29/11/2024

Cần miễn học phí THCS từ năm học mới

Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp THCS từ năm 2020.

 

Cần miễn học phí THCS từ năm học mới

Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp THCS từ năm 2020.



Giáo dục bắt buộc, miễn học phí đến THCS là xu thế của nhiều nước trên thế giớiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chủ trương này được xác định tại Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, để chủ trương này trở thành hiện thực, cần phải có bước đi, lộ trình và giải pháp chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ phổ cập giáo dục THCS sang giáo dục bắt buộc 9 năm.
Nhiều hệ lụy nếu vẫn phổ cập giáo dục


Xu hướng chung của thế giới
Hiện nay, tất cả các nước châu Âu áp dụng giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên. Trong đó, nhiều nước như Anh, Ba Lan, Hà Lan… thực hiện 12 năm (hay đến 18 tuổi).
Mỹ thực hiện giáo dục bắt buộc và miễn học phí hoàn toàn cho đến cấp THPT.
Nhật Bản là nước châu Á áp dụng sớm nhất, từ những năm 1870 đối với tiểu học. Luật Giáo dục cơ bản năm 1947 của Nhật quy định giáo dục bắt buộc 9 năm. Năm 1986, Trung Quốc đã ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm.
Ở Đông Nam Á, Singapore và Philippines áp dụng giáo dục bắt buộc 10 năm; Indonesia, Thái Lan và Campuchia 9 năm, Malaysia 6 năm. Trong đó, Indonesia đang triển khai thí điểm 12 năm tại thủ đô Jakarta.

Ở VN hiện nay đang thực hiện phổ cập giáo dục nhằm đạt được một tỷ lệ cao số người trong độ tuổi nhất định có trình độ học vấn tối thiểu nào đó. Đến nay trên thực tế dù đạt chuẩn phổ cập giáo dục nhưng vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa tốt nghiệp THCS. Nếu áp dụng giáo dục bắt buộc 9 năm, chắc chắn không xảy ra vấn đề này.

Thực ra tư tưởng giáo dục bắt buộc xuất hiện khá sớm ở nước ta. Điều 15, Hiến pháp nước VN Dân chủ Cộng hoà năm 1946, quy định: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí…”. Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều quy định giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và không thu học phí. Tuy nhiên, đến nay VN mới áp dụng giáo dục miễn phí đối với tiểu học. Do đó nảy sinh nhiều hệ lụy.
Đó là nguy cơ rơi vào “bẫy giáo dục trung bình thấp”. VN thực hiện phổ cập giáo dục gần 30 năm, trình độ dân trí của người dân đã được nâng lên nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp. Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014 của Tổng cục Thống kê, trong số người dân từ 15 tuổi trở lên, có 82,8% số người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; 6,9% ĐH; 2,6% CĐ; 5,8% trung cấp; 1,8% sơ cấp. Điều này cho thấy cơ cấu trình độ quá bất hợp lý. Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về chỉ số giáo dục và đào tạo bậc cao (từ THCS trở lên), VN xếp thứ 95/140, thứ 7 trong các nước Đông Nam Á và dưới mức trung bình của các nước khảo sát. Như vậy, không phải là nguy cơ, mà là thực tế đang xảy ra bẫy giáo dục trung bình thấp và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu. Năm 2015 chỉ số GCI VN xếp thứ 56/140, đến năm 2016 bị hạ 4 bậc xuống thứ 60/138.
Ngoài ra, do chạy theo thành tích phổ cập nên một số trường cho lên lớp một số học sinh chưa đủ chuẩn kiến thức và kỹ năng, dẫn đến hiện tượng “ngồi nhầm lớp” gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Hiện nay, tất cả 63 tỉnh thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tốt nghiệp THCS trong tổng số dân số từ 15 tuổi trở lên của vùng ĐBSCL thấp nhất cả nước là 19,1% trong khi toàn quốc là 29,5%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 6,1% trong khi cả nước là 13,5%. Trong đó, có tỉnh như An Giang 2 tỷ lệ này là 16,0% và 6,1% nhưng vẫn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Đề xuất chính phủ thành lập quỹ giáo dục bắt buộc
Để triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm, khó khăn lớn nhất là về tài chính. VN có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP là 6,3% (đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan là 7,6%), chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách đạt 20%. Vì vậy, ngân sách T.Ư khó tăng thêm để thực hiện giáo dục bắt buộc.
Theo tính toán, cả nước một năm thu học phí THCS khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu chia cho 63 tỉnh thành là không lớn. Vì vậy, một số tỉnh, thành phố thu ngân sách lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu… có thể thực hiện miễn phí THCS ngay từ năm học 2017 – 2018. Đặc biệt là TP.HCM, nơi có thu nhập bình quân đầu người gần 6.000 USD/người sẽ là nơi tiên phong thí điểm THCS của cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập Quỹ hỗ trợ giáo dục bắt buộc 9 năm để hỗ trợ các tỉnh khó khăn. Quỹ này do các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp.
Về điều kiện pháp lý, không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, mà cần phải có lộ trình, bước đi thích hợp. Trước hết, một số tỉnh thành có điều kiện về kinh tế xin Chính phủ thực hiện thí điểm miễn phí THCS. Sau đó, Chính phủ cho phép mở rộng diện thí điểm, đến lúc đủ điều kiện thì trình Quốc hội sửa đổi luật Giáo dục, quy định giáo dục bắt buộc 9 năm hoặc ban hành luật riêng về điều này.
Cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường tiểu học, THCS một cách hợp lý, có thể xây thêm nhưng có thể sáp nhập với những trường quy mô quá nhỏ để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới trường dạy nghề để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào trường nghề, trường dạy nghề đảm bảo vừa học văn hoá vừa học nghề. Ngành giáo dục cần có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu.

 

Thạc sĩ HỒ SỸ ANH 
(Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)