29/11/2024

12 tuổi, vừa làm chị lại vừa làm mẹ

Mẹ âm thầm bỏ nhà ra đi khi em mới học lớp 1. Cha lại thường đi làm xa lâu lâu mới về. Căn nhà nhỏ chơ vơ giữa đồi núi chỉ còn lại ba chị em nương tựa vào nhau lay lắt sống qua ngày.

 

12 tuổi, vừa làm chị lại vừa làm mẹ

Mẹ âm thầm bỏ nhà ra đi khi em mới học lớp 1. Cha lại thường đi làm xa lâu lâu mới về. Căn nhà nhỏ chơ vơ giữa đồi núi chỉ còn lại ba chị em nương tựa vào nhau lay lắt sống qua ngày.


 

12 tuổi, vừa làm chị lại vừa làm mẹ
Huyền nhịn ăn sáng dắt bộ chiếc xe đạp cọc cạch lên xuống dốc cao để đến trường – Ảnh: Đức Trong

Cuộc sống thiếu thốn như vậy nhưng em vẫn đầy nghị lực tiếp tục đến trường và thay cha mẹ gánh vác gia đình, chăm lo hai em nhỏ suốt nhiều năm qua. Đó là tinh thần vượt khó của Vi Thị Huyền, học sinh lớp 7A5 Trường THCS-THPT Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).

Ngôi nhà 
nhiều nỗi lo toan

Nhà Huyền nằm trên một ngọn đồi ở thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng. Cha của Huyền – ông Vi Văn Chang – niềm nở đón khách. Bà Hồ Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Đăng Hà, cho biết: “Vì hộ ông Chang thuộc diện đặc biệt khó khăn, bản thân ông hay bệnh tật nên địa phương hỗ trợ nhiều thứ, trong đó cấp bò nuôi để giảm nghèo”. Chị em Huyền hằng ngày ngoài chống chọi với cái nghèo để đến lớp còn nơm nớp trong nỗi lo khi ba trở bệnh.

Bên trong căn nhà của chị em Huyền trống hoác, lưa thưa những chiếc áo cũ, nồi niêu hoen ố treo lỏng chỏng trên vách ván gỗ tạp. Gian bếp sát chỗ chị em Huyền ngủ và học bài cứ mỗi lần nấu nướng khói lại bay mù mịt cả nhà.

 

Trong căn nhà ọp ẹp, Huyền vẫn nhớ như in ký ức đau thương của mười năm về trước. Lúc đó, Huyền có hai đứa em là Vi Văn Phong và Vi Văn Hưng, sống cùng cha mẹ. Già đình đang êm ấm thì một hôm cha mẹ đi làm thuê vắng nhà thì xảy ra hoả hoạn. Huyền chỉ kịp kéo Phong thoát, còn em Hưng do bị dị tật không kịp chạy nên chết trong đám cháy. Sau này mẹ Huyền mới sinh thêm em gái Vi Thị Liên.

Ít năm sau, khi Huyền vừa vào lớp 1 thì bất ngờ mẹ em âm thầm bỏ gia đình đi biệt xứ. Ba chị em ngơ ngác trong cảnh nghèo túng. Ông Chang, cha Huyền, từ khi con chết, vợ bỏ đi đâm ra ngơ ngẩn. Ông bỏ nhà đi làm thuê làm mướn, khi trở về do bệnh tật không đủ sức làm thuê. Từ ngày đó, Huyền vừa làm chị vừa làm mẹ chăm sóc hai em.

Bữa cơm không cá, thịt

Để xoay xở cuộc sống hằng ngày cho mấy chị em, Huyền vừa học vừa tranh thủ làm thêm kiếm tiền. Cứ nghỉ học được buổi nào em lại đến các vựa xin nhặt điều thuê. Mỗi buổi Huyền nhặt 15-20kg, được trả tiền công khoảng 100.000 đồng. Vì còn nhỏ sức yếu, hai bàn tay Huyền sưng vù, bỏng rát vì nhựa hạt điều bám vào. Hết mùa điều, ai thuê làm gì Huyền làm nấy, miễn có tiền mua gạo, mắm là được.

Thi thoảng ông Chang cũng dành dụm được chút tiền làm thuê đưa cho con. Huyền liền tranh thủ tan học ghé chợ mua ít rau, gạo về trữ cho cả nhà. Một bó rau mấy chị em có thể nấu trong nhiều ngày. Nghèo quá, chỉ đủ tiền mua gạo nên Huyền chưa bao giờ nghĩ đến bữa cơm có thịt, cá.

“Có hôm tôi đến thăm, bắt gặp các em ngồi ăn cơm mà muốn ứa nước mắt. Ba đứa nhỏ ngồi bên nồi cơm trắng, không có chút thức ăn nào, vậy mà chúng ăn ngon lành. Tôi hỏi sao không nấu tí canh mà ăn, Huyền nói ăn vậy quen rồi thầy ạ! Tôi phải lật đật chạy mua ít mắm, ít thịt cho mấy em nấu thêm. Ăn vậy nên đứa nào cũng khô khốc do thiếu chất” – thầy Lê Đình Vĩnh, chủ tịch công đoàn Trường THCS-THPT Đăng Hà, nói.

Cứ mỗi buổi sáng, Huyền tất bật sửa soạn cho các em đi học. Chiếc xe đạp cà tàng là tài sản lớn nhất để đưa các em đến trường. “Các em ít khi ăn sáng lắm, toàn nhịn đói đi học. Hỏi sao không ăn thì vẫn câu trả lời cũ là quen vậy rồi nhưng tôi biết em chỉ nói vậy thôi chứ thật ra không có tiền để ăn sáng” – thầy Vĩnh tâm sự.

Luôn học tốt

Trong căn nhà nhỏ, Huyền cất giữ cẩn thận những tấm bằng khen. Ở lớp, Huyền được thầy cô, bạn bè quý mến, nể tài học nên bầu làm lớp trưởng. “Huyền bản lĩnh, có phần già dặn. Em phụ giúp giáo viên quán xuyến lớp, giúp bạn bè học tập và rất giỏi trong các hoạt động phong trào” – thầy Lê Đình Vĩnh nhận xét.

Để giúp đỡ Huyền bớt ngặt nghèo, thi thoảng tổ công đoàn của trường cũng quyên góp chút quà cho em. Thương học trò nghèo khó, lâu lâu thầy cô lại thay phiên nhau đến nhà em động viên, thăm hỏi. Cứ thế, bằng nghị lực của chình mình cùng tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, chị em Huyền vượt lên khó khăn để đến trường.

 

ĐỨC TRONG