18/11/2024

Bỏ nghề ngay khi thực tập

Trong khi nhu cầu giáo viên mầm non ngày càng tăng thì nhiều sinh viên đang học ngành này bỏ cuộc giữa chừng khi đi thực tập, dẫn đến việc tại nhiều trường trung cấp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này chỉ đạt 10 – 30%.

 

Bỏ nghề ngay khi thực tập

Trong khi nhu cầu giáo viên mầm non ngày càng tăng thì nhiều sinh viên đang học ngành này bỏ cuộc giữa chừng khi đi thực tập, dẫn đến việc tại nhiều trường trung cấp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này chỉ đạt 10 – 30%.



 

Sinh viên ngành sư phạm mầm non Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM trong kỳ thực tậpẢNH: V.S

Vào nhiều, ra ít
Khi đi thực tập đợt đầu tiên tại một trường mầm non, T.H (Trường trung cấp Đông Dương) tiếp xúc với nhiều tình huống dở khóc dở cười như trẻ khóc dỗ hoài không nín, tè dầm, không chịu ăn, lì lợm… Cảm thấy làm giáo viên (GV) mầm non quá khó, T.H bèn nghỉ học.
Đó là một trong nhiều trường hợp của ngành sư phạm mầm non, biết mình không đáp ứng được yêu cầu của nghề, sinh viên (SV) bỏ ngang, khiến số lượng tốt nghiệp ngành này so với đầu vào vô cùng thấp. 

 
 
Bỏ nghề ngay khi thực tập - ảnh 2
Nếu không tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn, các em chắc chắn sẽ không thể theo học đến cùng. Hoặc cho dù tốt nghiệp mà không có những tố chất cần thiết của một giáo viên mầm non thì các em cũng khó lòng trở thành giáo viên tốt
Bỏ nghề ngay khi thực tập - ảnh 3
 
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM)
 


Theo nội dung tờ trình đề xuất chính sách thu hút và giữ chân GV mầm non của UBND TP.HCM mới đây, SV học ngành giáo dục mầm non nhập học các hệ đào tạo với số lượng khá lớn, nhưng số SV tốt nghiệp lại rất thấp, đặc biệt là trình độ trung cấp sư phạm. Cụ thể, năm 2012 có 3.574 người nhập học nhưng đến năm 2014 chỉ có 299 SV tốt nghiệp, tỷ lệ chưa đầy 10%. Năm 2013 có hơn 4.000 SV nhưng đến 2015 chỉ có hơn 1.000 người ra trường. Năm 2016 có gần 2.000 người tốt nghiệp trên tổng số 4.290 SV đầu vào. Tính trung bình qua các năm, hiệu suất đào tạo chỉ đạt 28%. Nếu tính cả ĐH, CĐ, TC thì tỷ lệ tốt nghiệp so với đầu vào chỉ đạt 30 – 50% tùy từng năm.
Ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết hiện nay có khoảng 15 trường CĐ, TC và 2 trường ĐH có đào tạo ngành này. Tuy nhiên, bậc ĐH mỗi năm chỉ tuyển sinh khoảng 400 SV, CĐ cũng vậy, nên ngành học này chủ yếu tập trung ở bậc TC và tình trạng học dở dang chủ yếu xảy ra ở bậc này.
Lý giải cho tỷ lệ tốt nghiệp thấp, hiệu trưởng một trường TC có đào tạo ngành sư phạm mầm non tại TP.HCM nhìn nhận: “Khi các em đăng ký vào là học ngay chứ không phải thi năng khiếu. Vì vậy, nhiều em chọn chỉ vì nghĩ rằng học ra sẽ dễ kiếm việc làm, mà không biết nghề này đòi hỏi rất nhiều tố chất. Khi vào học được một thời gian, cảm thấy mình không phù hợp, nhiều em nghỉ để tìm ngành khác. Trong khi đó, để thi vào ngành này bậc CĐ hay ĐH, thí sinh phải thi các môn năng khiếu như đọc – kể chuyện, hát…”.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho hay một số SV không vượt qua được các môn như múa, vẽ, chăm sóc trẻ… do tính cách không phù hợp, nên đành tạm dừng.
T.H, nhân vật nêu ở đầu bài viết, cho biết: “Tính cách em nóng nảy, lại thích tự do nên không phù hợp với những gì có tính mô phạm hay khuôn khổ, em cũng không phải là người kiên trì, nhẫn nại”.
Phải kiên nhẫn và có lòng yêu trẻ
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, cho rằng GV mầm non là một nghề có tính đặc thù, là người dạy trẻ những bài học đầu tiên của cuộc đời, người ươm mầm nhân cách cho trẻ. Đặc điểm của nghề này, ngoài chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bạn trẻ phải có lòng yêu trẻ và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; biết vị tha, chu đáo, gần gũi và nâng niu trẻ em.

“Nếu không tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn, các em chắc chắn sẽ không thể theo học đến cùng. Hoặc cho dù tốt nghiệp mà không có những tố chất cần thiết của một GV mầm non thì các em cũng khó lòng trở thành GV tốt”, ông Sáng nhận định.

Thời gian và cường độ làm việc của GV mầm non rất áp lực. Trung bình mỗi GV cần dành 10 giờ/ngày để thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ và quản lý nhóm, lớp.
Do đặc thù công việc, GV phải đi sớm để làm vệ sinh lớp, đồ dùng cá nhân trẻ hằng ngày, chuẩn bị đón trẻ, buổi chiều thường phải về trễ. Ngoài ra, áp lực công việc còn tăng thêm khi phải tham gia thường xuyên các hoạt động khác.
“Những điều đó các bạn trẻ cần tìm hiểu thật kỹ để tránh tình trạng vào học rồi bỏ ngang. Hiện nay thành phố đang thiếu rất nhiều GV mầm non, do vậy các bạn không bao giờ phải lo tình trạng thất nghiệp”, bà Lê Thị Thanh Nga, Trưởng khoa Sư phạm mầm non, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, cho biết.
Mỗi năm thiếu khoảng 500 giáo viên
Năm học 2014 – 2015, TP.HCM cần 1.837 GV thì chỉ tuyển được 1.335, thiếu 502 GV. Năm học 2015 – 2016 thiếu 371 GV, năm 2016 – 2017 thiếu 623 GV. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng hơn 1.000 GV mầm non ra khỏi hệ thống.
Như vậy, với quy mô trẻ/nhóm, lớp và nhu cầu 2 GV mầm non/nhóm, lớp hiện tại, sau khi tuyển thêm, mỗi năm thành phố vẫn thiếu khoảng 500 GV để đạt theo quy định. Trung bình mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 1.466 người trong khi cần 1.965 người.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết do nhu cầu GV mầm non tăng mạnh trong những năm gần đây nên Sở cấp phép cho nhiều trường TC đào tạo để dần đáp ứng về số lượng.


Mỹ Quyên