Kết thúc ngày đầu tiên thi vào lớp 10 tại TP.HCM với 2 môn ngữ văn và ngoại ngữ, hầu hết giáo viên, học sinh đều hài lòng với cách ra đề và cảm thấy khá nhẹ nhàng, vì đề thi không quá nặng về kiến thức hàn lâm mà thiên về mục tiêu đánh giá năng lực học sinh.
Ngày đầu thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Đề thi thật sự đổi mới
Kết thúc ngày đầu tiên thi vào lớp 10 tại TP.HCM với 2 môn ngữ văn và ngoại ngữ, hầu hết giáo viên, học sinh đều hài lòng với cách ra đề và cảm thấy khá nhẹ nhàng, vì đề thi không quá nặng về kiến thức hàn lâm mà thiên về mục tiêu đánh giá năng lực học sinh.
Nhiều giáo viên (GV) đánh giá với đề thi lớp 10 năm 2017, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực sự đổi mới và giữ đúng lời hứa là đề thi đảm bảo học sinh (HS) không cần học thêm mà chỉ cần học bài, ôn tập nghiêm túc là có thể đạt điểm trung bình.
Em Vũ Minh Quân (Học sinh Trường THCS Trần Phú) cho rằng đề tiếng Anh dễ. Bản thân Quân không thi chuyên Anh nhưng cũng cảm thấy đề nằm trong tầm kiểm soát.
Ông Hoàng Long Trọng, GV môn ngữ văn Trường THCS Văn Lang (Q.1), nhận xét: “Đề văn tập trung vào những kiến thức trọng tâm của chương trình ngữ văn lớp 9. Với đề này, HS có cơ hội trình bày những quan điểm, lối suy nghĩ riêng”.
Cũng theo ông Trọng, đề văn này điểm 5 không khó nhưng điểm 8, 9 thì không dễ. Ông Trọng phân tích: “Ở phần nghị luận văn học, đề số 1 kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa và vẫn là kiểu đề như mọi năm nhưng mở ra 2 hướng liên hệ cho HS hoặc liên hệ văn bản khác hoặc thực tế đời sống. Đề thứ 2 trong phần nghị luận văn học chính là điểm mới của kỳ thi tuyển sinh năm nay, mở ra nhiều hướng lựa chọn cho HS. Câu hỏi nằm ngoài chương trình và kiểu dạy truyền thống lâu nay của GV để HS thi tuyển sinh. Câu hỏi này có thể khai thác thế mạnh của HS như khả năng đọc, năng lực viết, khả năng tổng hợp các vấn đề từ một tác phẩm bất kỳ mà HS đọc. Kiểu đề này cần được khuyến khích để HS khi học văn sẽ không bị quá áp lực về kiến thức”.
Ông Trọng cho rằng: “Kiểu ra đề như thế này có lẽ cũng đang đi đúng định hướng đổi mới sách giáo khoa môn ngữ văn”.
Tương tự, bà Lê Thị Hiệp, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), chia sẻ: “Đề thi môn ngữ văn nhìn chung là hay. Tất cả các câu hỏi đều hướng về mục tiêu phát triển năng lực HS khiến không khí thi cử trở nên khá nhẹ nhàng”.
Chiều nay 2.6, thí sinh tiếp tục dự thi môn tiếng Anh (thời gian làm bài 60 phút) kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM. Thanh Niên Online cập nhật gợi ý giải đề thi của môn thi này để phục vụ bạn đọc.
Nhiều học sinh sẽ đạt điểm 9 – 10 môn tiếng Anh?
Doãn Lê Vũ Anh, HS Trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình), cho biết: “Đề thi môn tiếng Anh hoàn toàn vừa sức với HS. Phần lớn câu hỏi trong đề đều nằm trong chương trình THCS. Với đề thi này, em tự tin tới 99%”.
Vũ Minh Quân, HS Trường THCS Trần Phú (Q.Tân Phú), cũng cho rằng đề tiếng Anh rất dễ. Với 36 câu hỏi trong đề thi, HS khá, giỏi không cần hết 60 phút để làm xong. Quân cũng khẳng định mình làm đúng hơn 90% đề bài này.
Còn theo Nguyễn Trần Nhật Lan, dự thi tại Trường THCS Colette (Q.3), đề có nhiều đoạn văn, câu hỏi liên quan đến đời sống thực tiễn như tác hại của điện thoại di động đến môi trường sống, sự nguy hiểm của việc chơi Pokemon Go ngoài đường…
Theo giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân, so với năm trước, đề thi môn văn năm nay không khó và hay hơn.
Bà Trần Trúc Linh, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp), nhận định đề thi tương đối dễ so với HS vì phần lớn kiến thức nằm trong chương trình học.
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú) và ông Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) đều nhận xét đề thi có độ phân hoá rõ ràng. HS có học lực trung bình có thể đạt 5 điểm, khá đạt từ điểm 7 trở xuống và HS giỏi sẽ đạt 8 đến 10.
Điểm chuẩn sẽ biến động theo tốp trường
Với mức độ yêu cầu của đề thi tương đương năm trước, hầu hết GV nhận định có thể điểm chuẩn sẽ biến động theo khu vực, do tác động từ chỉ tiêu và số lượng HS đăng ký nguyện vọng.
Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), phân tích kỳ tuyển sinh 2016, TP.HCM có chưa đến 69.000 thí sinh dự thi với chỉ tiêu xét tuyển là gần 63.000. Như vậy, số thí sinh không trúng tuyển vào khoảng 6.000 và điểm chuẩn vào các trường đều giảm. Tuy nhiên, năm nay có khoảng 73.000 thí sinh, chỉ tiêu vẫn là 63.000, sẽ có khoảng 10.000 thí sinh không trúng tuyển nên mặt bằng điểm chuẩn sẽ biến động.
Ông Minh dự đoán điểm chuẩn sẽ biến động nhiều ở những trường giảm chỉ tiêu. Đề thi không khó hơn, nhiều HS làm bài được nên những trường ở tốp giữa sẽ tăng sức cạnh tranh như: Hùng Vương, Marie Curie, Ngô Quyền… Những trường có điểm chuẩn từ 25 trở xuống sẽ không thay đổi. Ở các trường tốp đầu như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Trần Phú… do chỉ tiêu không thay đổi nhiều so với năm trước nhưng đề thi lại tương đương nên có thể điểm chuẩn sẽ thay đổi nhưng không nhiều.
Sáng nay 2.6, thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với môn ngữ văn (120 phút). Thanh Niên Online cập nhật gợi ý giải đề thi của môn thi này để phục vụ bạn đọc.
Một GV tại Q.Tân Phú cho biết: “Đề thi có tính phân hoá nên điểm thi của HS có học lực khá giỏi sẽ có khoảng cách với những HS còn lại. Do vậy, điểm chuẩn của những trường tốp đầu sẽ nhích lên một ít. Trong đó, điểm vào Trường Trần Phú sẽ tăng cao hơn các trường khác vì năm nay chỉ tiêu giảm nhiều hơn”. Một GV tại Q.3 phân tích khi đăng ký nguyện vọng, nhiều HS muốn “chắc ăn” đã lựa chọn nguyện vọng 1 vào các trường tốp 2 như: Nguyễn Trãi, Marie Curie, Hùng Vương… nên điểm chuẩn tốp trường này sẽ thay đổi nhiều.
Chỉ tiêu vào lớp 10 mỗi năm mỗi giảm nên độ cạnh tranh ngày càng tăng. Trường tốp đầu, điểm chuẩn từ 35 trở lên, chỉ HS học lực giỏi mới đăng ký nên không ảnh hưởng nhiều. Còn lại, việc giảm chỉ tiêu áp lực sẽ dồn nhiều về những trường có điểm chuẩn từ 25 đến 15.
Đề văn hay
Với thời gian làm bài 120 phút, gồm 3 câu hỏi, có thể nói đề thi môn văn hợp lý từ cấu trúc, thang điểm cho đến nội dung yêu cầu. Đề không có gì đánh đố, bất ngờ, vừa sức và đảm bảo tính phân loại thí sinh với nhiều câu hỏi mở nhằm chủ yếu đánh giá kỹ năng.
Ở câu 1 (3 điểm), mặc dù đề cho 2 văn bản bàn về sự ngưỡng mộ thần tượng và nỗ lực vượt qua thần tượng (nguồn từ Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ) song không quá dài, quá khó. Câu 2 (3 điểm) đề cho khá đơn giản: “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?”, có ý nghĩa thời sự, gần gũi với HS.
Nhìn chung đề văn hay, có nhiều hình ảnh minh hoạ thú vị, tạo được hứng thú cho HS khi làm bài, bàn về nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội và giáo dục sâu sắc với giới trẻ.