Thầy giáo trẻ được học sinh gọi là… tía
“Tụi em rất ngưỡng mộ tía. Tía dạy giỏi, vui vẻ, rất chịu chơi nữa”, “Tía có cách tiếp cận rất đặc biệt với học sinh cá biệt”… Nhiều học sinh Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) đã nói như thế về thầy giáo của mình.
Thầy giáo trẻ được học sinh gọi là… tía
“Tụi em rất ngưỡng mộ tía. Tía dạy giỏi, vui vẻ, rất chịu chơi nữa”, “Tía có cách tiếp cận rất đặc biệt với học sinh cá biệt”… Nhiều học sinh Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) đã nói như thế về thầy giáo của mình.
Thầy giáo Huỳnh Bảo Thiên và học trò trong một tiết dạy – Ảnh: T.B. |
“Tía” (ba, bố – một cách gọi cha của người Nam Bộ) không phải là một thầy giáo đứng tuổi, mà còn rất trẻ. Đó là thầy Huỳnh Bảo Thiên, 33 tuổi, giáo viên môn tin học Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý.
Chân dung “tía”
Dưới mắt rất nhiều học sinh, thầy Thiên là người như thế nào?
“Môn của tía lẽ ra khô khan lắm, nhưng tía cho học sinh chơi rồi học với nhiều ứng dụng mới, khiến tụi em cảm thấy môn tin học rất thú vị. Tía có cách giảng bài dễ hiểu, thay vì cho làm bài kiểm tra như các trường khác thì tía tải các phần mềm về cho tụi em làm. Lớp nào được tía chủ nhiệm là không khí lớp rất vui và đoàn kết. Tía luôn hết mình vì học sinh.
Có lần lớp em đi thi đấu thể thao, nhằm cuối tuần tía phải về Bà Rịa – Vũng Tàu thăm em bé (con đầu lòng của thầy Thiên – NV). Vậy mà tía cũng có mặt, đi hỏi từng học sinh uống nước gì rồi đi mua. Xong xuôi, tía mới đón xe về Vũng Tàu, thấy thương tía ghê luôn!” – học sinh Trần Hiểu Hân, lớp 12I1.
“Máy tính của học trò hư là tía sửa giùm, có bữa tía ôm 5-6 cái máy tính về nhà sửa. Lúc nào tía cũng biết được tụi em đang chơi hay đang học trên mạng.
Có bữa đang giờ học em lén vô Facebook, mới được vài phút thì thấy dòng tin: “Tui bị khùng! (Nếu không tắt Facebook đi, thì status này sẽ bị post lên)”. Em hết hồn, chưa hiểu chuyện gì thì tía đến gần, nói nhỏ nhẹ: “Tắt mau đi nha!”. Từ đó em sợ tía luôn, giờ học là học, không dám hó hé gì nữa” – học sinh Phạm Lê Hoàng Oanh, lớp 12I1.
“Hồi đó, em thường xuyên không làm bài, giờ học thì không tập trung, có bữa quên cài nút áo, có bữa đi giày màu… Với giáo viên trường khác có thể sẽ mời phụ huynh học sinh lên làm việc rất căng thẳng, nhưng tía không làm như vậy.
Thấy em đang đi ngoài hành lang, tía chạy ra kêu em lại và khoác vai vô căngtin như hai người bạn: “Nghe nói con không làm bài môn X, môn Y hả? Có khó khăn gì không? Có cần tía giúp gì không?”. Tía làm vậy mà mình không thay đổi sao được! Phải tiến bộ cho tía vui chứ…
Có lần nam sinh tụi em vô phòng ngủ trưa nhưng ồn ào, nói chuyện. Nằm lát sao thấy nóng quá, thắc mắc: “Sao máy lạnh bữa nay nóng vậy tía?”. Tía cười: “Cả lớp im lặng, nhắm mắt ngủ là máy lạnh nó mát lại”. Ghê chưa, tía tắt máy đó! Tía xài chiêu vậy mà tụi em răm rắp nghe theo hết” – học sinh Võ Minh Luân, lớp 12I1.
“Muốn làm thầy thì phải làm bạn với học sinh trước đã!”
“Tôi – Bảo Thiên, quê ở Bù Đăng (Bình Phước), thời THPT tôi lên thị xã ở trọ để học Trường THPT Đồng Xoài. Lúc ấy, thầy dạy tiếng Anh của tôi là thầy Phan Quốc Đạt. Thầy có phương pháp giảng dạy rất đặc biệt, làm cho học sinh mau thuộc bài mà lại rất nhẹ nhàng, vui vẻ. Đã vậy thầy lại còn rất hài hước và thương học sinh… Thầy chính là người truyền lửa cho tôi để tôi vững bước với nghề dạy học sau này.
Ngoài thời gian đứng lớp giảng dạy, làm công tác chủ nhiệm, tôi được giao nhiệm vụ thiết kế chương trình giảng dạy tin học cho học sinh các khối lớp của Trường Đinh Thiện Lý.
Chương trình này được cập nhật hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Tin học không chỉ là công cụ hỗ trợ cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn hỗ trợ học sinh để các em chủ động học tập, năng động, sáng tạo, phát huy năng khiếu…
Điều tôi tâm đắc nhất bây giờ chính là việc cùng với các bạn đồng nghiệp trong trường tổ chức cho học sinh thực hiện thành công các dự án (Dạy học theo dự án – PV). Trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng và thiết kế các hoạt động, học sinh tìm hiểu tri thức rồi thảo luận, thuyết trình… Vì thế, người giáo viên phải luôn học hỏi, trau dồi, cập nhật kiến thức chứ không thể giậm chân tại chỗ.
Về công tác chủ nhiệm, tôi luôn đặt mình vào vị trí học sinh để hiểu, lắng nghe và chia sẻ với các em. Vì tôi cho rằng muốn làm thầy thì phải làm bạn với học sinh trước đã.
Công việc chuyên môn cộng với việc tham gia những hoạt động ngoại khóa cùng học sinh đã ngốn khá nhiều thời gian của tôi. Việc ở lại trường đến 22h đối với tôi không phải chuyện hiếm. Thậm chí hồi chưa lập gia đình, có ngày tôi còn… ngủ luôn tại trường”.
Giáo viên sáng tạo toàn cầu Thầy Thiên là giáo viên trẻ, yêu nghề và có nhiều tâm huyết. Trong những năm qua, thầy luôn sáng tạo trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, luôn ý thức tự học thêm để nâng cao chuyên môn. Bảo Thiên đã thành công khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học (giải nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo Việt Nam lần thứ 7 – Microsoft Việt Nam 2011; giải ba cuộc thi cấp quốc gia “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2014”; giải nhì cuộc thi cấp quốc gia “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học” năm học 2014-2015; giải nhì cuộc thi cấp quốc gia “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2015”…). Thầy Thiên đã vinh dự tham gia diễn đàn “Giáo viên sáng tạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương” năm 2011 tại Thái Lan và năm 2012 tại New Zealand; tham gia diễn đàn “Giáo viên sáng tạo toàn cầu” năm 2012 tại Cộng hoà Czech (diễn đàn dành cho giáo viên có những thành công nhất định trong việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong dạy học)… Mặc dù còn rất trẻ nhưng thầy đã được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM mời đứng lớp để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giáo viên. |