Cắt ‘khối u’ nợ xấu
Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 7.6.
Cắt ‘khối u’ nợ xấu
Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 7.6.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng nghị quyết được ban hành sẽ tạo niềm tin cho người dân trước tình hình nợ xấu cao như “cục máu đông”, có thể gây đột quỵ đe doạ cả nền kinh tế. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở chính khâu giải quyết tài sản đảm bảo, mà lâu nay các ngân hàng (NH) bị động, khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ nợ và con nợ diễn ra liên miên. “Tài sản thế chấp đã thống nhất với NH nhưng khi xử lý phải đem ra toà án, quy trình xảy ra rất dài và không xử lý được. Các con nợ không thực hiện đúng mục đích vay vốn, thậm chí kinh doanh mạo hiểm, sai mục đích, mua xe sang để đi”, ĐB Phương nêu ý kiến và đề xuất nghị quyết lần này cần xác định rõ quyền của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xác định tài sản thế chấp. Ông Phương nói: “Đây là nút thắt quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu. Không để TCTD cho vay rồi lại phải mất thời gian đòi nợ, rồi phải ra tòa án để xử lý thì không được”.
Đồng ý quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân, tuy nhiên ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhìn nhận, công dân đã cam kết trong hợp đồng tín dụng và giao dịch tài sản đảm bảo sẽ đồng ý chuyển cho TCTD thu giữ, khi không hoàn trả khoản vay đúng hạn thì mặc nhiên công dân đã tự tước bỏ quyền giữ tài sản của mình. “Tôi đề nghị QH cho phép các TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo”, ĐB Sinh đề nghị, song cũng lưu ý không được phép chuyển giao quyền này cho các tổ chức cá nhân khác thực hiện. Nếu không quy định như vậy, trong trường hợp các TCTD ký hợp đồng với các công ty thu nợ dùng mọi hình thức siết nợ thì sẽ để lại hệ luỵ khôn lường.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đồng tình: “Chúng tôi thống nhất cao bổ sung quy định để áp dụng quyền thu giữ tài sản của các TCTD và Công ty quản lý tài sản (VAMC) với điều kiện và nguyên tắc tài sản không có tranh chấp khi đã có sự thoả thuận”, ĐB Sơn bày tỏ. Đồng tình việc phải xử lý tài sản đảm bảo, song ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) thận trọng: “TCTD phải xử lý vấn đề trên thế nào? Họ phải trực tiếp tổ chức thu giữ, xử lý tài sản hay được phép thuê một lực lượng khác để bảo vệ thu giữ, xử lý tài sản này? Tôi cho rằng Quốc hội nhất thiết phải có một cơ chế rõ ràng, phù hợp để xử lý những vấn đề này”.
Giải trình với các ĐB, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết theo báo cáo nợ xấu từ mức 17,21% tổng dư nợ vào tháng 9.2012, nay đã giảm xuống còn 2,52% tương đương 150.000 tỉ đồng (nợ xấu nội bảng). Song nếu tính cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ xấu có thể lên tới 10,08% tổng dư nợ. Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, ông cũng thừa nhận quy trình tín dụng của một số TCTD còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ NH lợi dụng. Một bộ phận cán bộ NH thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu là bổ sung trong dự thảo nghị quyết không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của NH.
90% nợ xấu là tiền gửi của người dân
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết thời gian qua, các NH đã xử lý tích cực nhưng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn… xấp xỉ 600.000 tỉ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ. VN là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có TCTD nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn. Trong khi các quốc gia khác có nhiều
NH bị đổ vỡ. Tuy nhiên, ông Thắng đặc biệt lưu ý, trong 600.000 tỉ đồng có tới 90% tiền của dân, 10% của NH. “Cho nên cần cấp bách xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỉ đồng quay trở lại kinh tế, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành”, ông Thắng phát biểu.
Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng, nhiều nơi vẫn vô tư chặt phá
Thảo luận tại tổ chiều 7.6 về dự án luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án luật Thuỷ sản (sửa đổi), các ĐB lo ngại về tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề.
Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính uỷ Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho rằng việc bảo vệ, phát triển rừng là điều cấp bách và lâu dài, nên luật phải chặt chẽ, tránh lợi dụng quy định kinh doanh, khai thác rừng nghèo để trồng rừng mới. Bởi từ nhiều năm qua có tình trạng thuê vài chục mẫu rừng để khai thác rừng nghèo sau đó trồng mới. Tuy nhiên sau khi khai thác xong, người thuê lại sang tay, hoặc bỏ không trồng mới, dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang hoá, rừng bị tàn phá. “Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng vẫn diễn ra tình trạng chặt phá tự nhiên, vô tư. Hậu quả của việc này, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phải hứng chịu, mất kế sinh nhai, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống”, thiếu tướng Nghĩa nhấn mạnh. ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng nêu vấn đề dư luận nói rằng khi “chạy chọt” một dự án thủy điện loại nhỏ, mục tiêu không phải là làm ra điện bán, mà cái chủ đầu tư “ngắm” có một khoảnh rừng để tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ chỗ đó. Họ phá rừng, sau này trồng thay thế bằng rừng cao su, mà dưới rừng cao su thì không một con nào sống được, nên cũng chỉ mang tính thương mại hoá chứ không trồng rừng lại được.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền ở các cấp tỉnh, huyện, xã để nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng (thuộc điều 52, dự luật). ĐB Thích Bảo Nghiêm cũng mong muốn, luật sửa đổi nâng cao được ý thức cho người dân về việc trồng, bảo vệ cây xanh, đặc biệt là trồng cây tại các đô thị. ĐB dẫn chứng: “Mấy hôm nay chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời khác nhau giữa bóng cây thế nào. Như thế cho thấy tác dụng lớn của cây xanh”. Góp ý cho dự luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng sau vụ việc Sơn Trà, luật cần bổ sung cấm hành vi kinh doanh, khai thác làm thay đổi cảnh quan tự nhiên sinh thái rừng.
Trường Sơn – Anh Vũ
|
Anh Vũ