18/11/2024

Người trẻ đứng lên sau thất bại

Thất bại lớn sau lần khởi nghiệp đầu tiên, chị Võ Ngọc Hoàng Giang (34 tuổi, quê Bình Định) tưởng chừng rớt xuống hố sâu tuyệt vọng. Vậy mà chỉ vài tháng sau, chị đã mày mò gầy dựng thương hiệu khá ấn tượng: Gỏi trái cây nhiệt đới.

 

Người trẻ đứng lên sau thất bại

Thất bại lớn sau lần khởi nghiệp đầu tiên, chị Võ Ngọc Hoàng Giang (34 tuổi, quê Bình Định) tưởng chừng rớt xuống hố sâu tuyệt vọng. Vậy mà chỉ vài tháng sau, chị đã mày mò gầy dựng thương hiệu khá ấn tượng: Gỏi trái cây nhiệt đới.




Chị Võ Ngọc Hoàng Giang (phải) phục vụ món gỏi trái cây cho thực kháchẢNH: NHƯ LỊCH

Bài học “xương máu” về khởi nghiệp
Đang làm trưởng phòng marketing cho một công ty chuyên cung cấp dụng cụ chăm sóc sắc đẹp nổi tiếng tại TP.HCM, Võ Ngọc Hoàng Giang (thạc sĩ quản trị kinh doanh) quyết định rẽ hướng cuộc đời.

Chị cho biết mình đã làm công ăn lương tại công ty này suốt 10 năm nên dễ có sức ì. Hơn nữa, chị luôn đam mê mảng giáo dục, đào tạo các kỹ năng mềm và kiến thức quản trị kinh doanh cho những người trẻ.
Vì vậy, giữa năm 2016, chị đã bỏ ngang công việc ổn định, thu nhập cao và cả số cổ phần ưu đãi trong công ty để ra ngoài mở một trung tâm chuyên về đào tạo kỹ năng mềm và tiếng Anh giao tiếp. Tuy nhiên, lần khởi nghiệp đầu tiên này không thành công, để lại cho chị bài học “xương máu”.
“Toàn bộ tài sản tôi dành dụm được trong thời gian đi làm, cộng với số tiền vay mượn của người thân, bạn bè, tôi đều dốc hết để mở trung tâm. Tôi thuê tòa nhà to đùng 5 tầng ở Q.1 làm chỗ giảng dạy và thuê 100% giáo viên là người bản ngữ. Nhưng chỉ sau vài tháng, tôi thấy không thể cầm cự nổi bởi học viên quá ít ỏi”, Hoàng Giang xót xa.
Vì sao thất bại? Chị Giang nhìn nhận: “Lúc đó, tôi máu lửa đến mức nghĩ rằng mình có cái tâm, có nhiệt huyết, kiến thức, kỹ năng, có tất cả thì không cớ gì mình không làm được. Nhưng rồi tôi vỡ lẽ điều cực kỳ quan trọng là mình đã định vị sai thị trường và đánh giá không đúng nhu cầu của xã hội”.
Hoàng Giang tâm sự tại thời điểm chị mở trung tâm, không ai ủng hộ chị. Ngược lại, họ cho là chị quá liều lĩnh. “Khi ấy tôi chỉ đọc các bài viết đề cập đến những yếu tố tạo nên sự thành công của một người khởi nghiệp. Rồi tôi cứ tự sướng là mình có đủ các thứ. Bạn bè tôi bảo lúc đó tôi giống như người lên đồng hoặc uống nhầm thuốc gì đấy!”, chị Giang thổ lộ.
Theo chị Giang, không nên chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình cho quá nhiều người xung quanh. Bởi lẽ, phần lớn mọi người đều muốn sự ổn định, không dám mạo hiểm, nên họ sẽ bàn ra. Tuy vậy, phải biết lắng nghe những chuyên gia, những người đi trước am hiểu vấn đề. Chị Giang cho rằng những người muốn khởi nghiệp ít nhất phải có kinh nghiệm. Nếu không, cần tìm một người cùng chí hướng, có kinh nghiệm để làm với nhau trong giai đoạn đầu.
Chị thừa nhận: “Trường hợp của tôi là quá cố chấp, ngựa non háu đá. Tôi không nghe lời khuyên của bất kỳ ai cả. Tôi nghĩ đó là đứa con tinh thần của mình, nên không muốn ai xen vô. Tôi thất bại vì tôi đi quá nhanh, làm ào ào mà thiếu xây dựng nền tảng từ bên dưới”.
Làm lại từ hai bàn tay trắng
Tiền bạc hầu như không còn. Tinh thần thì đang từ trên đỉnh cao phấn chấn rớt xuống vực sâu tuyệt vọng. Đó là hệ luỵ chị Hoàng Giang phải đối diện sau lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại. Chị cho hay trong giai đoạn đó, tổng giám đốc công ty cũ biết chuyện của chị đã gọi điện mời vào làm trợ lý cho ông. Một mặt, chị muốn nhận lời để có thể an tâm gỡ bớt khó khăn trước mắt. Nhưng mặt khác, chị nhận thấy ước mơ khởi nghiệp của mình vẫn còn cháy bỏng, nên chị ngại cảnh dùng dằng khó xử nếu sau này phải rời công ty lần nữa.
Người trẻ đứng lên sau thất bại - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa

Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, quê Đắk Nông) bị dị tật từ khi mới lọt lòng. Đôi bàn tay cong vẹo, bé xíu không cầm nắm được gì, đôi chân cũng nhỏ như những đứa trẻ lên 5. Thế nhưng cô đã tạo nên một kỳ tích.
Chị Giang trải lòng: “Nhiều lần tôi tự hỏi chẳng lẽ bây giờ mình bỏ cuộc, trở về con đường làm công ăn lương? Như thế thì tất cả cố gắng của mình, kể cả sự thất bại vừa qua đều trở thành vô nghĩa. Cho nên trong vòng 1 tháng, tôi sống chậm lại, suy nghĩ lại mọi thứ và tìm hướng đi mới chắc chắn hơn”.
Nhớ đến quãng thời gian làm dân văn phòng bận rộn, ăn uống thất thường, ký ức chị bỗng sống dậy món gỏi bưởi tôm thịt rất ngon mà trước đây gia đình chị thỉnh thoảng thết đãi khách. “Bưởi làm gỏi được thì tại sao những trái cây khác không làm được?”, Hoàng Giang thắc mắc.
Từ đó, chị ra chợ mua đủ loại trái cây tươi, cả sống lẫn chín để về làm thử. Thậm chí, ngay trái bơ, chị cũng “thí nghiệm” luôn. Rồi chị cân nhắc dùng những nguyên liệu như hến xào sả ớt, khô bò, khô mực, trứng, cá cơm, ruốc rang… để trộn vào cho phù hợp. Sau 1 tháng chủ yếu chỉ ăn gỏi để sống và nghiên cứu, cuối cùng chị chọn ra được khoảng 20 loại trái cây có thể làm gỏi. Không những vậy, chị còn nhờ bạn bè, người quen ăn thử và góp ý.
Từ cuối năm 2016 đến nay, chị đã xây dựng thương hiệu “Gỏi trái cây nhiệt đới” và cung cấp cho thị trường những món ăn mặn “không đụng hàng” được chế biến từ trái cây tươi. Ngoài việc mở một quán ăn trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị Giang còn trực tiếp chạy đi giao hàng cho thực khách ở các nơi. Không ít nhân viên văn phòng, sinh viên và một số khách nước ngoài đã “kết” những món ăn độc đáo này. Chị dự định sắp tới sẽ mở rộng cung ứng sản phẩm cho những công ty, đoàn thể, trường học và cho cả khách ăn chay, phụ nữ có thai…
Chị Giang khẳng định dù khởi nghiệp trong lĩnh vực nào, chị vẫn đeo đuổi mục tiêu trở thành một chuyên gia đào tạo về quản trị kinh doanh cho các bạn trẻ. Trước đây, khi đi nói chuyện với sinh viên, chị chỉ có lý thuyết suông. Còn bây giờ, chính những cọ xát, vấp ngã trên bước đường khởi nghiệp đã cho chị nhiều vốn sống quý giá.

 

Như Lịch