29/11/2024

Vốn cho đường cao tốc Bắc – Nam: BOT có khả thi?

Với số vốn khổng lồ lên tới 312.000 tỉ đồng, đại dự án cao tốc Bắc – Nam nhận được khá nhiều băn khoăn về tính khả thi trong việc huy động vốn, kể cả BOT.

Vốn cho đường cao tốc Bắc – Nam: BOT có khả thi?\

Với số vốn khổng lồ lên tới 312.000 tỉ đồng, đại dự án cao tốc Bắc – Nam nhận được khá nhiều băn khoăn về tính khả thi trong việc huy động vốn, kể cả BOT. 

 

 

 

Vốn cho đường cao tốc Bắc - Nam: BOT có khả thi?
Hiện trạng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam thời điểm tháng 6-2017

Chuyên gia Phan Văn Trường: 

Khó thu hút nhà đầu tư BOT 

Trong khi hai dự án giao thông quan trọng là tuyến đường sắt metro ở Hà Nội và TP.HCM đang “đói” vốn, việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hà Nội – TP.HCM có số vốn rất lớn đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi của nguồn vốn đầu tư.

Dự án được xác định là quan trọng nhưng cần hiểu cao tốc là gì, cao tốc dành cho 120-140km/h hay cao tốc 300km/h như các nước? Bởi đằng sau đó còn đòi hỏi chi phí bảo quản, duy trì chất lượng mặt đường, chứ không phải có đường xong rồi chạy.

 

Do vốn ngân sách hạn chế, một trong những phương án vốn cho dự án cao tốc Bắc – Nam là thu hút đầu tư bằng hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao).

Thế nhưng, khi mà hàng loạt cơ chế, chính sách bất cập liên quan đến BOT còn chưa giải quyết, giữa nhà đầu tư và người sử dụng dự án BOT có những cự ly nhất định về quyền lợi, sẽ khó thu hút thêm được nhà đầu tư cho mô hình này.

Trong thực tế, nhiều dự án BOT đang gặp khó khăn vì không thể tăng phí, người dân phản đối gay gắt. Các dự án BOT đòi hỏi Chính phủ phải cam kết “sắt đá”, chấp nhận biểu phí tăng theo thời gian.

Trong khi với cách điều hành hiện nay, mỗi khi biểu lệ phí tăng lên, chúng ta lại sợ bị phản ứng.

BOT cần hành lang pháp lý rõ ràng hơn, cần sự cam kết từ Quốc hội, Chính phủ. Chúng ta phải đưa ra các bài toán, các đáp án và hiệu quả kinh tế – xã hội, một dự án kéo dài hơn 20 năm phải tính toán chi phí tài chính kỹ, đội vốn ra sao, nguồn tiền ở đâu…

Tôi cho rằng vấn đề này cần phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Ông Đỗ Văn Sinh (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội):

Phải làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội còn băn khoăn

Cao tốc Bắc – Nam là một đại dự án kéo dài 3 nhiệm kỳ trung hạn: từ nay đến năm 2020, 2020-2025 và sau 2025. Giai đoạn 1 hiện mới có 55.000 tỉ/130.000 tỉ đồng, số còn lại phải huy động nhưng đó là cả vấn đề.

Vay nước ngoài thì không được, vì trần nợ công gần như chạm ngưỡng. Vay trong nước chủ yếu là vốn từ ngân hàng, trong khi tiền gửi của dân chủ yếu là ngắn hạn, lại bị khống chế tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên cũng gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, không phải không có cách để gỡ. Thủ tướng đang giao cho Ngân hàng Nhà nước tính toán, báo cáo phương án huy động để xây dựng bằng được phân đoạn 1 từ nay đến năm 2020 và sau đó sẽ tính tiếp.

Tôi cho rằng Chính phủ quyết tâm, Quốc hội sẽ rất ủng hộ, bản thân tôi cũng rất ủng hộ, nhưng phải làm rõ tất cả những điều các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.

Đầu tư cao tốc là hợp lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về dự án cao tốc Bắc – Nam, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng nếu đầu tư đường sắt cao tốc cần khoảng 50 tỉ USD toàn tuyến Bắc – Nam.

Vấn đề là công nghệ và nhân lực, vật liệu Việt Nam chưa tự chủ được, chưa kể đường sắt phải làm 300-400km trở lên hoặc toàn tuyến mới phát huy được.

Trong khi đó, cao tốc đường bộ có thể làm từng đoạn ngắn và sử dụng ngay. Theo ông Nhật Việt Nam đã xây nhà ga T2 sân bay Nội Bài, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và đang thúc đẩy cảng hàng không quốc tế Long Thành nên xét về lợi ích lâu dài, đầu tư cao tốc là hợp lý nhất.

Đối với băn khoăn “miền Tây vắng bóng trong quy hoạch cao tốc?”, ông Nhật cho biết theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ có cao tốc từ Lạng Sơn – Cà Mau.

Đoạn Hà Nội – Lạng Sơn đã có dự án cao tốc được đưa vào sử dụng hoặc đang triển khai, đến năm 2020 sẽ hoàn tất toàn tuyến.

Đoạn TP.HCM – Cà Mau dài trên 300km, từ TP.HCM – Cần Thơ đã có tuyến cao tốc hoạt động hoặc xúc tiến, đến năm 2020 sẽ có cao tốc toàn tuyến.

Còn từ Cần Thơ đi Cà Mau, phía tư vấn tính toán lưu lượng xe không nhiều, hiện đã mở rộng 4 làn xe đoạn từ Cần Thơ – Bạc Liêu – Kiên Giang, rồi tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, các dự án cầu Cao Lãnh, Vàm Cống… đủ sức kết nối thông suốt toàn vùng.

Do đó với trục cao tốc Bắc – Nam phía đông như Chính phủ trình là đủ kết nối ba vùng kinh tế.

N. BÌNH – VIỄN SỰ