28/11/2024

Lá phổi xanh của Bangkok bị đe doạ

Cù lao Bang Kachao, được mệnh danh là lá phổi xanh cung cấp hàng triệu tấn ô xy cho thủ đô Bangkok của Thái Lan, đang bị bóp nghẹt bởi xu hướng đô thị hoá.

 

Lá phổi xanh của Bangkok bị đe doạ

Cù lao Bang Kachao, được mệnh danh là lá phổi xanh cung cấp hàng triệu tấn ô xy cho thủ đô Bangkok của Thái Lan, đang bị bóp nghẹt bởi xu hướng đô thị hoá.




 

Mảng xanh rộng lớn ở Bang KachaoẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BANGKOK POST

Bang Kachao (hay Bang Krachao) có diện tích gần 20 km2 nằm trên sông Chao Praya, phía nam Bangkok. Ngoài là nơi bảo tồn hàng trăm loài cây và sinh vật, giới chuyên gia ước tính cù lao này hấp thụ 6.000 tấn CO2 hằng năm và mỗi ngày sản sinh 6 triệu tấn ô xy. Tạp chí Time (Mỹ) hồi năm 2006 từng vinh danh Bang Kachao là một trong số những “ốc đảo thành thị tốt nhất” châu Á. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang rất lo ngại tình trạng ngày càng nhiều người đến dụ dỗ người dân địa phương bán đất để xây nhà, khu du lịch…, có thể đe doạ nơi được mệnh danh là khu bảo tồn thiên nhiên cuối cùng cho Bangkok.
Bóp nghẹt lá phổi xanh
Từ năm 1977, chính phủ Thái Lan xác định Bang Kachao là khu bảo tồn thiên nhiên và đề ra nhiều luật lệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ các loài cây và sinh vật. Các công trình xây dựng tại đây không được phép cao vượt quá 12 m và không lớn hơn 25% diện tích mảnh đất. Các hoạt động thương mại bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên qua thời gian, cơn sốt phát triển đô thị đã lan tới cù lao. Với vị trí “vàng” và mảng xanh hiếm hoi giữa rừng bê tông của Bangkok, Bang Kachao lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư và giới giàu có.
Theo AFP, giá đất ngày càng bị đẩy lên, với một mảnh đất rộng 1.600 m2 giờ đây có giá khởi điểm khoảng 200.000 USD, so với cách đây 6 năm chỉ có 57.000 USD. Vì thế, nhiều người dân địa phương đã bán đất để vào thành phố sinh sống. “Tôi cũng tiếc lắm, nhưng dì tôi bị bệnh nặng, cần tiền để chữa bệnh”, bà Supi Saengta, người sống từ nhỏ ở Bang Kachao, nói. Bà đã bán mảnh đất của gia đình rộng 6.400 m2, với giá 24 triệu baht (685.000 USD). “Nhiều người dân địa phương đã bán đất cho giới giàu có ở Bangkok và người nước ngoài muốn xây khu nghỉ dưỡng tại đây”, một người dân địa phương tên Kaneungnij Chuenbooppha xác nhận.
Hơn nữa, các quy định về xây dựng cũng bị phớt lờ khiến mảng xanh của Bang Kachao dần bị bê tông hoá. “Nhiều chủ đầu tư phớt lờ quy định do có quan hệ mật thiết với người có thế lực. Họ cứ khăng khăng là có quyền xây dựng, phát triển mảnh đất theo ý mình”, ông Narong Duangdee, một quan chức chính quyền Bang Kachao, than thở. “Ở đây, mỗi ngày có vài công trình xây dựng. Sớm muộn gì những mảng xanh sẽ biến mất”, ông lo ngại. Bên cạnh đó, việc ồ ạt phát triển du lịch thiếu định hướng khiến Bang Kachao phải “gánh” hàng ngàn du khách. Các con kênh trên cù lao trở nên ô nhiễm, bị lấp đầy bởi chai nhựa và hộp xốp đựng thức ăn do du khách bỏ lại, theo kênh Channel News Asia. “Nhiều người rất vô ý thức. Hơn nữa, chúng tôi không có đủ thùng rác tại đây”, một người dân địa phương bức xúc nói khi đi nhặt vỏ chai nhựa dọc bờ sông.
Nỗ lực bảo vệ
Khi còn sống, Quốc vương Bhumibol Adulyadej từng tuyên bố quyết gìn giữ Bang Kachao cho thế hệ tương lai. Con gái ông là công chúa Sirindhorn cũng nhiều lần đến thăm cù lao này. “Nếu chúng ta không hành động, những mảng xanh, rừng đước ở Bang Kachao sẽ biến mất”, chuyên gia Montathip Sommeechai thuộc Đại học Kasetsart (Thái Lan) cảnh báo. Hồi tháng 10.2016, chính quyền Thái Lan công bố kế hoạch nhằm bảo vệ đặc tính hoang dã của Bang Kachao. Kế hoạch kéo dài 3 năm đặt mục tiêu tôn tạo mảng xanh và đảm bảo ít nhất 60% diện tích cù lao không bị bê tông hoá.
Tuy nhiên, một thách thức cho nỗ lực bảo vệ Bang Kachao là đảm bảo cuộc sống cho người dân địa phương. Theo AFP, nhiều người tuyên bố những quy định hạn chế phát triển để bảo tồn thiên nhiên trước đây khiến họ gặp nhiều khó khăn về sinh kế nên không còn cách nào khác là phải bán đất. “Chúng tôi cần được hỗ trợ ngân sách để vừa bảo tồn vừa phát triển lành mạnh. Nếu vấn đề này bị phớt lờ, Bang Kachao sẽ không còn là lá phổi xanh cho thủ đô”, quan chức Narong Duangdee nói.
Tương tự, tiến sĩ Saranarat Oy Kanjanavanit ở Tổ chức phi chính phủ Green World cho rằng chính phủ cần phải cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và tạo điều kiện cho người dân địa phương kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo ông, “chúng ta không thể nói suông và để cho người dân tự bảo tồn thiên nhiên. Chính phủ có thể áp dụng kế hoạch phát triển lâu dài, chẳng hạn phát triển điện mặt trời, áp dụng chương trình giảm thuế và miễn phí điện, nước cho các hộ gia đình”. Chuyên gia Montathip thì hiến kế phát triển nông nghiệp hữu cơ để Bang Kachao vừa là lá phổi vừa trở thành “ngân hàng thực phẩm sạch” cho Bangkok.
 

 

Phúc Duy