12/01/2025

Đàn heo giảm, nhập khẩu thức ăn vẫn tăng mạnh

Lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh, bất chấp tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn dẫn đến đàn heo giảm.

 

Đàn heo giảm, nhập khẩu thức ăn vẫn tăng mạnh

Lượng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng mạnh, bất chấp tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn dẫn đến đàn heo giảm.




Nhập khẩu tăng, giá nguyên liệu giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi đến các trang trại chưa giảm tương xứng  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nhập khẩu tăng, giá nguyên liệu giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi đến các trang trại chưa giảm tương xứngẢNH: NGỌC THẮNG

Các số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT về tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) cho thấy, vào thời điểm tháng 5.2016, tổng đàn heo – đối tượng tiêu tốn nhiều thức ăn nhất trong ngành chăn nuôi VN tăng 3 – 3,5% nhưng cùng thời điểm đó, lượng TACN nhập khẩu trong tháng 5 đạt 190 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 1,11 tỉ USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Còn nhớ khi ấy, giá heo hơi tăng, người dân tăng đàn để xuất bán cho Trung Quốc.
Trong khi đó, tháng 5 năm nay, đàn heo giảm 2% nhưng nhập khẩu TACN và nguyên liệu ước đạt 344 triệu USD. Như vậy, xét về con số tuyệt đối, giá trị nhập khẩu TACN tháng 5.2017 tăng hơn tháng 5 năm trước 154 triệu USD. Còn nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2017 thì nhập khẩu TACN ước đạt 1,53 tỉ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh nhóm TACN và nguyên liệu, nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ chăn nuôi khác trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ, như: bắp nhập trên 3 triệu tấn, tương đương 625 triệu USD, tăng 1,5% về khối lượng và tăng 6,2% về giá trị; đậu nành nhập 643.000 tấn, tương đương 280 triệu USD, tăng 8,4% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị…
Ai hưởng lợi ?
 

Vì sao heo giảm mà lượng thức ăn nhập khẩu tăng mạnh? Theo các DN và cả Hiệp hội TACN VN, lượng TACN nhập khẩu trong năm nay tăng mạnh là do giá nguyên liệu giảm nên DN tăng cường nhập để trữ hàng. “Điều này là hoàn toàn bình thường”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN VN, cho biết. Cũng theo ông Lịch, hưởng ứng lời kêu gọi của các ngành chức năng và chia sẻ trách nhiệm với người chăn nuôi, các DN TACN cũng đã giảm giá sản phẩm. Trong khi đó, bà N.T.T, chủ đại lý phân phối TACN lớn tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết: Khoảng 2 – 3 tuần trước, có một vài DN giảm giá nhẹ khoảng 5%. Nhưng nếu so với thời điểm tăng giá khoảng một năm trước thì tỷ lệ giảm giá lần này vẫn không đáng kể. Còn anh Trần Thanh Hoàng, chủ một trang trại ở H.Bến Cát (Bình Dương), lại khẳng định không có sản phẩm TACN nào giảm giá. “Tôi mua sản phẩm trực tiếp từ một nhà máy chế biến TACN tại khu công nghiệp Bàu Bàng (H.Bến Cát, Bình Dương) mà còn không có giảm giá nói gì đến các hộ nhỏ lẻ mua qua đại lý”, anh Hoàng bức xúc.
Các chuyên gia cho rằng, nếu theo nguyên tắc thị trường, đầu vào tăng do giá giảm thì đầu ra cũng phải giảm giá. Tuy nhiên, trên thị trường TACN VN điều này lại không được thể hiện rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu là DN tối ưu hóa lợi nhuận, mặt khác thị trường tuy rộng lớn nhưng lại bị các DN nước ngoài chi phối.
Hiện nay, cả nước có khoảng 240 nhà máy chế biến TACN, trong đó 59 nhà máy thuộc các DN liên doanh và DN FDI. Tuy chỉ chiếm hơn 1/5 số lượng nhà máy nhưng “khối ngoại” lại chiếm khoảng 65% thị phần. Với thị phần chi phối, các DN không khó để bắt tay làm giá.
Anh Nguyễn Thanh Long, đại diện một DN trong ngành, chia sẻ: Những DN lớn của nước ngoài không trực tiếp nuôi mà chỉ hợp đồng với nông dân nuôi gia công cho họ. Mọi chi phí đầu tư đều do nông dân bỏ ra từ vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng. DN vừa bán con giống, vừa bán TACN, thuốc thú y. Làm theo hình thức này họ tránh được nhiều khoản thuế phí vì đẩy về phía người chăn nuôi. “Họ kiếm lời từ việc quyết định giá cả thị trường và bán sản phẩm theo chuỗi, còn người nông dân của mình chỉ làm công cho họ”, anh Long phân tích.
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cuộc khủng hoảng giá heo kéo dài đến hết tháng 5 gây thiệt hại khoảng 10.000 tỉ đồng. Các chuyên gia nhận định bên trực tiếp gánh chịu thiệt hại chính là người chăn nuôi, trong đó nặng nhất là các trang trại và DN chăn nuôi do phát triển theo chuỗi hoặc gắn với nhà máy chế biến TACN. Hiện nay, số lượng chăn nuôi theo quy mô trang trại ở VN đang tăng và chiếm tỷ trọng lớn, một khi họ phá sản chỉ còn cách chuyển qua làm công cho các công ty nước ngoài. Như vậy, sau khủng hoảng các DN ngoại càng lớn mạnh.

 

Chí Nhân