Thịt heo VietGAP giá 35.000 đồng/kg
Hơn 900kg thịt heo VietGAP giá 35.000 đồng/kg tại một cửa hàng ở TP.HCM được mua sạch trong gần ba giờ đồng hồ sáng 3-6. Nhiều người đến muộn tiếc hùi hụi vì không kịp mua thịt giá rẻ.
Thịt heo VietGAP giá 35.000 đồng/kg
Hơn 900kg thịt heo VietGAP giá 35.000 đồng/kg tại một cửa hàng ở TP.HCM được mua sạch trong gần ba giờ đồng hồ sáng 3-6. Nhiều người đến muộn tiếc hùi hụi vì không kịp mua thịt giá rẻ.
Thịt heo sạch giá rẻ “cháy hàng” ngay ngày đầu mở bán tại cửa hàng trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 3-6 – Ảnh: AN HẠ |
Nhiều chương trình “giải cứu thịt heo” được thực hiện bởi các doanh nghiệp, siêu thị thời gian qua.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mặt hàng thịt heo mới trở nên “nóng” như vậy nhờ giá rẻ, thấp hơn giá thịt “bình ổn” tại các siêu thị và chợ từ 20.000-40.000 đồng/kg, thậm chí có mặt hàng còn thấp hơn 70.000-80.000 đồng/kg!
Heo VietGAP giá rẻ “cháy hàng”
Sáng 3-6, chương trình thí điểm thịt heo giá 35.000 đồng/kg đã áp dụng đồng loạt ở hai điểm: tại đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) và chợ phiên nông sản an toàn do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức (nhà hàng Đông Hồ tại 195-197 Cao Thắng nối dài, quận 10).
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người đã chờ đợi từ sớm để được mua thịt với giá rẻ khi nghe thông tin về thịt heo sẽ hạ giá trong chương trình “giải cứu thịt heo”.
Nhân viên tại điểm bán thịt heo cho biết từ 6h30-9h, hơn 900kg thịt heo các loại được bày bán tại cửa hàng của công ty đã được tiêu thụ sạch. Nhân viên bán hàng mướt mồ hôi và bị bất ngờ khi khách hàng đến mua ủng hộ khá đông.
Theo bảng giá niêm yết ở đây, thấp nhất là mặt hàng giò heo và xương các loại với giá chỉ 35.000 đồng/kg, cao hơn một chút là thịt đùi, vai, nách, cốt lết 45.000 đồng/kg; sườn già 50.000 đồng/kg; nạc, ba chỉ 60.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 70.000 đồng/kg.
Mặt hàng có giá cao nhất là sườn non, đuôi heo với 85.000 đồng/kg. Nếu khách mua heo dạng mảnh thịt đùi trước, đùi sau chỉ phải trả 40.000 đồng/kg và thịt ba rọi 55.000 đồng/kg.
Nếu so với giá của các siêu thị và cửa hàng bán thịt heo trên thị trường, mức giá tại điểm bán này thấp hơn từ 20.000-40.000 đồng/kg.
Khảo sát tại một số siêu thị và cửa hàng bán thịt heo cho thấy giá vẫn còn neo ở mức cao khoảng 58.000-120.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại cửa hàng Vissan đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), giá thịt chân giò, xương các loại dao động từ 58.000-63.000 đồng/kg; thịt đùi, nách, cốt lết 71.000-77.000 đồng/kg; ba rọi 82.000 đồng/kg; sườn non, đuôi heo 130.000-158.000 đồng/kg…
Tương tự, tại siêu thị ở Q.7, thịt ba rọi trong chương trình khuyến mãi giảm giá 10-15% cũng đã lên 84.000 đồng/kg, nếu loại rút sườn thì 104.000 đồng/kg, cốt lết 73.500-90.400 đồng/kg, thịt đùi 73.500-88.000 đồng/kg, thịt heo xay 81.500-86.400 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hậu (đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh), một khách may mắn mua được hơn 4kg thịt các loại với giá chưa đến 200.000 đồng, cho biết rất bất ngờ với giá thịt heo bán tại đây dù đạt chuẩn VietGAP.
“Tôi đọc báo thấy thông tin giá heo giảm sâu gần mấy tháng nay nhưng giá ở siêu thị, chợ vẫn còn cao, nhiều loại thịt còn ở mức 60.000-100.000 đồng/kg” – chị Hậu nói.
“Chúng tôi bán đúng giá trị thực”
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, cho biết đây là buổi sáng đầu tiên bán thịt heo với giá rẻ hơn ngoài thị trường 60% của doanh nghiệp. Nguồn thịt chính chủ yếu từ các nông dân, trang trại nuôi heo VietGAP tại huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Theo bà Thắm, mức giá này không phải bán phá giá mà chỉ là bán đúng giá trị thực của mặt hàng này và công ty vẫn lời ở mức 100.000 đồng/con sau khi trừ các chi phí.
“Chúng tôi chỉ đang giảm lợi nhuận lại so với trước để chung tay ủng hộ người nuôi heo vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện tại công ty sẽ cố gắng duy trì giá rẻ đến khi giá bình ổn trở lại, các hộ nông dân không còn cần giải cứu nữa” – bà Thắm giải thích.
Theo bà Thắm, công ty đang lên kế hoạch kêu gọi hộ dân nếu có những mặt bằng ở khu đông dân cư cho thuê nhờ vài tháng trong giai đoạn này để triển khai việc bán thịt heo giá rẻ.
Thậm chí, công ty sẽ sẵn sàng để thịt trong xe đông lạnh chở thẳng tới các xí nghiệp để bán trực tiếp cho các công nhân được mua thịt heo sạch VietGAP với giá rẻ.
“Sáng giờ nhiều người điện thoại tới nói có nghe thông tin này mà ở xa không mua được. Nhiều người hối triển khai về Q.2, Q.5… Nếu thịt không đưa vào chợ được thì đưa ra ngoài bán, người ta sẵn sàng tới mua ủng hộ” – bà Thắm nói.
Trước mắt, công ty sẽ tăng 50% lượng heo mà công ty đang giết mổ, hiện tại bà con nông dân rất cần bán heo ra nhưng giá thịt heo bán ngoài thị trường neo quá cao. Người tiêu dùng muốn ủng hộ nhưng giá còn cao nên dè dặt chi tiền mua.
“Bắt đầu từ ngày mai, nếu người tiêu dùng có nhu cầu, sức mua khả quan thì sẽ mổ thêm để bán buổi chiều” - bà Thắm nói.
Nhiều người tiếc vì không mua được thịt heo giá rẻ của VietGAP – Ảnh: An Hạ |
Vì sao thịt “bình ổn” vẫn neo giá cao?
Trong khi đó, dù nhiều chương trình “giải cứu” người chăn nuôi heo được triển khai do giá heo hơi rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, nhưng tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM, người tiêu dùng vẫn mua thịt heo với giá cao.
Chẳng hạn, hệ thống Vissan từng công bố giảm giá các mặt hàng thịt bình quân 10%, nhưng thực tế giá thịt heo các loại của đơn vị này vẫn cao hơn 20.000-40.000 đồng, thậm chí cao hơn 70.000 đồng/kg (sườn non) so với giá của Công ty An Hạ đưa ra trong sáng 3-6.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Vissan, cho rằng giá thịt heo mà công ty đang áp dụng hiện nay (đã giảm 10%) gần như mức lãi ít nên khó có thể giảm thêm.
Lý giải giá bán thịt heo vẫn đứng ở mức cao, ông An cho biết công ty đang phải chi chiết khấu cho các đơn vị bán hàng 9%, có những điểm lên 11%, ngoài ra còn chịu thuế VAT 5%.
“Nhiều người nói giá heo hơi 20.000 đồng/kg mà chúng tôi bán ra 70.000 đồng/kg, nghĩa là lời 50.000 đồng/kg, không chính xác” – đại diện Vissan nói.
Theo đại diện Vissan, heo giết mổ nặng 100kg tỉ lệ thu hồi chỉ còn 75kg, sau khi pha lóc, 40% của số ký này mới ra được thành phẩm.
Giá thịt heo đến tay người tiêu dùng hiện nay sau khi trừ một loạt chi phí như quản lý bán hàng (17%), hao hụt làm lạnh (2%), chi phí hàng trả về (3,5%), truy xuất nguồn gốc (0,5%), hao hụt bán hàng (2%)… khiến chi phí phát sinh của thịt heo Vissan lên đến 25%.
Với bảng chiết tính giá thành theo giá heo hơi 26.500 đồng/kg, Vissan chỉ lãi ròng khoảng 3,3%, tương đương 1.760 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết sở đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị các công ty như Vissan, Satra… giảm giá thêm mà chưa thấy động tĩnh gì.
“Sở hoàn toàn ủng hộ và nhận thấy cần nhân rộng việc giải cứu thịt heo giá rẻ của Công ty An Hạ. Nếu các công ty có hệ thống phân phối lớn tham gia giải cứu như An Hạ sẽ cung ứng được nhiều hơn cho người tiêu dùng, khả năng mua heo cho người nông dân sẽ nhiều hơn nữa” – ông Trung nói.
Sẽ có thêm nhiều điểm bán thịt heo giá rẻ Ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, khẳng định sắp tới sở sẽ tìm kiếm mặt bằng hỗ trợ mở rộng chương trình giải cứu thịt heo, trước mắt nằm trong khuôn khổ chợ phiên. Khuyến khích giữa các doanh nghiệp với nhau chia sẻ mặt bằng, có thêm nhiều điểm phân phối bán thịt heo giải cứu hơn chứ hiện tại TP.HCM còn quá ít. Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi, hiện còn một lượng heo trọng lượng từ 100-150kg/con tại các cơ sở chăn nuôi ở nhiều địa phương. Ước tính tổng số heo tồn đọng còn hơn 200.000 tấn. |
Nông dân ủng hộ Khi nghe qua mức giá Công ty An Hạ đang bán, ông Nguyễn Văn Tâm – chủ trại heo VietGAP với hơn 200 con tại huyện Củ Chi – cho rằng giá thịt 35.000 đồng/kg là tương xứng với giá bán heo hơi 21.000-25.000 đồng/kg. Theo ông Tâm, dù rầm rộ việc “giải cứu” nhưng giá thịt heo ngoài thị trường vẫn ở mức cao, một phần do thương lái ăn dày 2-3 khâu. “Có nhiều người nuôi tự mổ heo bán 100.000 đồng/3kg, tức là khoảng 33.000 đồng/kg, trong khi công ty bán giá 35.000 đồng/kg là quá tốt cho người tiêu dùng rồi” – ông Tâm nói. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng nếu tình trạng giá heo hơi thấp kéo dài như hiện nay, người chăn nuôi không thể trụ vững được. |