29/11/2024

Bộ trưởng Mỹ: Nga không muốn quan hệ tích cực với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng “không có dấu hiệu nào” cho thấy Nga muốn có quan hệ tích cực với Mỹ. Trong khi đó tổng thống Putin cảnh báo “không ai sống sót” nếu xung đột nổ ra.

 

Bộ trưởng Mỹ: Nga không muốn quan hệ tích cực với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng “không có dấu hiệu nào” cho thấy Nga muốn có quan hệ tích cực với Mỹ. Trong khi đó tổng thống Putin cảnh báo “không ai sống sót” nếu xung đột nổ ra.

 

 

 

 

Bộ trưởng Mỹ: Nga không muốn quan hệ tích cực với Mỹ
Bộ trưởng James Mattis (phải) và tướng Joseph Dunford tại buổi điều trần ở Hạ viện tại Washington, ngày 12-6 – Ảnh: Reuters

Trong buổi điều trần trước Tiểu ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 12-6 (giờ địa phương) về ưu tiên ngân sách quốc phòng, bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói thẳng: “Cho đến giờ, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ngài Putin muốn có quan hệ tích tực với chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không thể tìm được tiếng nói chung”.

Vị bộ trưởng của Mỹ phân tích: “Ở thời điểm này, ông ấy đã chọn cách cạnh tranh, một đối thủ cạnh tranh chiến lược với chúng ta và chúng ta sẽ phải đối phó với điều đó khi chúng ta nhìn ra vấn đề đó”.

Đại tướng Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng nhìn nhận Mỹ đang có “mối quan hệ đối thủ” với Nga.

Theo ông, Mỹ và Nga đang có nhiều lợi ích khác nhau, gồm cả vấn đề Syria.

 

Bi quan về tương lai

Cuộc điều trần diễn ra vào lúc kênh truyền hình Showtime trình chiếu liên tiếp trong 4 buổi loạt phim tài liệu do đạo diễn lừng danh Oliver Stone thực hiện từ các cuộc phỏng vấn độc quyền với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Loạt phim của đạo diễn Mỹ từng hai lần đoạt giải Oscar, người từng gây tiếng vang với các phim “Trung đội”, “Sinh ngày 4-7”, “Phố Wall”…, không phải là không gây chú ý tại Mỹ bởi ít ai có được ưu ái trò chuyện thẳng thắn và lâu như thế với nhà lãnh đạo Điện Kremlin.

Ngay cả cách để cho ông Putin được “cởi mở lòng” như thế cũng có thể bị người Mỹ xem là “cái loa” cho phía Nga.

Bộ trưởng Mỹ: Nga không muốn quan hệ tích cực với Mỹ
Tổng thống Vladimir Putin (trái) trong lần trả lời phỏng vấn với đạo diễn Oliver Stone (phải) ở Nga – Ảnh chụp màn hình

Nhưng trong một lần phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước của Úc gần đây, vị đạo diễn 71 tuổi đã giải thích lý do thực hiện dự án phim tài liệu “Những cuộc phỏng vấn Putin” là để phá vỡ “hình ảnh bị định hướng về chính trị lẫn ý thức hệ” về Vladimir Putin.

Nhà đạo diễn Mỹ khi đó nhắn gửi với khán giả: “Đó là mục đích của dự án phim tài liệu của tôi. Quí vị hãy xem và tự đánh giá”.

Ngay khi được hỏi phỏng đoán của ông về tương lai, đạo diễn Oliver Stone cũng nói thẳng là rất bi quan.

“Chúng ta đang bước đi như những kẻ mộng du về hướng ác mộng hạt nhân. Khi xem bộ phim tài liệu của tôi, quí vị sẽ thấy điều đó”, đạo diễn Oliver Stone phát biểu.

Thực sự là trong bộ phim phỏng vấn “trần trụi” này, tổng thống Putin cũng đưa ra câu trả lời thẳng thắn trước câu hỏi của đạo diễn Oliver Stone về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ: “Theo ý tôi, không ai có thể sống sót sau một cuộc xung đột như vậy. Ngày nay hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không bảo vệ được lãnh thổ Mỹ”.

Về phát biểu này, ông Nikita Danyuk, nhà phân tích chính trị và là phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và Dự báo của Nga, nhận định với trang Sputnik rằng ông Putin có lý.

Bộ trưởng Mỹ: Nga không muốn quan hệ tích cực với Mỹ
Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế ở TP St Petersburg ngày 2-6 – Ảnh: Reuters

Theo ông Danyuk, cả Nga và Mỹ đều là cường quốc hạt nhân nên khi căng thẳng leo thang thì xung đột trực tiếp là chuyện có thể xảy ra.

“Trong trường hợp leo thang xung đột, không phải là một cuộc chiến cấp vùng mà là cuộc xung đột cấp toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đó có thể dẫn đến sự huỷ hoại cả nhân loại. Như vậy các nhà chính trị của cả hai quốc gia đều phải chịu trách nhiệm”, ông Danyuk phân tích.

Nhà phân tích Nga vì thế gửi lời cảnh báo rằng đừng nên xem nhẹ tín hiệu phát đi từ ông Putin.

“Tôi nghĩ rằng tín hiệu này sẽ được các đối tác Mỹ hiểu rõ và họ sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn trong chính sách đối ngoại của mình và đừng tìm cách định hình lại hệ thống các quan hệ quốc tế”, ông Danyuk kết luận.

Cơ hội còn không?

Trong cuộc phỏng vấn với đạo diễn của Mỹ, ông Putin cũng khẳng định mối quan hệ Nga-Mỹ, bị cho là đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, luôn có hy vọng biến chuyển tốt đẹp, trừ khi chính quyền Washington không muốn điều đó.

“Để kết nối lại, cần có những nỗ lực nghiêm túc từ cả hai phía. Chúng ta sẽ cần cả mong muốn chính trị, sự quyết tâm bền bỉ để giải quyết các vấn đề mang tính lợi ích thực tế tương hỗ”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ông chủ điện Kremlin cũng chỉ trích sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng liên minh quân sự này chỉ là một công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ. Bất cứ thành viên NATO nào đều sẽ trở thành “chư hầu” của Washington.

“Khi một quốc gia trở thành thành viên của NATO, họ rất khó chống lại được sức ép từ Mỹ. Và Mỹ có thể bất ngờ triển khai bất cứ vũ khí nào như một hệ thống phòng thủ tên lửa, một căn cứ tên lửa, hoặc một tổ hợp vũ khí tấn công tại quốc gia này”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Ông Putin cũng tuyên bố Nga chắc chắn sẽ triển khai các biện pháp đáp trả trước mối đe doạ ngày càng tăng từ NATO.

HOÀNG DUY LONG