Dù ở trung tâm hay ngoài vỉa hè, giá đắt hay rẻ, điểm chung của các quán trà sữa là đều gắn mác ngoại như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông… Các “tín đồ” của thức uống này cũng chẳng quan tâm yếu tố ngoại trong ly trà sữa là gì.
Bát nháo thị trường nguyên liệu trà sữa
Dù ở trung tâm hay ngoài vỉa hè, giá đắt hay rẻ, điểm chung của các quán trà sữa là đều gắn mác ngoại như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông… Các “tín đồ” của thức uống này cũng chẳng quan tâm yếu tố ngoại trong ly trà sữa là gì.
Dù ở trung tâm hay ngoài vỉa hè, giá đắt hay rẻ, điểm chung của các quán trà sữa là đều gắn mác ngoại như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông… Các “tín đồ” của thức uống này cũng chẳng quan tâm yếu tố ngoại trong ly trà sữa là gì.
Xếp hàng mua trà sữa
Dọc tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) chưa đầy 700 m có tới gần chục quán trà sữa lúc nào cũng đông khách. Các bạn trẻ dạo quanh phố đi bộ vào buổi tối, trên tay là ly trà sữa Phúc Long, Tiên Hưởng… Đặc biệt, một thương hiệu đang làm mưa làm gió trên thị trường trà sữa là “hiện tượng Share Tea”.
Phong trào uống trà sữa nở rộ trở lại kéo theo các chợ, cửa hàng trên mạng rao bán nguyên liệu trà sữa mà xuất xứ hoàn toàn do người bán giới thiệu. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải siết chặt hơn nữa vấn đề nguồn gốc hàng hoá.
Gọi là hiện tượng bởi kể từ khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại VN hồi tháng 3, thương hiệu được mệnh danh “trà sữa số 1 Đài Loan” này lúc nào cũng trong tình trạng khách kiên nhẫn xếp hàng dài chờ mua. Thuỳ Linh, du học sinh Úc, một khách hàng thường xuyên của Share Tea, chia sẻ: “Chưa uống Share Tea thì coi như chưa biết trà sữa Đài Loan (?). Thương hiệu này chinh phục cả những thị trường không ưa trà sữa như Úc, Mỹ, Singapore.
Việc phải kiên nhẫn xếp hàng dài để có được một ly trà sữa nhưng thỏa mãn cái miệng cũng xem như một thú vui”. Tuy mức giá khá cao, từ 40.000 – 80.000 đồng/ly tuỳ loại nhưng Share Tea luôn thu hút đông người sẵn sàng xếp hàng mua. Với một số bạn trẻ, việc cầm trên tay ly trà sữa thương hiệu quốc tế như một cách khẳng định bắt kịp trào lưu. Bởi vậy, các thương hiệu trà sữa Gong Cha, Ding Tea, Bobapop, Tiên Hưởng… một thời làm mưa làm gió khi du nhập vào VN tới nay vẫn ăn nên làm ra.
Không chỉ trà sữa có thương hiệu, ở phân khúc dưới, các cửa hàng trà sữa lề đường cũng làm ăn khấm khá. Những quán trà sữa Thái Lan, Đài Loan có giá chỉ 18.000 – 25.000 đồng cho một ly cỡ lớn, nhiều trân châu. Thay vì khách gọi ly nào pha ly ấy như các quán có thương hiệu, trà sữa bình dân được pha sẵn, để vào một bình lớn hoặc can nhựa. Khách chọn xong chỉ việc đổ ra ly, thêm trân châu, thêm đá, cũng không cần lắc, trộn, tất cả quy trình chưa đầy 3 phút. Chị T., chủ quán trà sữa tại gia trên đường Nguyễn Hữu Hào (Q.4), giải thích gọi là trà sữa Thái vì nguyên liệu trà, bột kem đều nhập từ Thái Lan. Tương tự, trà sữa Đài Loan thì nhập nguyên liệu từ Đài Loan. Trà sữa Đài Loan có trân châu, còn trà sữa Thái thì không. “Nhưng khách yêu cầu thì vẫn để trân châu, về cơ bản Thái hay Đài Loan đều thế cả, không khác nhau là mấy”, chị T. cho hay.
“Chợ” nguyên liệu Bình Tây
Hầu hết các quán trà sữa dù có thương hiệu hay bình dân đều gắn mác ngoại cho sản phẩm và khẳng định nguyên liệu, cách pha chế “chuẩn ngoại”. “Chuẩn” ra sao người mua thật khó kiểm chứng. Trong khi đó, có một thực tế đang diễn ra là chợ bán nguyên liệu trà sữa ở Bình Tây và bán trên online lại vô cùng tấp nập.
Theo chỉ dẫn của chị T., chúng tôi tìm đến chợ Bình Tây (Q.6), nơi được giới thiệu “cái gì cũng có” để chế biến trà sữa. Cả một dãy sạp dài chuyên bán sỉ và lẻ mứt trái cây chế biến, sạp nào cũng có sẵn trọn bộ nguyên liệu từ trân châu, bột sữa, bột trà, bột trà sữa hoà tan… và xuất xứ cũng hết sức đa dạng, từ Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật… Tất cả được xếp chồng chất, giá bán rất rẻ.
Đơn cử, một gói bột kem béo, được giới thiệu là sữa New Zealand 500 gr chỉ có giá 23.000 đồng; bịch trân châu trắng 1 kg giá 17.000 đồng; gói trà Thái được chị chủ hàng giới thiệu là loại tốt nhất cũng chỉ 45.000 đồng cho 200 gr. Hỏi về nguồn gốc của một gói bột kem có in chữ “Thái Lan” ở ngoài bao bì, chị này cho biết: “Thái Lan chỉ là tên nhãn hiệu vậy thôi chứ các nguyên liệu hoàn toàn sản xuất tại VN”. Cũng gói bột kem này, đem hỏi sạp kế bên thì nhận được câu trả lời: “Ghi Thái thì là của Thái, ghi Nhật là của Nhật. Đều là hàng nhập hết”.
Một người bán trà sữa ở Q.4 cho biết, chợ Bình Tây là nguồn mua nguyên liệu của hầu hết các quán trà sữa lề đường hiện nay. “Còn trà sữa nước ngoài họ nói nhập nhưng tôi nghĩ cũng rất khó kiểm chứng”, anh này nói. Trong vai người đi mua nguyên liệu để chuẩn bị mở quán trà sữa bình dân, chúng tôi được một chị bán hàng ở chợ Bình Tây “gom” cho một bịch “đủ làm 100 ly trà sữa” giá chỉ hơn 200.000 đồng. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/ly, bỏ ra 200.000 đồng có thể thu về 2 triệu, trừ hết tiền công cán thì bán trà sữa hiện nay đúng là “lợi nhuận khủng”.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng nguyên liệu Trung Quốc đã và đang tấn công loại thức uống thịnh hành này. Năm ngoái, các tín đồ trà sữa trong nước từng hốt hoảng trước thông tin về trà sữa trân châu siêu rẻ ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Loại trân châu này không dùng sữa, trà hay bất cứ hoa quả nào mà chỉ dùng các loại chất tạo màu, tạo mùi cộng với hạt trân châu giả làm từ một loại bột hóa học cao phân tử. Sau đó, quản lý thị trường trong nước cũng bắt nhiều vụ vận chuyển nguyên liệu trà sữa không nhãn mác, nguồn gốc từ Trung Quốc vào VN, nên có thời gian trà sữa đã bị lãng quên. Tuy nhiên thời gian gần đây, phong trào trà sữa đã có sự trở lại ngoạn mục.
Mỗi ly được pha chế bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc với giá thành chỉ 2.000 đồng đang thực sự gây nguy hại đến sức khoẻ cho rất nhiều trẻ em, giới trẻ, những “tín đồ” của món trà sữa trân châu.
Theo đánh giá của nhiều khách hàng, nếu chỉ uống trà sữa truyền thống thì vị không khác nhau nhiều. Yếu tố phân biệt duy nhất là độ nổi của thương hiệu. Còn chất lượng dịch vụ, nguyên liệu vẫn hoàn toàn nằm trong việc “tự giới thiệu” của người bán hàng.
Chúng tôi được một chị bán hàng ở chợ Bình Tây “gom” cho một bịch “đủ làm 100 ly trà sữa” giá chỉ hơn 200.000 đồng. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/ly, bỏ ra 200.000 đồng có thể thu về 2 triệu, trừ hết tiền công cán thì bán trà sữa hiện nay đúng là “lợi nhuận khủng”