12/01/2025

Triển vọng và thách thức từ băng cháy Biển Đông

Trữ lượng băng cháy lớn dưới lòng Biển Đông có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới về năng lượng sạch nhưng cũng kèm theo thách thức về nhiều mặt.

 

Triển vọng và thách thức từ băng cháy Biển Đông

Trữ lượng băng cháy lớn dưới lòng Biển Đông có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới về năng lượng sạch nhưng cũng kèm theo thách thức về nhiều mặt.




Giàn khoan Trung Quốc khai thác băng cháy ở Biển Đông hồi tháng 5.2017CGS

Tân Hoa xã dẫn thông báo ngày 11.6 của Cục Địa chất Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết nước này vừa thăm dò được 210.000 m3 mê tan hyđrat ở Biển Đông và chuyển đổi thành 6.800 m3 khí đốt mỗi ngày. Mê tan hyđrat, thường được gọi bằng cái tên băng cháy, là một dạng khí mê tan đậm đặc bị giam hãm trong cấu trúc tinh thể nước, tạo thành những khối đông lạnh và có thể đốt cháy được. Đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới.
Trước đó, Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên Khương Đại Minh tuyên bố Trung Quốc đã thành công trong việc chiết xuất khí đốt từ băng cháy khai thác thử nghiệm ở Biển Đông. Vị trí thử nghiệm ở vùng biển cách TP.Châu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông khoảng 320 km về hướng đông nam, không nằm trong vùng tranh chấp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công trong việc khai thác băng cháy dưới biển, sau gần 2 thập niên nghiên cứu và thăm dò. Nước này bắt đầu nghiên cứu băng cháy từ năm 1998 và tìm thấy trữ lượng ở Biển Đông năm 2007.
Đủ sử dụng trong 800 năm
Theo tờ South China Morning Post, tính đến nay, băng cháy đã được tìm thấy ở hơn 100 quốc gia, phần lớn nằm dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất sâu trong lòng đại dương. Cục Thông tin năng lượng Mỹ ước tính tổng trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới có thể lên đến 2.800.000 tỉ m3, có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong khoảng 800 năm theo mức tiêu thụ hiện nay. Giới khoa học gia quốc tế dự đoán băng cháy sẽ là nguồn năng lượng sạch, thân thiện hơn với môi trường vì chứa ít chất gây ô nhiễm hơn các loại nhiên liệu hoá thạch truyền thống.
 

Triển vọng và thách thức từ băng cháy Biển Đông - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Biển Đông trong đối thoại Shangri-La

Một số chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La vừa qua tại Singapore đã đưa chia sẻ các nhận định với Thanh Niên về vấn đề Biển Đông xung quanh thông điệp của Mỹ và Úc, cũng như diễn biến thực tế.

Tân Hoa xã dẫn lời giới chức Trung Quốc khẳng định thành công trong khai thác băng cháy ở Biển Đông là bước đột phá lớn có thể dẫn tới cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu. Lượng CO2 thải ra trong quá trình đốt băng cháy chỉ bằng phân nửa so với dầu mỏ hoặc than đá. Đây là điều kiện quan trọng để Trung Quốc giảm thiểu ô nhiễm không khí, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình phát triển của nước này. Bên cạnh đó, Phó cục trưởng Cục Khảo sát địa chất Lý Kim Phát còn cho rằng khai thác thành công băng cháy ở Biển Đông có thể đặt nền tảng cho thương mại hóa nguồn năng lượng này trước năm 2030.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đang tích cực nghiên cứu công nghệ khai thác băng cháy. Đối với những quốc gia thiếu các mỏ dầu hay khí đốt tự nhiên như Nhật Bản và Hàn Quốc thì đây là cơ hội để giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu nhập khẩu. Hồi tháng 5, Tokyo thông báo đã thành công trong việc chiết xuất khí từ băng cháy ở ngoài khơi bán đảo Shima.
Thách thức lớn
Theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay trong khai thác cũng như thương mại hóa băng cháy là chi phí và công nghệ. Dù được xem là nguồn năng lượng sạch nhưng nếu chiết xuất không cẩn thận có thể sẽ gây rò rỉ khí mê tan và làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu. “Tác động đối với khí hậu từ việc sản xuất rất phức tạp. Có nhiều lợi ích, nhưng cũng có nguy cơ lớn”, nhà phân tích David Sandalow tại Đại học Columbia (Mỹ) cảnh báo với AP. Tương tự, chuyên gia năng lượng người Mỹ Jon Creyts nói: “Thách thức là sản xuất một cách hiệu quả với chi phí hợp lý mà không gây ra tác động xấu tới môi trường”. Ông cho biết thêm trình độ công nghệ hiện nay chưa đủ để khai thác băng cháy quy mô lớn vì khí mê tan hyđrat chỉ ổn định trong môi trường áp suất cao và nhiệt độ thấp như trong các trầm tích dưới nước.
Một nguy cơ khác là nếu Trung Quốc tiến tới thăm dò, khai thác băng cháy trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông thì căng thẳng sẽ leo thang. Ngoài ra, các bên tranh chấp khác cũng có thể tiến hành ý tưởng thăm dò băng cháy, kéo theo các vấn đề nhạy cảm về ngoại giao và pháp lý. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bản thân các thành viên ASEAN thiếu khả năng về kỹ thuật và công nghệ để tự khai thác băng cháy nên sẽ cần đến sự hợp tác hỗ trợ từ các nhà thầu Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Mỹ, những quốc gia mà Trung Quốc không muốn thấy hiện diện sâu rộng ở Biển Đông. “Sự tham gia của đối tác bên ngoài có thể khiến Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực”, chuyên gia Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định với tạp chí Forbes.

 

Văn Khoa