10/01/2025

Thấy gì từ những cây cầu “nhất thế giới” của Trung Quốc?

Trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới, 81 cầu thuộc về Trung Quốc, trong đó không ít dự án đang gặp rắc rối về tham nhũng, nợ công.

Thấy gì từ những cây cầu “nhất thế giới” của Trung Quốc?

 Trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới, 81 cầu thuộc về Trung Quốc, trong đó không ít dự án đang gặp rắc rối về tham nhũng, nợ công.

 

 

 

Thấy gì từ những cây cầu "nhất thế giới" của Trung Quốc?
Dự án cầu Hong Kong – Chu Hải – Macau có chiều dài 29km – Ảnh: Reuters

Nằm vắt qua một thung lũng ở miền nam Trung Quốc, cây cầu với kết cấu thép và bêtông Chishi dài 2,25km lừng lững với bốn trụ cầu cao tới 185,9m, hun hút phía dưới là những cánh đồng ngô, lúa.

“Nhất thế giới”

Theo báo New York Times, cầu Chishi là một trong hàng trăm cây cầu được dựng lên trên toàn lãnh thổ Trung Quốc trong những năm qua. Giới chức Trung Quốc tán dương việc hoàn thành các dự án hạ tầng lớn này như một cách để chứng tỏ năng lực hoàn thành những công trình lớn hơn, cao hơn những gì các nước khác có thể làm.

Chính quyền Trung Quốc tự hào tuyên bố họ đang có cây cầu cao nhất thế giới, cầu dài nhất thế giới và nhiều cái “nhất thế giới” khác nữa.

 

Tuy nhiên trong khi các cây cầu và những tuyến xa lộ cứ tiếp tục tăng thêm, giới phản biện cho rằng rất nhiều công trình hạ tầng này đã và đang được xây dựng từ nguồn vốn vay của chính phủ, và chủ yếu do các tập đoàn xây dựng lớn cũng như những quan chức được hưởng lợi từ đó hối thúc triển khai.

Do đó không ít dự án trên thực tế đang đặt ra những câu hỏi về hiệu quả giao thông thực tiễn trong khi các khoản nợ công liên quan chất chồng và nạn tham nhũng, hối lộ cũng khiến công luận Trung Quốc nhức nhối.

Cây cầu Chishi ở tỉnh Hồ Nam có tổng giá trị xây dựng 300 triệu USD, đội vốn hơn 50% so với ngân sách dự kiến ban đầu.

Dự án này cũng đã chật vật với rất nhiều đợt trì hoãn và từng xảy ra một vụ tai nạn xây dựng nghiêm trọng, cũng từng liên đới tới một bê bối tham nhũng cấp chính phủ.

Kể từ khi khánh thành tháng 10 năm ngoái, cây cầu này và tuyến xa lộ chạy trên nó vẫn chưa được sử dụng tối đa công suất và hiện vẫn ngập trong nợ nần.

Các dự án kiểu như cầu Chishi thường được xây dựng bằng tiền vay mà các ngân hàng nhà nước giải ngân cho các công ty thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương.

Các công ty này sẽ thu phí phương tiện qua cầu để hoàn trả tiền vốn vay đầu tư dự án. Tuy nhiên trên nhiều tuyến đường mở ra tại những vùng dân cư thưa thớt, tiền thu phí này không đủ để bù lại khoản vốn bỏ ra, theo đó nợ chồng chất nợ, lãi mẹ đẻ lãi con.

Phí qua cầu Chishi vào khoảng từ 3 USD trở lên, tuỳ theo phương tiện, mức phí này vẫn là quá cao so với nhiều người dân sinh sống ở khu vực bên dưới cây cầu này.

Tăng tốc xây cầu, đường

Theo một nghiên cứu mà ông Atif Ansar, giáo sư chuyên ngành quản lý tại ĐH Oxford, cũng là chuyên gia nghiên cứu về các hoạt động chi tiêu phát triển hạ tầng của Trung Quốc, tham gia, chưa tới 1/3 trong số 65 dự án xa lộ và đường sắt của Trung Quốc mà ông đã thẩm định “thực sự có hiệu quả về kinh tế”.

Trong khi đó số dự án còn lại chỉ gây thêm nợ nần thay vì để đáp ứng những nhu cầu giao thông. Nghiên cứu này cảnh báo trừ khi các dự án kiểu này bị “ghìm cương”, còn không “những khoản đầu tư hạ tầng được quản lý kém” sẽ đẩy Trung Quốc vào cuộc khủng hoảng tài chính đáng lo ngại.

Hạ tầng là con dao hai lưỡi. Nó tốt cho nền kinh tế, nhưng cũng có quá nhiều tác động tiêu cực trong vấn đề này. “Hãy cứ xây đi và mọi thứ sẽ tới” là câu khẩu hiệu đã không còn đúng nữa, nhất là ở Trung Quốc, nơi mà đã có quá nhiều thứ được xây dựng rồi”
Giáo sư Atif Ansar (chuyên ngành quản lý tại ĐH Oxford)

Báo New York Times cho biết tốc độ phát triển các xa lộ của Trung Quốc từng được so sánh với tốc độ mở mang đường sá của Mỹ vào những năm 1950 khi hệ thống đường liên bang của Mỹ được triển khai xây dựng.

Tuy nhiên Trung Quốc đang mở đường với tốc độ nhanh hơn nhiều. Nguồn tin từ trang web của chính phủ nước này cho biết chỉ riêng trong năm 2016 Trung Quốc đã bổ sung 26.100 cây cầu trên các tuyến đường, trong đó có 363 cây cầu cỡ lớn với độ dài trung bình khoảng 1,6km.

Ở một đất nước đã từng tạo nên Vạn Lý Trường Thành, các thành tựu lớn về hạ tầng từ lâu đã trở thành điểm nhấn tự hào của người Trung Quốc.

Quốc gia này từng tạo ra những kỷ lục như đường sắt cao nhất thế giới nối giữa tỉnh Thanh Hải tới vùng Lhasa, Tây Tạng; dự án thủy điện lớn nhất thế giới Tam Hiệp và kênh đào 800 dặm nối giữa hệ thống sông Dương Tử và Bắc Kinh là một phần của dự án giao thông đường thủy lớn nhất thế giới.

D.KIM THOA