Giáo viên không coi thi ở điểm có học sinh của mình
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Giáo viên không coi thi ở điểm có học sinh của mình
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
19 trường CĐ, ĐH phía Nam tham gia chạy thử nghiệm, hoàn thiện phần mềm tuyển sinh (phần mềm lọc ảo) vào sáng 3-6 tại Đà Nẵng, do Bộ GD-ĐT tổ chức – Ảnh: Đoàn Cường |
Theo đó, trong kỳ thi này trách nhiệm của các địa phương sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với trước.
Ông Bùi Văn Ga khẳng định:
– Bộ GD-ĐT vừa tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở một số địa phương. Nhìn chung, các địa phương đều thể hiện trách nhiệm cao, vào cuộc quyết liệt, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-6.
Tăng cường giảng viên ĐH coi thi
* Qua kiểm tra công tác tổ chức thi của thứ trưởng, theo ông, đâu là vướng mắc khiến các địa phương băn khoăn nhất trong khâu tổ chức thi?
– Trong quá trình kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi, các đoàn công tác của bộ thấy các địa phương đã quán triệt rất kỹ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức kỳ thi cũng như quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi.
Việc bố trí, sắp xếp phòng thi cho thí sinh tự do thế nào cho thuận tiện là câu hỏi nhiều địa phương đặt ra. Bộ đã hướng dẫn các địa phương bố trí các điểm thi riêng đối với những thí sinh này, để thuận tiện cho việc tổ chức các bài thi tổ hợp. Các địa phương cũng quan tâm đến điều kiện bố trí chỗ ăn ở của giám thị ở những nơi cơ sở vật chất còn khó khăn.
Các trường ĐH được bộ cử về phối hợp đã quán triệt tinh thần cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ, chia sẻ khó khăn với địa phương.
Bộ cũng đã nhắc nhở các sở GD-ĐT phải lập danh sách giáo viên phổ thông tham gia coi thi theo nguyên tắc luân chuyển giáo viên, đảm bảo giáo viên không coi thi tại điểm thi có học sinh của trường mình. Đồng thời các sở cũng phải tăng cường tập huấn giáo viên làm công tác coi thi. Những giáo viên không tham gia tập huấn không được bố trí coi thi.
* Được biết, Bộ GD-ĐT đã có riêng một hướng dẫn gửi ban chỉ đạo thi các địa phương về công tác sao in đề thi do khối lượng công việc ở khâu này phức tạp và nặng nề hơn so với năm trước. Thứ trưởng có thể cho biết những vấn đề gì cần lưu ý để đảm bảo tránh sai sót?
– Mọi năm đề thi chỉ cần hoàn tất trước kỳ thi một tuần để thực hiện việc in sao. Năm nay do số lượng in sao nhiều hơn nên Bộ GD-ĐT sẽ chuyển đề thi cho các địa phương trước kỳ thi 12 ngày để các sở có thời gian đủ cho việc in sao.
Bộ đã công bố đề thi tham khảo hồi đầu tháng 5 để các sở GD-ĐT hình dung được khối lượng công việc sẽ thực hiện. Để tránh sai sót trong quá trình in sao, đóng gói đề thi, bộ đã có hướng dẫn chi tiết quy trình. Các sở cũng đã báo cáo điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện in sao và trên cơ sở đó bộ đã có những hướng dẫn cụ thể để công tác in sao được thực hiện đúng quy định.
Bộ cũng lưu ý địa phương đảm bảo bố trí khu vực in sao an toàn, bố trí ba vòng cách ly độc lập, chuẩn bị máy móc tốt, nhân lực thạo việc, được tập huấn kỹ để thực hiện việc in sao. Ngoài in sao đề thi, các địa phương cũng chủ động in phiếu trả lời trắc nghiệm theo đúng mẫu đã chuyển cho các sở, cùng với phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Đây là mẫu chung sử dụng cho tất cả các bài thi trên toàn quốc. Nếu sử dụng mẫu phiếu trả lời không chuẩn, phần mềm sẽ không đọc được gây trở ngại trong quá trình chấm thi.
Hơn 120 trường ĐH tham gia 2 nhóm tuyển sinh chung
* Với các nhóm tuyển sinh chung, bộ có chắc chắn việc tuyển sinh năm nay sẽ thuận lợi hơn, tránh được những bất cập ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh và quyền lợi của thí sinh?
– Tới thời điểm hiện tại, nhóm xét tuyển phía Bắc gồm có 52 trường ĐH từ Hà Tĩnh trở ra đã có văn bản xác nhận tham gia nhóm xét tuyển chung do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Nhóm xét tuyển phía Nam gồm có 72 trường đã xác nhận bằng văn bản tham gia nhóm do ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chủ trì.
Các nhóm xét tuyển chung dựa trên 3 nguyên tắc: các trường tự chủ hoàn toàn trong xác định điểm chuẩn, chỉ tiêu, danh sách thí sinh trúng tuyển; liên thông dữ liệu trong nhóm, khi một trường trong nhóm điều chỉnh các thông số xét tuyển thì các trường khác trong nhóm thấy được những tác động đến kết quả xét tuyển của trường mình để điều chỉnh cho phù hợp; bí mật thông tin, các trường trong nhóm chỉ biết được kết quả xét tuyển của trường mình, các trường khác không thấy.
Dựa trên các nguyên tắc này, các nhóm xét tuyển chung đã xây dựng quy trình xét tuyển/lọc ảo. Tổ kỹ thuật tuyển sinh của bộ đã xây dựng các phần mềm phục vụ xét tuyển/lọc ảo của các nhóm.
Hiện nay, hệ thống phần mềm xét tuyển/lọc ảo đã được chạy thử ở khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam để hoàn thiện lần cuối. Trước khi diễn ra kỳ thi, bộ sẽ tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác tuyển sinh của tất cả các trường ĐH về quy trình xét tuyển/lọc ảo và hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm tuyển sinh.
40.000 giảng viên tham gia Theo số liệu thống kê cuối cùng, tổng số thí sinh dự thi năm nay khoảng 866.000 thí sinh. Với 24 thí sinh/phòng thi, cả nước có trên 36.000 phòng thi. Mỗi phòng thi có một giảng viên ĐH, cộng với cả giảng viên tham gia giám sát, thì tổng số giảng viên ĐH được điều động về địa phương phối hợp tổ chức thi khoảng 40.000 người. Trước khi có số liệu thí sinh chính thức, bộ đã dự kiến điều động các trường ĐH về địa phương dựa trên số liệu học sinh lớp 12. Sau khi kết thúc đăng ký dự thi, bộ điều chỉnh lại số lượng giảng viên ĐH cho phù hợp theo yêu cầu của một số địa phương (như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Nghệ An…). |
3 giải pháp ngăn ngừa tiêu cực * Đây là năm đầu tiên kỳ thi được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT chủ trì, vậy Bộ GD-ĐT có giải pháp nào nhằm đẩy mạnh công tác kiểm soát, ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra? – Năm nay là năm đầu tiên các sở chủ trì tổ chức kỳ thi với hai mục đích (xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH). Tính khách quan và độ tin cậy của kết quả kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng. Quy chế đã đưa ra ba giải pháp để đảm bảo điều này. Thứ nhất, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm khác nhau, nhằm hạn chế tối đa việc quay cóp trong phòng thi. Thứ hai, thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ ngữ văn) và chấm bằng máy, loại trừ sự can thiệp chủ quan của người chấm. Thứ ba, mỗi phòng thi có một giáo viên phổ thông (làm nhiệm vụ tại điểm thi không có học sinh của trường mình) và một giảng viên ĐH để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình coi thi, đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn thanh tra các địa phương để hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra kỳ thi. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ có các đoàn thanh tra lưu động không báo trước để kịp thời chấn chỉnh những dấu hiệu tiêu cực nếu có ở các điểm thi. |