25/01/2025

Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Thí sinh hồ hởi vì kiểu đề quen thuộc

Hôm qua 9.6, 76.000 thí sinh Hà Nội đã dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong buổi sáng thi môn văn, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi rất vui vẻ vì kiểu ra đề quá quen thuộc.

 

Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Thí sinh hồ hởi vì kiểu đề quen thuộc

 

Hôm qua 9.6, 76.000 thí sinh Hà Nội đã dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong buổi sáng thi môn văn, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi rất vui vẻ vì kiểu ra đề quá quen thuộc.




Thí sinh ôn bài trước khi vào thi môn văn
 /// Ảnh: Lê Hiệp

Thí sinh ôn bài trước khi vào thi môn vănẢNH: LÊ HIỆP

Tác phẩm quen thuộc, yêu cầu không cao
Kết thúc buổi thi môn văn, tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), nhiều thí sinh (TS) ra khỏi phòng thi với vẻ mặt vui tươi. Theo các TS, đề thi không khó, kiểu ra đề lại quen thuộc nên nhìn chung đều làm được bài.
Phạm Quốc Anh, học sinh (HS) Trường THCS Trưng Vương, cho biết đã trả lời được hết tất cả các câu hỏi. Quốc Anh cho rằng với đề này HS trường mình phần nào “trúng tủ” bởi bài thơ Nói với con các em vừa được làm bài kiểm tra một tiết lúc gần kết thúc học kỳ 2. Còn tác phẩm Làng của Kim Lân thì mới đây được ra trong đề thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, do đó nội dung của tác phẩm này không còn xa lạ với TS.

TS ở các điểm thi khác cũng cho biết làm bài tốt, các tác phẩm được nhắc tới đều khá quen thuộc, yêu cầu cũng không cao. Do câu nào cũng trả lời được nên các TS đều có tâm lý khá thoải mái trong quá trình làm bài.
Nhiều giáo viên cho rằng đề thi năm nay không đánh đố HS, cấu trúc lại quen thuộc. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, giáo viên của một hệ thống giáo dục, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội về niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương khá gần gũi, quen thuộc với mỗi HS. Còn phần kiểm tra các kiến thức về truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân thì các câu đều hỏi kiến thức cơ bản, HS chỉ cần đọc kỹ văn bản, nắm chắc kiến thức liên quan và trình bày rõ ràng, mạch lạc là có thể làm tốt và giành điểm tối đa.
Còn bà Nguyễn Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B, cho rằng đây là một đề hay của Hà Nội trong mấy năm gần đây, bởi đề kiểm tra được toàn diện kiến thức của HS một cách có hệ thống cả tiếng Việt (ngữ pháp, từ, câu, kiểu câu) và văn học, lại yêu cầu HS thể hiện kỹ năng làm tập làm văn. Đề thi cũng rất cân đối, vừa có tác phẩm thơ, vừa có tác phẩm tự sự (văn xuôi). Ma trận đề thi tốt, vừa có câu hỏi kiểm tra kiến thức vừa có câu hỏi vận dụng, rồi vận dụng cao, phù hợp các mức năng lực của HS.

Đề chưa đánh giá được năng lực của học sinh

Tuy nhiên, bà Phạm Thái Lê, giáo viên Trường THCS Marie Curie, lại cho biết không thích đề văn năm nay cũng như kiểu ra đề văn của Sở GD-ĐT Hà Nội từ nhiều năm nay trong các kỳ thi vào lớp 10. “Đó là một phom đề truyền thống từ bao nhiêu năm nay, với cấu trúc đề 2 phần xoay quanh hai tác phẩm, một thơ, một văn xuôi. Đề thiên về các câu hỏi vụn, đòi hỏi trò học kỹ và hiểu sâu. Dạng đề như thế để đạt mục tiêu thi vào lớp 10, nghĩa là cũng phân hóa được ở một chừng mực nào đó, chứ không phát hiện được HS giỏi, có tố chất”, bà Lê nói và nhận xét thêm: “Tôi không thích phom đề có nhiều câu hỏi vụn, mà thích phom đề giống như của TP.HCM hay Nghệ An vừa ra trong năm nay”.
Theo bà Lê, điểm cộng của đề văn năm nay so với đề năm ngoái là câu nghị luận xã hội vì nó bàn về vấn đề muôn thuở của con người: “hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương”. Bà Lê chia sẻ: “Đó là câu tôi thích nhất ở đề này, song còn băn khoăn vì không biết đáp án có mở để ghi nhận các quan niệm và cách thức biểu đạt khác nhau của trò không. Câu nghị luận này chỉ thực sự hay khi đáp án nó thoáng, mở, chứ nếu vẫn chấm cứng nhắc theo barem điểm không mở thì không còn hay nữa”.
Bà Phan Thuỳ Giang, giáo viên một trường THCS ở Q.Ba Đình, cũng cho biết thích kiểu ra đề thi năm nay của TP.HCM hơn, vì nó được ra theo hướng khiến cho người học phải tư duy, từ đó thực sự phân loại được HS giỏi. Còn đề thi của Hà Nội thì không đánh giá được chính xác năng lực của học trò. “Những kiểu đề thi này là đề thi ăn may, niềm vui sẽ thuộc về những học trò trúng tủ”, bà Giang nói.
Điểm môn toán sẽ cao hơn năm trước
Theo ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội), đề thi toán năm nay vẫn giữ kiểu ra đề như năm trước, rất cơ bản, kèm theo một số câu có tính phân hoá. Có 2 câu cuối cùng (trong đó có bài hình) thuộc diện khó, dành cho HS giỏi. Ngoài ra, còn một vài ý ở các câu trên cũng đòi hỏi HS có kiến thức cứng cáp một chút mới làm tốt. Nghĩa là những HS khá thì có thể làm được 8 điểm, để được 8,5 điểm thì phải là những HS học chắc chắn. Đề thi tuy phát hiện được HS giỏi, nhưng ít HS đạt điểm 10. Mức điểm phổ biến sẽ từ 7 – 8 điểm.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cũng cho rằng cấu trúc đề khá ổn định, không có nhiều biến đổi so với vài năm gần đây. Nội dung sát với chương trình môn toán lớp 9. Tuy nhiên, độ phân hoá của năm nay cao hơn. Một số câu hỏi tuy vẫn nằm trong nội dung kiến thức (ví dụ câu 1 ý 3, câu 3 ý 1) nhưng vẫn đòi hỏi HS phải có sự linh hoạt nhất định trong quá trình làm bài. Phổ điểm trung bình sẽ là 7 – 7,5. Điểm 10 sẽ chỉ có ở tốp thi chuyên.
Ông Nguyễn Cao Cường, giáo viên của một hệ thống giáo dục, cũng nhận xét đề năm nay có phần nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái, đảm bảo tính phân loại theo học lực HS. Điểm toán năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước.

Phát hiện một trường hợp thi hộ
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong kỳ thi vào lớp 10, có 3 trường hợp TS vi phạm quy chế thi. Trong đó, một trường hợp thi hộ được phát hiện vào buổi chiều thi môn toán, một trường hợp sử dụng điện thoại và một trường hợp mang tài liệu vào phòng thi.

 

Quý Hiên