Chán ngán với việc luyện ‘gà chọi’
Việc luyện thi học sinh giỏi – “gà chọi” đang bị căn bệnh thành tích chi phối, gia tăng áp lực học hành lên rất nhiều học sinh, khiến cả học sinh, phụ huynh và thầy cô đều mệt mỏi.
Chán ngán với việc luyện ‘gà chọi’
Việc luyện thi học sinh giỏi – “gà chọi” đang bị căn bệnh thành tích chi phối, gia tăng áp lực học hành lên rất nhiều học sinh, khiến cả học sinh, phụ huynh và thầy cô đều mệt mỏi.
Thí sinh đang làm bài thi môn văn tại một kỳ thi học sinh giỏi quốc gia – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ |
Năm nay chị gái tôi có cháu thi THPT quốc gia. Ngày thi đã gần kề, chị mới phát hiện cháu mình rất đuối môn hóa. Tôi khá ngạc nhiên, vì cách đây mấy tháng chị còn gọi điện khoe với tôi là cháu vừa đoạt giải nhì môn sinh học cấp tỉnh.
Trong thâm tâm tôi nghĩ, cháu xác định khối B ngay từ khi bước chân vào bậc THPT thì không có lý do gì học tốt môn sinh mà lại yếu môn hóa. Mặt khác, điểm tổng kết môn hóa cả năm của cháu vừa rồi cũng trên 9, chứ đâu phải thấp.
“Nhiều trường đã bắt đầu khắt khe hơn trong quy định tuyển thẳng đối với học sinh đoạt các giải thưởng trong các kỳ thi, trong đó có kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Lý do: chất lượng của các giải thưởng này đang có vấn đề, do chúng ta đang luyện các em theo kiểu “gà chọi”! |
Cho điểm để… khuyến khích đi thi!
Khi tôi hỏi chuyện thì cháu nói lớp và trường khuyến khích cháu đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau đó khi cháu vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi quốc gia, điểm hóa và điểm các môn phụ được thầy cô tự cho vào học bạ, nhằm khuyến khích phong trào đi thi học sinh giỏi.
Cháu kể không riêng cháu mà nhiều bạn của cháu cũng được cho điểm như thế, bởi cháu và các bạn mất rất nhiều thời gian ôn luyện cho thi học sinh giỏi, không có thời gian để học các môn này.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 3.000 học sinh giỏi bậc THPT cấp quốc gia. Tuy nhiên, số lượng các em đoạt giải ở các địa phương có sự chênh lệch rất lớn. Lấy ví dụ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2017. Bên cạnh một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… có số lượng rất lớn học sinh đoạt giải quốc gia (60-146 em/địa phương), thì một số nơi khác lại có số lượng học sinh đoạt giải rất ít (chỉ 1-4 em/tỉnh) như Đắk Nông, Bạc Liêu, Sóc Trăng…
Điều này cho thấy mặt bằng chất lượng học sinh giỏi các tỉnh, vùng miền có độ vênh khá lớn. Độ vênh này phụ thuộc vào hai yếu tố: chất lượng học sinh và việc thuê thầy cô dạy giỏi ở các địa phương khác đến. Địa phương dồi dào về kinh phí thì có tiền thuê thầy cô giỏi về luyện “gà”, còn địa phương khó khăn về kinh phí thì… tự biên tự diễn.
Ngoài ra, để học sinh có giải, nhiều trường còn liên kết mời đội ngũ thầy cô giỏi ở các địa phương khác đến bồi dưỡng, và dạy thêm tập trung ở một địa điểm nào đó cách xa trường đang học. Các em phải nghỉ học một khoảng thời gian dài để tập trung ôn thi học sinh giỏi quốc gia và không có điều kiện học các môn còn lại…
Dù lực học các học sinh này không yếu, nhưng do tập trung vào một môn để có giải nên các em bị đuối các môn khác là chuyện thường thấy…
Lãng phí trong đào tạo học sinh giỏi
Lâu nay nền giáo dục của chúng ta đang bị căn bệnh thành tích chi phối, việc luyện thi học sinh giỏi đang gia tăng áp lực học hành lên rất nhiều học sinh. Nhiều trường ở không ít địa phương dành quá nhiều thời gian và công sức để luyện thi học sinh giỏi, khiến học sinh, phụ huynh và cả thầy cô đều mệt mỏi. Trong khi đó thì sự mất cân bằng về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền ở Việt Nam đang rất lớn.
Thay vì đầu tư ngân sách để tập trung cho một nhóm dẫn đầu, chúng ta cần phải đầu tư đồng đều, để những khu vực vùng sâu vùng xa cũng tiếp cận được những giá trị tích cực của nền giáo dục phổ thông. Thực tế, chúng ta đang lãng phí trong việc đào tạo dàn trải hệ thống học sinh giỏi trường chuyên lớp chọn. Hầu hết các em học chuyên toán, chuyên lý, chuyên hoá, chuyên văn đã rẽ sang những con đường khác khi rời ghế phổ thông trung học và vào đời.
Nhìn rộng ra các nước có nền giáo dục phát triển, họ không tổ chức thi học sinh giỏi văn hoá như giáo dục bậc phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên, hằng năm số lượng các đề tài nghiên cứu của họ ứng dụng vào đời sống lại vượt xa nước ta hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Điều oái oăm nhất là lượng học sinh giỏi ở Việt Nam rất lớn, nhưng số học sinh giỏi đóng góp vào sự phát triển của đất nước thì chắc chỉ là con số vô cùng nhỏ bé!
Phụ huynh không còn mặn mà Cũng chính vì sự học lệch của không ít học sinh giỏi quốc gia dẫn đến nhiều chuyện dở khóc dở cười, mà hiện nay nhiều gia đình đã chuyển sang tập trung cho con em vào được các trường đại học tốp trên hơn là tham gia các kỳ thi học sinh giỏi. Trên thực tế, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh ở không ít địa phương đã không còn hào hứng với các kỳ thi học sinh giỏi, kể cả cấp tỉnh lẫn quốc gia. |