29/11/2024

Kế hoạch chiếm mỏ dầu vùng Vịnh của Mỹ

Giữa cơn khủng hoảng vì bị cấm vận dầu mỏ năm 1973, giới lãnh đạo quân sự Mỹ lập ra một kế hoạch nhằm thôn tính nguồn dầu mỏ ở Trung Đông.

 

Kế hoạch chiếm mỏ dầu vùng Vịnh của Mỹ

Giữa cơn khủng hoảng vì bị cấm vận dầu mỏ năm 1973, giới lãnh đạo quân sự Mỹ lập ra một kế hoạch nhằm thôn tính nguồn dầu mỏ ở Trung Đông.




Tổng thống Richard Nixon (thứ ba, từ trái) trong cuộc gặp ngoại trưởng các nước Ả Rập ngày 17.10.1973 /// Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ

Tổng thống Richard Nixon (thứ ba, từ trái) trong cuộc gặp ngoại trưởng các nước Ả Rập ngày 17.10.1973CỤC LƯU TRỮ QUỐC GIA MỸ

Nguy cơ về cuộc xâm lược của Mỹ tại Trung Đông xuất hiện sau những diễn biến của chiến tranh giữa Israel và các nước Ả Rập và lệnh cấm vận dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) năm 1973.
Đầu tháng 10.1973, liên quân Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel từ hai phía nhằm giành lại bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Nhờ viện trợ quân sự của Mỹ, Israel sau đó giành lại được thế trận và đẩy lui Ai Cập cùng Syria. Đáp lại hành động này, các thành viên Ả Rập của OPEC cùng Ai Cập, Syria và Tunisia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel gồm Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Nam Phi, đồng thời giảm lượng khai thác dầu.
Vào thời điểm đó, 2/3 lượng dầu nhập khẩu của Mỹ đến từ OPEC, theo Business Insider. Lệnh cấm vận khiến nước Mỹ lao đao, giá xăng dầu tăng gấp 4 lần, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nhiên liệu trên toàn quốc. Bên cạnh hàng loạt biện pháp cả trong nước lẫn ngoại giao, giới lãnh đạo quân sự Mỹ đã vạch ra một kế hoạch bí mật có thể giúp kiểm soát tình hình: chiếm các mỏ dầu ở vùng Vịnh.
Chiến dịch chớp nhoáng
Theo The Guardian, giữa thời điểm khủng hoảng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger gặp Đại sứ Anh Rowland Baring tại thủ đô Washington D.C để gợi mở về ý định tấn công các nước vùng Vịnh. Ông Schlesinger nói rằng: “Kết quả của cuộc khủng hoảng Trung Đông là viễn cảnh các nước công nghiệp tiếp tục phục tùng ý muốn của những nước ít dân, kém phát triển, đặc biệt là tại Trung Đông”. Đại sứ Baring sau đó bảo vệ chính sách của Anh rằng: “Chúng ta không còn sống ở thế kỷ 19, thời mà những chiến hạm thường được sử dụng”, đồng thời thừa nhận London đang bị phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ Trung Đông. Cuối cùng, Bộ trưởng Schlesinger cảnh báo việc Mỹ không thể sử dụng vũ lực không còn là điều hiển nhiên nữa. Một tuần sau đó, Ngoại trưởng Henry Kissinger đe dọa nếu lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập tiếp diễn một cách phi lý, Mỹ sẽ phải quyết định đưa ra biện pháp đáp trả cần thiết.
Lo ngại về khả năng động thủ của Mỹ, Thủ tướng Anh Edward Heath ra lệnh cho lãnh đạo Ủy ban Tình báo liên ngành Percy Cradock nghiên cứu về vấn đề này và tính toán các phương án hành động. Bản báo cáo mô tả lại diễn biến tiềm tàng cuộc xâm lược của Mỹ, cách thức Anh hỗ trợ cũng như phản ứng của khối Ả Rập và Liên Xô. Báo cáo dài 22 trang, có tựa đề Trung Đông: Khả năng Mỹ sử dụng vũ lực, được giữ kín tại Trung tâm lưu trữ quốc gia ở London suốt hơn 30 năm và chỉ được công bố vào năm 2004. Theo đó, giới tình báo Anh cảnh báo nhiều khả năng Mỹ sẽ chiếm các nguồn dầu mỏ ở Ả Rập Xê Út, Kuwait và Abu Dhabi (UAE) nếu lệnh trừng phạt về dầu mỏ kéo dài và chiến tranh Ả Rập – Israel tái diễn. “Mỹ có thể không chấp nhận hoàn cảnh mà nước này và phương Tây phải chịu ân huệ từ một nhóm nhỏ các nước không biết điều”, báo cáo viết, đồng thời nhận định chiến dịch có thể xảy ra mà không có sự bàn bạc trước với các đồng minh. Mục tiêu được cho là nhằm dạy Ả Rập một bài học và đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cần thiết cho Mỹ.
Theo báo cáo của tình báo Anh, Mỹ sẽ ưu tiên tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng và không đòi hỏi lực lượng quá lớn. Ba lữ đoàn lính dù sẽ chiếm các mỏ dầu ở Dhahran (Ả Rập Xê Út), Kuwait và Abu Dhabi. Tàu chiến Mỹ ở Ấn Độ Dương cũng có thể được điều động để yểm trợ trong khi 2 sư đoàn sẽ được không vận từ Mỹ sang chi viện. Chuyên san The National Interest nhận định Mỹ có thể đạt được mục đích mà không gặp nhiều vấn đề. Vào thời điểm đó, nước này vừa rút quân khỏi VN và có thể điều chuyển vài sư đoàn sang Trung Đông. Năng lực quân sự của Ả Rập Xê Út và Kuwait khi đó cũng không được đánh giá cao và thiếu thốn các vũ khí hiện đại. Tình báo Anh dự đoán quân Mỹ chỉ gặp một vài trở ngại với lực lượng “được trang bị hạng nhẹ” ở Dhahran và khoảng 100 chiếc xe tăng bố trí xung quanh sân bay ở Kuwait. Mỹ sẽ yêu cầu Anh hỗ trợ đập tan các cuộc phản công ở Ả Rập Xê Út và đưa quân chiếm sân bay cùng mỏ dầu ở Abu Dhabi.
Đồng minh quay lưng
Nếu kế hoạch suôn sẻ, những thùng dầu đầu tiên sẽ sớm được đưa về Mỹ. Theo ước tính, các mỏ dầu có tổng trữ lượng 28 tỉ tấn sẽ đủ cung cấp cho Mỹ và đồng minh. Dù vậy, cuộc tấn công tiềm tàng mà giới tình báo Anh dự đoán không trở thành hiện thực. Bởi lẽ khi đó nước Mỹ và thế giới đang đối mặt với nhiều rắc rối nên nếu kích động chiến tranh có thể kéo theo nhiều hậu họa. Ở trong nước, chính quyền Tổng thống Richard Nixon đang bị bủa vây bởi vụ bê bối Watergate và những áp lực từ sau “vụ thảm sát đêm thứ bảy”, khi ông Nixon bất ngờ sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox, người đang chịu trách nhiệm điều tra vụ Watergate. Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson và Thứ trưởng William Ruckelshaus đều từ chức để phản đối quyết định sa thải của ông Nixon. Bên cạnh đó, Phó tổng thống Spiro Agnew năm 1973 cũng từ chức vì bê bối tham nhũng. Đó cũng là năm mà Mỹ rút quân khỏi VN và người dân nước này rõ ràng không muốn sa lầy vào một cuộc chiến khác, theo The National Interest. Phía Anh dự đoán kế hoạch chiếm đóng này sẽ phải kéo dài ít nhất 10 năm, và một cuộc xâm chiếm lâu dài tại Trung Đông đòi hỏi quân đội áp dụng trở lại lệnh tổng động viên.
Ở ngoài nước, Mỹ bị hầu hết các nước đồng minh quay lưng vì việc ủng hộ chiến dịch quân sự này có thể khiến lệnh cấm vận dầu mỏ đang lơ lửng trên đầu họ ập xuống bất cứ lúc nào. Báo cáo của tình báo Anh nhận định hành động quân sự của Mỹ nhiều khả năng sẽ bị một số nước đồng minh ở châu Âu phản đối và có nguy cơ làm chia rẽ NATO. Sự e dè được chứng minh khi các nước đồng minh châu Âu của Mỹ đều từ chối cho máy bay quân sự nước này sử dụng không phận và tiếp nhiên liệu để thực hiện chiến dịch trợ giúp Israel trong cuộc chiến với các nước Ả Rập, ngoài Bồ Đào Nha.
Về phần Anh, điều mà giới lãnh đạo nước này lo ngại nhất chính là chiến dịch quân sự đơn phương có thể châm ngòi cho Thế chiến thứ ba. Theo đó, Liên Xô có thể sẽ đưa quân sang khu vực để bảo vệ các nước Ả Rập. “Tình hình tại vùng Vịnh sẽ rất dễ biến động và khó lường sau khi Mỹ can dự. Nguy cơ lớn nhất của cuộc đối đầu tại vùng Vịnh nhiều khả năng xảy ra ở Kuwait, nơi người Iraq có thể can thiệp với sự ủng hộ của Liên Xô”. Ngoài ra, sự can thiệp quân sự của Mỹ cũng sẽ kích động sự hận thù từ các nước Ả Rập và một số nước thuộc Thế giới thứ ba.
Tổng thống Nixon cùng Ngoại trưởng Kissinger khi đó nhận định cuộc đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh Ả Rập – Israel phải đi đôi với việc đàm phán chấm dứt lệnh cấm vận dầu mỏ với các nước Ả Rập thuộc OPEC. Những cuộc liên lạc đầu tiên giữa ông Kissinger và giới lãnh đạo Ả Rập bắt đầu từ tháng 11.1973 và cuối cùng cũng đạt kết quả với Thỏa thuận đình chiến Ai Cập – Israel vào tháng 1.1974. Đầu tháng 3.1974, Israel rút những tốp lính cuối cùng ra khỏi phần phía tây của kênh đào Suez. Viễn cảnh về một thỏa thuận tương tự nhằm chấm dứt sự thù địch giữa Israel và Syria cuối cùng cũng giúp các nước liên quan dỡ bỏ cấm vận dầu mỏ với Mỹ vào tháng 3.1974. Kế hoạch thôn tính các giếng dầu ở vùng Vịnh không xảy ra và nước Mỹ phải tiến hành nhiều cải cách, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế thay vì phải dựa vào nguồn dầu mỏ nước ngoài.
Nước Mỹ trong cơn khủng hoảng dầu mỏ
Nước Mỹ trong cơn khủng hoảng dầu mỏ

Xe hơi xếp hàng mua xăng tại một cây xăng ở thành phố Portland (bang Oregon, Mỹ) trong thời điểm khủng hoảng dầu mỏ năm 1973

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 khiến người Mỹ đối mặt với giá nhiên liệu cao gấp 4 lần và tình trạng khan hiếm trầm trọng. Tại các cây xăng, xe cộ xếp hàng dài xung quanh để chờ mua nhiên liệu, theo The National Interest. Chính quyền cấp địa phương và liên bang khuyến cáo người dân tiết kiệm, nhiều hộ gia đình phải hạn chế thắp điện, các cây xăng phải đóng cửa vào chủ nhật và chỉ bán cho khách quen. Quy định hạn chế tốc độ lái xe ở mức 88 km/giờ trở xuống được đặt ra trên toàn quốc. Lệnh cấm cũng gây ảnh hưởng ở châu Âu. Giá nhiên liệu tăng cao khiến chính quyền Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Na Uy, Đan Mạch phải hạn chế tốc độ di chuyển của xe hơi, tàu thuyền và máy bay để tiết kiệm nhiên liệu. Nước Anh thậm chí kêu gọi mỗi hộ gia đình chỉ nên bật lò sưởi ở một căn phòng để sưởi ấm chung trong mùa đông.

 

Bảo Vinh