Dự thảo Nghị định về quản lý ô tô chưa hợp lý
Ngày 13.6, Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm ‘Góp ý dự thảo Nghị định về quản lý ô tô’ với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư và các doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định về quản lý ô tô chưa hợp lý
Ngày 13.6, Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm ‘Góp ý dự thảo Nghị định về quản lý ô tô’ với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư và các doanh nghiệp.
Điều kiện lỏng lẻo
Liên bộ Công thương và GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo các chuyên gia, thị trường ô tô VN đang phát triển mạnh khi nhu cầu sử dụng ô tô đang gia tăng. Vì vậy các chính sách có liên quan rất được người dùng quan tâm. Theo dự thảo lần 3 của nghị định này, điều kiện để doanh nghiệp (DN) được cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô là phải có ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô NK. Cơ sở này thuộc DN hoặc do DN ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của DN. Đồng thời DN phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô NK.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cơ sở bảo hành bảo dưỡng là trách nhiệm và là điều kiện tiên quyết của các nhà sản xuất cũng như NK ô tô. Thế nhưng dự thảo quy định số lượng chỉ cần có một cơ sở là chưa đủ, không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Do lượng khách hàng thông thường không chỉ tập trung trong một khu vực mà có thể cư trú ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy cần quy định số cơ sở bảo dưỡng tối thiểu là 3 ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng hay phải có cơ sở bảo dưỡng ở địa phương, nơi có đại lý bán hàng.
Đồng quan điểm, luật gia Trần Đình Thu phân tích thêm: Nghị định này ảnh hưởng toàn bộ ngành công nghiệp ô tô VN, từ lắp ráp đến NK, phân phối trên thị trường và cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội của VN. Với quy định về điều kiện được NK ô tô thì hầu như tất cả DN vừa đều có thể thực hiện được. Khi đó, thị trường ô tô VN sẽ có khả năng dẫn đến khủng hoảng thừa và khiến người tiêu dùng bị thiệt hại. Vấn đề thứ hai là chỉ cần DN NK cam kết bằng văn bản với Bộ Công thương có trách nhiệm thực hiện thu hồi xe khi sản phẩm có vấn đề là chưa đủ bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng. Hình thức chế tài này quá đơn giản và trên thực tế sẽ không áp dụng được. Bởi trên thực tế, trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng sẽ có những DN làm ăn không đàng hoàng, theo kiểu ăn xổi ở thì. Khi ô tô có lỗi thì ai sẽ thực hiện việc thu hồi và khắc phục lỗi cho người tiêu dùng nếu DN bỏ của chạy lấy người? Bởi khi đó không phải là nhà sản xuất có cam kết thì họ có thể từ chối. Vì vậy cần đưa ra quy định cần thiết phải có cam kết của nhà sản xuất triệu hồi và thu hồi ô tô khi DN NK xe. Đặc biệt cũng chỉ nhà sản xuất mới biết chính xác các lỗi và mới có đủ phương tiện kỹ thuật, thiết bị để khắc phục, sửa chữa…
Quy định bảo hành, bảo dưỡng không phù hợp
Ngoài các điều kiện NK, dự thảo nghị định cũng đưa ra các quy định liên quan về sản xuất lắp ráp ô tô tại VN cũng như chính sách bảo hành, bảo dưỡng… Theo ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Công ty Audi VN, nghị định cũng chưa nêu rõ cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe được thực hiện bởi nhà sản xuất hay chỉ do DN NK thực hiện? Bởi chỉ những nhà sản xuất mới có đủ chức năng giám định và xác định rằng nhà NK nào sẽ có đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để đảm bảo thực hiện trách nhiệm với người dùng hay không. Nếu chỉ để DN cam kết nhưng sau đó biến mất thì người tiêu dùng sẽ bị bỏ rơi. Giả sử khi được cam kết của nhà sản xuất, khi một xưởng bảo hành biến mất thì khách hàng vẫn có thể yêu cầu nhà sản xuất thực hiện bảo hành bảo dưỡng ở bất kỳ một cơ sở nào khác.
Ngoài ra, vấn đề bảo hành, bảo dưỡng cho sản phẩm NK vào VN đang gây tranh cãi khá nhiều khi các DN sản xuất lắp ráp trong nước đang yêu cầu người mua hàng từ các nhà NK khác phải trả thêm chi phí để thực hiện bảo dưỡng. Chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng nhấn mạnh đây là sự vô lý ở thị trường VN. Bởi quy định bảo hành ô tô là thực hiện trên toàn thế giới. Ví dụ, một người mua xe ở Đức có thể mang sang Mỹ để bảo hành, bảo dưỡng. Đồng thời dự thảo nghị định hiện nay của liên bộ Công thương và GTVT nêu rõ trách nhiệm bảo hành ô tô với thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc 100.000 km đối với
ô tô con, tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với các loại ô tô còn lại là không hợp lý. “Ví dụ xe Mercedes tôi mua ở Mỹ được bảo hành vấn đề gỉ sét đến 10 năm, tại sao ở VN chỉ quy định bảo hành có 3 năm? VN nên áp dụng các chính sách bảo vệ người dùng theo tiêu chuẩn rất cao ở châu Âu. Tại sao người VN thích NK sản phẩm của nước ngoài? Vì sản phẩm ô tô trong nước giá cao, công nghệ còn thấp hơn, hao xăng nhiều hơn. Những hàng rào kỹ thuật của VN còn thấp, trình độ chuyên gia về công nghệ xe hơi của VN còn kém. Kỹ thuật của VN ứng dụng trong ngành ô tô cách đây 8 năm là của thế giới 30 năm về trước. Các nhà sản xuất cần phải cải tiến công nghệ và không thể biện hộ là thị trường VN còn nghèo. Người tiêu dùng luôn cần sản phẩm tốt với giá phải chăng nên nếu không đáp ứng được thì họ thích mua xe NK hơn”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng chia sẻ thêm.
Bản thân ông Vũ Đô Thành, Trưởng văn phòng đại diện phía bắc Công ty Mercedes -Benz VN, cũng cho rằng quy định về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi sản phẩm khi có lỗi chưa đủ sự ràng buộc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Nên chăng cần kèm theo xác nhận của nhà sản xuất để hỗ trợ về dịch vụ, phụ tùng nhằm đảm bảo công tác triệu hồi và sửa chữa tốt nhất khi sản phẩm có sự cố. Bản thân các DN không e ngại sự cạnh tranh nhưng họ cần chính sách tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng góp ý, dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô mới quy định chung chung về vấn đề sở hữu trí tuệ trong ngành ô tô. Cần đưa ra những điều kiện để sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo để hạn chế vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn.
|
Mai Phương