29/11/2024

Trận đồ mới ở vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar có khả năng làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị ở vùng Vịnh và Trung Đông.

 

Trận đồ mới ở vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar có khả năng làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị ở vùng Vịnh và Trung Đông.



Tổng thống Trump và lãnh đạo các nước GCC nhóm họp tại Riyadh ngày 21.5	 /// Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump và lãnh đạo các nước GCC nhóm họp tại Riyadh ngày 21.5ẢNH: REUTERS

Vào tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Ả Rập Xê Út. Tại Riyadh, các nhà lãnh đạo Mỹ và Ả Rập Xê Út gửi đi một thông điệp rõ ràng: Iran là lực lượng gây bất ổn khu vực mà các “quốc gia có lương tri” phải tập hợp để cô lập.
Chuyến công du của Tổng thống Trump không phải là nguyên nhân dẫn đến cuộc bùng phát khủng hoảng quan hệ giữa Qatar và các nước Ả Rập láng giềng, gồm Ả Rập Xê Út, Bahrain, UAE và Ai Cập. Mối bất hoà giữa “những người anh em” ở vùng Vịnh đã âm ỉ từ lâu vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, những thông điệp của Tổng thống Trump bị cho là hà hơi tiếp sức cho phe phái đối địch với Iran trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tiến tới cô lập Qatar.
Cuộc họp quyết định
Theo tiết lộ của ấn phẩm Intelligence Online số ngày 7.6, trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – GCC ở Ả Rập Xê Út ngày 21.5, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã phải lắng nghe một loạt cáo buộc của Tổng thống Trump. Dẫn các báo cáo tình báo Mỹ, Tổng thống Trump lên án Doha tài trợ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria như Jabhat Fateh al-Sham (tên mới của Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria). Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn đe dọa liệt nhóm Huynh đệ Hồi giáo mà Qatar bị cho là hậu thuẫn vào danh sách các tổ chức khủng bố, như các nước Ả Rập Xê Út, Bahrain, UAE và Ai Cập đã làm trước đây.
Tuy nhiên, cáo buộc tài trợ khủng bố không phải là lý do duy nhất khiến Qatar bị các nước láng giềng tẩy chay. Ả Rập Xê Út cùng phe cánh hết sức bất bình trước mối quan hệ có phần hữu hảo giữa Qatar và Iran, hai quốc gia sở hữu chung mỏ khí khổng lồ North Dome/South Pars ở vịnh Ba Tư. Riyadh đặc biệt nghi kỵ cuộc hội đàm bí mật ở Baghdad cách đây vài tuần giữa Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim al-Thani và Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm al-Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani, cho rằng hai nước này âm mưu “thọc gậy bánh xe” vào sự đồng thuận ở hội nghị Mỹ – GCC.
Bản thân Tổng thống Trump đã bóng gió về sự can dự của ông khi viết trên Twitter ngày 6.6: “Thật hài lòng khi thấy chuyến thăm Ả Rập Xê Út với quốc vương và 50 quốc gia khác mang lại kết quả. Họ nói họ sẽ cứng rắn với chuyện tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan và mọi dấu chỉ đều chỉ đến Qatar”.

Chuyển động quân sự

Tuy Tổng thống Trump ngày 7.6 dường như đã thay đổi lập trường bằng cách điện đàm với Quốc vương al-Thani ngỏ ý làm trung gian tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi các nước Ả Rập được cho là đã đưa ra tối hậu thư buộc Doha đáp ứng trong 24 giờ đồng hồ. Theo tờ The Independent, tối hậu thư 10 điểm bao gồm cắt đứt quan hệ với Iran, trục xuất các thành viên nhóm Hamas và Huynh đệ Hồi giáo đồng thời hạn chế hoạt động của kênh truyền hình al-Jazeera.
Trong khi đó, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Doha trong thế bị bao vây đang ngả về phía hai thế lực khác trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để cầu cứu. Đài CNN ngày 8.6 dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ quân đội Qatar hiện đặt trong tình trạng báo động cao nhất vì lo ngại bị các nước láng giềng tấn công quân sự hoặc hậu thuẫn đảo chính. Theo CNN, Bộ Quốc phòng Qatar ngày 5.6 đã gửi thông điệp cho chính phủ các nước UAE, Ả Rập Xê Út và Bahrain tuyên bố sẽ bắn chìm bất kỳ tàu hải quân nào của các nước này xâm nhập vùng biển của họ. Ngoài ra, kênh truyền hình al-Arabiya ở Ả Rập Xê Út ngày 7.6 dẫn các nguồn tin ở Ai Cập tiết lộ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đang bảo vệ Quốc vương al-Thani trong lâu đài của nhà lãnh đạo này.
Dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiềm chế chỉ trích trực tiếp Ả Rập Xê Út, quốc hội nước này ngày 7.6 đã họp phiên bất thường để thông qua dự luật triển khai binh sĩ đến căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Theo giới quan sát, đây là động thái thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Qatar. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Iran cũng đề nghị cung cấp lương thực và nước uống cho Qatar trong lúc nước này bị láng giềng phong tỏa đường biển, đường bộ và đường hàng không.
Sự ủng hộ của Ankara dành cho Doha không mấy ngạc nhiên bởi đây là hai quốc gia đồng minh truyền thống và có tầm nhìn đối ngoại tương đồng. Cả hai đều ủng hộ cuộc cách mạng ở Ai Cập năm 2011 và lên án cuộc đảo chính quân sự đưa nhà lãnh đạo hiện thời Abdel Fattah al-Sisi lên nắm quyền. Hai nước cũng ủng hộ phong trào Huynh đệ Hồi giáo và phe nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như chủ trương theo đuổi quan hệ hòa dịu với Tehran. Quốc vương al-Thani là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Erdogan trong những giờ đầu tiên của cuộc đảo chính hụt ngày 15.7.2016. Thậm chí, dù Bộ Ngoại giao Qatar đã ra tuyên bố bác bỏ, một số tờ báo ở khu vực từng tiết lộ chuyện Qatar gấp rút cử 150 lính đặc nhiệm đến bảo vệ ông Erdogan trong thời gian ổn định tình hình hậu đảo chính.
Ngay sau khi Qatar bị cô lập, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lập tức đến Ankara để bàn bạc về các diễn biến “đáng lo ngại”. Truyền thông Nga hôm qua cũng đưa tin Ngoại trưởng al-Thani của Qatar sẽ đến Moscow để hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov vào ngày 10.6. Xét đến sự hình thành của trục Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc chiến Syria, việc Qatar trong lúc bị cô lập xích về phía trục này là có thể dự báo.
Trận đồ mới ở vùng Vịnh - ảnh 2

 
 

 

Công Chính