dự án Trung Quốc gây bức xúc ở Myanmar
Nhà đầu tư dự án đặc khu kinh tế 10 tỉ USD hứa hẹn mang đến cơ hội việc làm cho người dân Myanmar nhưng lại gây ảnh hưởng đến sinh kế của họ và chỉ thuê lao động Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đẩy nhanh thực hiện dự án Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu tại bang Rakhine (Myanmar) như một phần của chiến lược “Vành đai và Con đường”. Tập đoàn nhà nước Trung Quốc CITIC, chịu trách nhiệm chính dự án Kyauk Pyu, tuyên bố sẽ tạo ra 100.000 việc làm cho người dân ở bang Rakhine, một trong số những khu vực nghèo nhất Myanmar.
Chính quyền Trung Quốc khẳng định đây là dự án đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương bức xúc vì buộc phải di dời, bị cấm đánh bắt và không hề có cơ hội việc làm, theo Reuters.
Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu có tổng diện tích 17 km2, bao gồm một cảng nước sâu và một khu công nghiệp, với kế hoạch thu hút các công ty trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn dệt may và lọc dầu. Một phần của dự án là đường ống dẫn dầu 770 km kéo dài từ cảng Kyauk Pyu của Myanmar đến TP.Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Hồi tháng 4, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã ký kết với Trung Quốc hai thỏa thuận về đường ống dẫn dầu và phát triển cảng nước sâu Kyauk Pyu. Theo thỏa thuận, Công ty PetroChina trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) sẽ có thẩm quyền ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc để tránh bị rò rỉ công nghệ có thể dùng trong quân sự.
“Tránh gây hoang mang”
Reuters dẫn lại tài liệu nội bộ cho thấy 20.000 người dân tại các ngôi làng, đa số sống nhờ vào nông nghiệp và đánh bắt, sẽ phải dọn đi nơi khác. “Nhiều công trình sẽ được xây dựng trong Đặc khu kinh tế Kyauk Pyu. Vì thế, nhiều hộ dân trong khu vực sẽ bị giải toả”, ông Than Htut Oo, một quan chức địa phương, nói. Ông cho biết thêm chính phủ không công bố thông tin chi tiết về dự án do không muốn “gây hoang mang” như trước đây. Myanmar từng đình chỉ xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư sau làn sóng phản đối gay gắt từ người dân vì lo ngại dự án tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Lo ngại nguy cơ dự án bị đình chỉ, CITIC hối thúc Myanmar hoàn tất đánh giá tác động xã hội – môi trường cuối năm nay để sớm bắt đầu xây dựng vào năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công tác đánh giá phải mất ít nhất 15 tháng hoặc nhiều năm và kế hoạch này quá vội vã. Dù vậy, CITIC khẳng định sẽ thuê “công ty tư vấn nổi tiếng thế giới” để đánh giá. Mặc dù việc phân ranh giới đất cho dự án chưa bắt đầu, nhưng 26 hộ gia đình đã bị buộc phải di dời khỏi khu đất canh tác của họ.
Chuyên gia pháp lý Sean Bain thuộc Tổ chức phi chính phủ ICJ cảnh báo thu hồi đất khi chưa hoàn tất đánh giá tác động môi trường là vi phạm luật pháp Myanmar. Mới đây, hàng trăm ngư dân đã biểu tình phản đối vì bị cấm đánh bắt ở khu vực gần cảng tiếp dầu của Trung Quốc.
CITIC hứa hẹn sẽ xây dựng trường nghề giúp đào tạo lao động địa phương nhưng trong thực tế thì trên đảo Maday với dân số hơn 3.000 người chỉ có 47 người Myanmar có việc làm, trong khi đa phần lao động là công nhân Trung Quốc. “Tôi nghĩ rằng không có cơ hội việc làm cho tôi ở đó. Trung Quốc hứa hẹn phát triển làng mạc, nhưng hóa ra chính chúng tôi phải chật vật mỗi ngày”, ngư dân Nyein Aye chia sẻ. Đơn xin việc của ông bị công ty Trung Quốc từ chối 12 lần.