27/01/2025

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ sản xuất ô tô

Bộ Công thương vừa đề xuất các nhóm giải pháp để phát triển công nghiệp ô tô như hỗ trợ mạnh doanh nghiệp sản xuất trong nước, thu hút thêm các tập đoàn mới vào VN.

 

Tiếp tục đề xuất hỗ trợ sản xuất ô tô

Bộ Công thương vừa đề xuất các nhóm giải pháp để phát triển công nghiệp ô tô như hỗ trợ mạnh doanh nghiệp sản xuất trong nước, thu hút thêm các tập đoàn mới vào VN.



Các chuyên gia nhận định không cần ưu đãi thêm cho sản xuất ô tô trong nướcẢNH: NGỌC THẮNG

Theo Bộ Công thương, đến năm 2020 quy mô thị trường và sức tiêu thụ cũng như khả năng sản xuất ô tô tại VN sẽ vượt qua Philippines – nước hiện có ngành sản xuất ô tô lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN. Theo tính toán, đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước dự tính đạt khoảng 450.000 – 500.000 xe, và đến năm 2025 con số này có thể đạt 800.000 – 900.000 xe.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?
Tiềm năng lớn nhưng thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô VN trong bối cảnh hiện tại lại quá nhiều. Đó là hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, ô tô nguyên chiếc nhập về với giá cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ trong nước kém cạnh tranh, tỷ lệ nội địa hóa 40% đã thất bại; chính sách phát triển hỗ trợ không đồng bộ, chưa hiệu quả… Do đó, để phát triển sản xuất trong nước, Bộ Công thương đề xuất giải pháp hỗ trợ mạnh đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Nếu được thông qua, đây sẽ là ưu đãi lớn chưa từng có cho những DN này.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Lê Ninh, nguyên chủ nhiệm bộ môn ô tô máy kéo – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: “Mấy chục năm qua, ngành ô tô của VN không phát triển và chiến lược xây dựng ngành này hầu như đã thất bại. Trên thực tế, phát triển ngành ô tô cần có tính liên kết cao, trong đó phải phát triển được công nghiệp phụ trợ, cung cấp linh phụ kiện để sản xuất. Nhưng hiện tại, ngay cả bản thân các nhà máy phụ tùng ô tô lớn của VN cũng đã hầu như không còn hoặc chỉ hoạt động cầm chừng”.
“Bản thân các DN trong nước đã quá yếu. Bao nhiêu năm qua chúng ta bỏ qua cơ hội để phát triển ngành sản xuất ô tô thì đến nay, khi từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu sản phẩm này trong khu vực ASEAN chỉ còn 0% thì việc phát triển này không còn lợi thế cạnh tranh nữa. Đó là chưa kể về kỹ thuật, công nghệ sản xuất trong ngành này VN cũng hầu như chỉ là con số 0. Không có lợi thế, không có công nghiệp phụ trợ… thì các DN chỉ đi nhập khẩu sản phẩm về bán hay nhập khẩu nguyên phụ liệu về lắp ráp lại đều có lợi hơn. Do đó không cần thiết để đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh cho DN sản xuất nhưng lại khiến cho người tiêu dùng thiệt hại”, chuyên gia Nguyễn Lê Ninh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng ngành ô tô trong nước nói riêng và ngành công nghiệp nặng nói chung không nên được tiếp tục bảo hộ. Nếu như chỉ để bảo vệ sản xuất trong nước nhưng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Đó là chưa kể giá ô tô tại VN hiện nay đã rất cao. Từ đó sẽ góp phần khiến sức mua giảm, nền kinh tế của VN cũng trở nên èo uột. “Đáng chú ý, nhiều ngành nghề sản xuất trong nước khi được bảo hộ lại không thể phát triển mà chỉ kéo dài được sự tồn tại. Việc đưa ra chính sách bảo hộ là tư duy cũ kỹ, không đi theo kịp xu hướng phát triển kinh tế của thế giới”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Thu hút sản xuất dòng xe lạ
Ngoài giải pháp ưu đãi mạnh cho sản xuất trong nước, Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn, sản xuất tại VN. Đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN. Theo giới chuyên gia, trong trường hợp VN muốn kêu gọi các hãng ô tô lớn cần phải có chính sách ưu đãi rất nhiều.
Giám đốc một đại lý ô tô tại Biên Hòa (Đồng Nai) nhận xét tâm lý người tiêu dùng hiện nay đang trông chờ vào chính sách thuế suất nhập khẩu ô tô về 0% vào năm 2018 để mua xe giá rẻ hơn. Vấn đề thuế suất giảm mạnh sẽ là yếu tố khiến các hãng xe mới phải cân nhắc rất nhiều trước vấn đề có nên đầu tư sản xuất tại VN hay không. Đặc biệt giải pháp này có thể hướng đến các tập đoàn sản xuất như Nga và các nước Đông Âu hoặc Pháp, hiện chưa có cơ sở liên doanh, sản xuất tại ASEAN. Thế nhưng, các dòng xe này có giá cao hơn các hãng xe hiện nay trong nước nên cũng khó cạnh tranh. Hơn nữa, các dòng xe Nga hay Pháp vốn không được yêu thích lắm tại VN. Do đó để xem xét đầu tư mở nhà máy sản xuất ô tô chắc chắn các hãng xe sẽ xem xét rất kỹ. Đó là chưa kể bản thân các DN hiện nay cũng đang có xu hướng nhập xe về bán có lợi hơn là sản xuất.
Trên thực tế, năm 2016 tiêu thụ xe hơi của VN dù được đánh giá có tốc độ tăng nhanh thứ 2 thế giới nhưng khoảng cách với các nước phát triển vẫn còn kém xa. Số lượng tiêu thụ của các DN thành viên Hiệp hội Sản xuất xe ô tô VN là hơn 304.000 chiếc, trong đó xe lắp ráp trong nước là 228.964 chiếc, còn lại là xe nhập khẩu. So với một số nước trong khu vực, thị trường VN vẫn còn khá nhỏ. Thị trường ô tô Thái Lan dù giảm nhẹ trong năm 2016 nhưng số xe tiêu thụ lên hơn 768.000 chiếc. Vì vậy, các chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải đưa ra quá nhiều ưu đãi để có thêm những nhà sản xuất xe mới, khi thị trường VN vẫn còn ở quy mô nhỏ.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, giải pháp này không nên thực hiện. Bởi từ nhiều năm nay, VN rất muốn phát triển ngành ô tô nên đưa ra các chính sách thu hút đầu tư nhưng nhiều lần thất bại. “Chúng ta đã mời quá nhiều nhà đầu tư sản xuất ô tô nước ngoài vào một thị trường quá nhỏ bé. Sở dĩ Honda thành công là họ tập trung vào xe máy, tỷ lệ nội địa hóa lên được 92%”, ông Doanh cho hay. Trong khi đó, công nghệ ô tô hiện nay trên thế giới đang phát triển như vũ bão, đã đến thời của dòng xe điện, xe tự lái… “Liệu VN có nên đưa ra các chính sách ưu đãi cho sản xuất ô tô hay không? Nếu không cẩn thận, vô hình trung lại tự mình chui vào bẫy và biến VN thành bãi rác xe ô tô”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), việc thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN giảm xuống 0% từ ngày 1.1.2018 sẽ tác động mạnh đến thị trường ô tô VN. Bản thân các hãng ô tô có mặt ở VN cũng đã tính đến việc cắt giảm số dòng xe sản xuất, lắp ráp tại chỗ và thay vào đó là nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia.

M.Phương – T.Xuân