Tranh cãi quanh vụ tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên
Cơ quan chức năng cho rằng tôm hùm chết do nguồn nước bị ô nhiễm vì nuôi dày và thức ăn dư thừa, người nuôi tôm nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm do các cơ sở sản xuất xả thải trái phép.
Tranh cãi quanh vụ tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên
Cơ quan chức năng cho rằng tôm hùm chết do nguồn nước bị ô nhiễm vì nuôi dày và thức ăn dư thừa, người nuôi tôm nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm do các cơ sở sản xuất xả thải trái phép.
Người dân ở phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) bán tôm hùm chết để vớt vát chi phí – Ảnh: AN NGUYÊN |
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên cho rằng do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm quá trình phân huỷ hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh và tảo phát triển quá mức gây hiện tượng thiếu oxy cục bộ vào ban đêm làm các loài thuỷ sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt.
Còn sau khi kiểm tra thực tế tại Sông Cầu, ông Lương Minh Sơn, phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Phú Yên, cho biết vùng nuôi này chỉ quy hoạch 16.000 lồng, nhưng số lượng lồng nuôi thực tế hơn gấp ba lần.
“Nuôi trồng phá vỡ hết quy hoạch chắc chắn sẽ rủi ro cao và đã xảy ra những năm gần đây, trong đó thiệt hại năm nay là lớn nhất” – ông Sơn nói.
Trong khi đó, nhiều người nuôi tôm hùm tại khu vực này cho rằng hiện tượng tôm hùm chết trên diện rộng có thể xuất phát từ việc xả thải trái phép của các nhà máy trong khu vực, gây ô nhiễm nguồn nước.
Bà Trịnh Thị Bợ, một người nuôi tôm hùm tại đây, cho biết trước đây cũng có tình trạng tôm nuôi chết vì thiếu oxy, “nhưng chỉ lác đác 5-10 con chứ không phải chết sạch như hiện nay”.
Theo ông Nguyễn Văn Tạo, một người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, các ngành chức năng cần điều tra làm rõ xem có hay không chuyện xả thải trái phép gây ra tình trạng tôm nuôi của họ chết sạch như thế hiện nay.
Ông Trần Hữu Thế, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thừa nhận việc quản lý quy hoạch vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu có yếu kém, khuyết điểm của chính quyền và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo ông Thế, do nuôi tôm hùm đem lại nguồn lợi lớn nên người dân đã tự phá vỡ quy hoạch, số lồng nuôi quá dày đặc và số con tôm trong lồng vượt quá giới hạn đã được khuyến cáo.
Ngoài ra, ông Thế cho biết đã chỉ đạo lấy rất nhiều mẫu ở vùng dịch bệnh, các nguồn thải trong khu vực, kể cả cơ sở chế biến hải sản mà dân nghi là xả thải trộm… để gửi đi phân tích tại các cơ quan chuyên môn.
Ông Thế cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia hỗ trợ tìm nguyên nhân khiến hơn 770.000 con tôm hùm nuôi tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) chết đột ngột.
Theo ông Phạm Kiên, chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, địa phương đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Yên hỗ trợ thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản ở Sông Cầu nhưng đến nay vẫn chưa có. Do chưa có quy hoạch chi tiết, địa phương chỉ mới tạm phân chia khu vực vịnh Xuân Đài thành sáu vùng để người dân nuôi tôm tạm thời, chứ chưa giao mặt nước khu vực này cho các hộ dân. Trong quá trình nuôi, do lo ngại dịch bệnh, người dân thường tự ý dịch chuyển vùng nuôi tạm thời này nhưng rất khó xử lý. |