Indonesia nỗ lực giúp ngư dân thoát nghèo
Chính phủ Indonesia đang thực hiện chương trình xúc tiến phát triển kinh tế – du lịch tại các ngôi làng ven biển, giúp cải thiện đáng kể đời sống ngư dân.
Indonesia nỗ lực giúp ngư dân thoát nghèo
Chính phủ Indonesia đang thực hiện chương trình xúc tiến phát triển kinh tế – du lịch tại các ngôi làng ven biển, giúp cải thiện đáng kể đời sống ngư dân.
Những ngôi làng nghèo ven biển ở Indonesia giờ đây có cơ hội phát triển du lịch và ngư dân trở nên tự chủ kinh tế hơn nhờ vào chương trình Phát triển cộng đồng ven biển (CCDP) do Bộ Thủy sản và Hàng hải Indonesia phối hợp với Quỹ quốc tế vì phát triển nông nghiệp (IFAD) thực hiện. Trong số đó là câu chuyện thành công của làng Lembar Selatan ở đảo Lombok.
Trực thuộc Tây Nusa Tenggara – tỉnh nghèo nhất ở phía đông Indonesia, Lombok có thắng cảnh đẹp nhưng kém phát triển về kinh tế, du lịch so với đảo lân cận Bali. Các chuyên gia cho biết những ngôi làng ven biển ở Lombok trước đây kém phát triển do không thể tiếp cận với thị trường và thiếu định hướng phát triển, đồng thời chỉ dựa vào một nguồn thu từ đánh bắt. Bên cạnh đó, hậu quả của biến đổi khí hậu, chẳng hạn mực nước biển dâng cao, bão và hạn hán kéo dài cùng với sạt lở bờ biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân làng chài.
Tại làng Lembar Selatan, nhiều gia đình trước đây sống với thu nhập dưới ngưỡng nghèo do chính phủ đặt ra là 27 USD/tháng. Nhưng giờ đây, người dân làng chài này cho biết đời sống cải thiện đáng kể nhờ vào CCDP. “Thu nhập hiện tại của tôi cao hơn chồng tôi. Ông ấy rất vui và tự hào vì tôi. Tôi có thể đóng tiền học phí đầy đủ cho các con và mua sắm thêm đồ dùng trong nhà”, cô Herniati (35 tuổi) sống ở Lembar Selatan nói với Reuters.
Được chính phủ Indonesia, Mỹ và Tây Ban Nha hỗ trợ kinh phí, CCDP được triển khai tại 9 tỉnh ở phía đông Indonesia, khu vực kém phát triển nhất nước này. Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia sẽ hỗ trợ khôi phục và bảo tồn thiên nhiên như rạn san hô và rừng đước, cung cấp miễn phí trang thiết bị đánh bắt cá cho ngư dân và huấn luyện vợ của họ trở thành nhà kinh doanh, giúp liên kết với doanh nghiệp để bán đặc sản tự sản xuất và thủy sản nhằm tránh nguy cơ bị đầu nậu ép giá thu mua. Dân làng đóng góp công sức, cải thiện thu nhập và có thể dùng lợi nhuận tái đầu tư phát triển cộng đồng địa phương.
Làng chài lột xác
Khoảng 1/3 hộ gia đình trong làng Lembar Selatan tham gia chương trình, làm hình mẫu cho các nơi khác, điều phối viên CCDP Sapta Putra Ginting cho biết. Đánh giá về chương trình này, ông Ginting lưu ý: “Nhiều căn nhà mới khang trang mọc lên, đồng nghĩa thu nhập người dân tăng lên đáng kể. Trước đây, khi các ông chồng không ra khơi đánh bắt, họ phải vay tiền với lãi suất cắt cổ để trang trải cuộc sống. Đó là lý do vì sao nhiều cộng đồng dân cư ven biển chìm trong nghèo khó”.
Ngư dân H.Nurudin cho hay ông được hỗ trợ lập tài khoản ngân hàng lần đầu tiên và lập tức gửi tiền tiết kiệm 7 triệu rupiah (525 USD). Một nhóm ngư dân được CCDP hỗ trợ đã tiết kiệm được khoảng 18 triệu rupiah để sửa chữa tàu cá và tổ chức sự kiện, lễ hội địa phương, theo ông Nurudin. Một ngư dân khác tên Sahdan (67 tuổi) chia sẻ thu nhập gia đình gia tăng nhờ tham gia CCDP, với nhiệm vụ quản lý khu bảo tồn rừng đước rộng 64 ha.
Từng đối mặt với nguy cơ rừng đước biến mất khỏi bản đồ, đảo Lombok giờ đây trở thành điểm thu hút nhiều khách du lịch sau khi CCDP bỏ vốn cho người dân trồng cây đước mới. Nhiều cửa hàng, quán cà phê và dự án nhà nghỉ bắt đầu mọc lên đón du khách. CCDP hỗ trợ xây dựng một con đường đi vào rừng đước cho du khách. Người dân trông nom rừng đước tiến hành thu phí tham quan, mở dịch vụ cho thuê thuyền và thậm chí tổ chức tiệc cưới. Các hộ gia đình giờ đây vừa có người đánh bắt vừa có người làm du lịch.
Nhờ CCDP, gia đình cô Herniati thoát nghèo và thu nhập hằng tháng hiện tăng gấp bốn lần so với mức 8 USD/ngày trước kia. Cô Herniati cùng vợ của những ngư dân trong làng được hỗ trợ vốn để sản xuất nhiều loại đặc sản bao gồm bánh phồng tôm, rong biển sấy khô và mắm ruốc, phục vụ du khách, đồng thời cung cấp cho các công ty. “Trước đây, tôi chỉ biết ngồi đợi chồng đánh bắt trở về và đem cá tươi đi bán ngoài chợ. Bây giờ chúng tôi có thể tự sản xuất, tăng thu nhập gia đình”, Herniati chia sẻ. Gia đình cô vừa mới xây lại căn nhà khang trang hơn để phục vụ sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, ngư dân Sahdan cũng bày tỏ lo ngại người dân địa phương có thể trở thành “nạn nhân” từ chính sự thành công của CCDP. Do du lịch phát triển, giá đất tại đây tăng từ 2 triệu lên 10 triệu rupiah/ha, ông Sahdan lưu ý.
CCDP sẽ kết thúc vào tháng 12.2017, nhưng chính quyền địa phương và dân làng lên kế hoạch tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đạt được. Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia có lộ trình chi ngân sách lên đến 8,6 tỉ USD hằng năm, tức khoảng 100.000 USD cho mỗi làng chài nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng cho đến năm 2019.
Phúc Duy