10/01/2025

Phận ‘người rơm’ ở Anh

Bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào Anh bất hợp pháp với hi vọng đổi đời.

 

Phận ‘người rơm’ ở Anh

Bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư lậu, hằng ngày vẫn có rất nhiều người Việt tìm mọi cách vào Anh bất hợp pháp với hi vọng đổi đời.

 

 

 

Phận 'người rơm' ở Anh
Hai đầu bếp ở một nhà hàng bán món ăn Việt tại London ăn tối, chuẩn bị bước vào ca làm việc. Họ là những người làm việc hợp pháp – Ảnh: D.B.

Ngồi trước mặt chúng tôi là Lương, Lê và Cường – tuổi từ 25 đến 42, cùng quê Nghệ An và cùng đến Anh bằng con đường nhập cư lậu. Người bản xứ gọi họ là “người rơm”, tức người không có giấy tờ hợp lệ, sinh sống bất hợp pháp.

Vay nợ đến Anh và… thất nghiệp

Lớn tuổi nhất trong số này là Cường, 42 tuổi, đến Anh cách đây mới hơn ba tháng. Cường cho biết anh bay từ VN sang CH Czech, rồi băng rừng vượt biên qua Đức, sau đó đến Calais (Pháp) và từ Calais được xe thùng của đường dây buôn người chở tới Anh.

Chuyến đi của Cường kéo dài hơn một tháng trời và anh phải trả cho đường dây gần 30.000 bảng (khoảng 900 triệu đồng).

Điều đầu tiên khi Cường đặt chân đến Anh là tìm đến những người đồng hương Nghệ An ở TP Manchester. Nhưng công việc làm ở đây không thích hợp nên Cường đã chuyển đến London tìm việc mới.

Tuy nhiên hơn một tháng nay, những người Việt mà Cường quen ở London đều lắc đầu nói chưa giúp anh tìm được việc.

Cường tâm sự: “Trước khi quyết định đến Anh sinh sống bất hợp pháp, tôi đã học thêm nghề nấu ăn theo lời khuyên của bạn bè qua đây trước.

Nhưng những người quen của tôi nói rằng các nhà hàng Việt ở London hiện rất ngại thuê những người lao động nhập cư bất hợp pháp vì họ sẽ phải đóng phạt rất nặng nếu bị phát hiện sử dụng người không có giấy tờ hợp pháp. Họ nói tôi nên kiên nhẫn chờ đợi…”.

Hai người bạn cùng quê Nghệ An với Cường là Lương và Lê cũng rơi vào cảnh không việc làm vì không ai dám thuê.

“Tôi đã vay ở quê nhà một khoản tiền lớn, hi vọng qua đây đi làm sẽ trả hết nợ. Nhưng như anh thấy đấy, tôi thật sự lâm vào cảnh bế tắc ở đây, còn ở nhà các chủ nợ cứ giục gia đình tôi trả tiền”.

Chị Ngọc Trinh – chủ một tiệm làm móng tại London – cho biết Chính phủ Anh đang tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết để dẹp nạn nhập cư lậu vào Anh, trong đó một trong những đích nhắm là người Việt làm chui.

Theo chị Trinh, ở những nơi bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp, người chủ sẽ phải đóng phạt số tiền lên tới 10.000 bảng (khoảng 300 triệu đồng) cho một “người rơm”.

Chị Trinh cho biết cách đây không lâu, cảnh sát và lực lượng kiểm soát di trú Anh đã mở một đợt truy quét nhắm vào các tiệm làm móng, nhà hàng bán món ăn Việt Nam tại London.

Đã có hàng trăm người Việt, Philippines, Trung Quốc… nhập cư bất hợp pháp bị bắt sau các đợt truy quét.

Nhiều chủ tiệm làm móng và nhà hàng Việt phải nộp phạt những khoản tiền lớn. Có chủ tiệm làm móng phải đóng phạt số tiền lên tới 60.000 bảng. Nay những người chủ rất ngại sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp.

Anh Trần Văn Sử – chủ hệ thống nhà hàng Miền Tây bán món ăn Việt Nam nổi tiếng ở London – cho biết anh từng sử dụng lao động Việt Nam nhập cư lậu vào Anh vì muốn tạo cho họ công ăn việc làm, nhưng giờ không dám nữa.

“Thật lòng mà nói nếu không có công việc tử tế, những người không giấy tờ hợp lệ có thể làm chuyện bậy trên đất khách quê người, chẳng hạn như trồng cần sa vì khi qua đây họ đều vay mượn những khoản tiền lớn, họ buộc phải có việc làm để trả tiền vay nóng. Tôi muốn giúp họ, nhưng lúc này tôi buộc phải tuân thủ luật pháp của nước Anh” – anh Sử chia sẻ.

Tủi nhục trên đất khách quê người

Trong chuyến công tác tại Anh, chúng tôi đã có cơ hội gặp rất nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp sống gần cả chục năm, thậm chí có người sống gần 15 năm nhưng không được nhập quốc tịch.

Có người nói được tiếng Anh, nhưng có người nửa chữ tiếng Anh cũng không biết nên gần như không thể hội nhập vào xã hội Anh.

Những người như vậy thường sống chung cùng nhóm, thường là đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Cuộc đời của họ chỉ đơn giản là đi “cày” từ sáng đến tối mịt, kiếm tiền gửi về quê cho cha mẹ hoặc vợ con, sống được ngày nào hay ngày đó.

Chị Mai giới thiệu quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), đến Anh năm 2009 khi 27 tuổi bằng con đường bất hợp pháp. Chị hiện thuê nhà sống với một người đàn ông cùng quê đã có vợ con ở Việt Nam.

Thân hình gầy guộc, gương mặt khắc khổ đã khắc hoạ phần nào phận đời gian nan mưu sinh trên đất khách quê người của chị.

Chị nói khi mới đến Anh bước ra đường gặp ai cũng sợ, cứ thui thủi trong ngôi nhà chị được thuê giữ trẻ hộ cho một gia đình người Việt.

“Ngày này qua ngày nọ đều giống nhau là đi làm quần quật, về nhà cố ngủ để lấy lại sức. Đau ốm tự mình phải chịu vì không có giấy tờ nên không dám đến bệnh viện.

Có những lúc nghĩ đời bạc quá không muốn sống nữa, nhưng tôi lại nghĩ đến cha mẹ và những đứa em ở quê nhà…” – chị Mai tâm sự.

Anh Minh, quê ở Quảng Bình đến Anh năm 2011, nói rằng anh đã quá mệt mỏi với cuộc đời “sống chui sống nhủi” và muốn trở về Việt Nam.

Anh Minh tâm sự: “Cha mẹ, vợ con tôi ở Việt Nam, tôi muốn trở về với họ vì quá chán ngán với cuộc sống không giấy tờ ở Anh. Cuộc sống của tôi chắc chắn khó khăn hơn, nhưng dù sao ở Việt Nam tôi còn có mái ấm của chính mình”.

Rồi Minh bật khóc. Thủ đô London hôm ấy mưa trắng trời, gió lùa qua khe cửa lạnh buốt…

Chương trình “Hồi hương tự nguyện”

Chính phủ Anh kêu gọi những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh – trong đó có người Việt – tham gia chương trình “Hồi hương tự nguyện”.

Theo đó, chỉ cần gọi điện thoại đến số cố định thuộc Bộ Nội vụ Anh hoặc đăng ký trên mạng Internet, người muốn tham gia chương trình này sẽ được tạo điều kiện mua vé máy bay về nước.

Ngoài ra, họ chỉ bị cấm vào Anh 1-2 năm, thay vì 10 năm như trước đây.

“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp các em bị bóc lột tình dục hay phải sống trong điều kiện hết sức tồi tệ, hoặc bị chủ sử dụng lao động bóc lột tàn nhẫn

Ông Paul Wylie (Lực lượng kiểm soát di trú Anh) nói với BBC

DUY BÌNH