Đề thi sẽ được bàn giao sớm cho các sở
TS Sái Công Hồng – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – khẳng định điều này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần.
Đề thi sẽ được bàn giao sớm cho các sở
TS Sái Công Hồng – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – khẳng định điều này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ trước kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM luyện tập thi thử THPT quốc gia 2017 môn sinh – Ảnh: Như Hùng |
Trong kỳ thi THPT năm nay, hội đồng ra đề thi đã được quán triệt kỹ về việc không sử dụng các câu hỏi có nội dung lạc hậu so với thực tế cuộc sống. |
TS Sái Công Hồngcho biết:
– Sau lần công bố đề thi tham khảo vừa qua, ban đề thi của Bộ GD-ĐT đã lắng nghe các phản biện nhiều chiều để tiếp thu, điều chỉnh. Nội dung đề thi sẽ phù hợp với thực tiễn.
* Đề thi năm nay đổi mới theo hướng tăng cường trắc nghiệm, số lượng câu hỏi tăng lên, kéo theo việc in sao đề tỉ mỉ hơn. Như vậy, công tác đề thi sẽ vất vả.
– Đúng là với 4/5 bài thi trắc nghiệm cùng với số lượng mã đề lớn hơn nhiều kỳ thi năm trước, công tác in sao đề thi năm nay sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Các sở GD-ĐT cũng đề nghị được giao đề sớm hơn so với kế hoạch để kịp thời in sao, rà soát.
Với khối lượng công việc rất lớn, Bộ GD-ĐT có kế hoạch chuyển giao đề thi sớm hơn so với năm trước, để ban chỉ đạo thi các tỉnh thành có thời gian chuẩn bị và thực hiện việc in sao, rà soát kỹ trong tất cả các khâu, tránh sai sót. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã gửi cho các sở GD-ĐT hướng dẫn cụ thể về quy trình in sao đề thi và sẽ thường xuyên lưu ý các sở GD-ĐT về việc này.
* Quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ được tiến hành như thế nào?
– Theo quy trình, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng ra đề thi và sẽ được cách ly triệt để. Hội đồng này sẽ được bàn giao ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá xây dựng trong thời gian qua. Đây là bộ câu hỏi nguồn, để từ đó hội đồng ra đề lựa chọn xây dựng đề thi chính thức.
TS Sái Công Hồng – Ảnh: Nam Trần |
* Làm thế nào để đảm bảo đề thi được chuẩn xác, đáp ứng yêu cầu và bảo mật hoàn toàn, khi các câu hỏi được rút ra từ ngân hàng đề thi do nhiều người đóng góp, biên soạn?
– Việc xây dựng ngân hàng đề thi phải tuân thủ các bước được chuẩn hoá. Từ trên 60.000 câu hỏi, qua các bước xử lý đã chọn lọc những câu hỏi đảm bảo yêu cầu, để đưa vào gói câu hỏi theo các mức độ khác nhau.
Những câu hỏi được sàng lọc đã đưa vào thử nghiệm hai lần ở 50 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, với đại diện của các vùng, miền khác nhau. Lần 1, học sinh lớp 12 được tiếp cận với câu hỏi thử nghiệm theo chương, phần trong nội dung chương trình môn học. Lần 2, học sinh được làm trực tiếp trên phiếu trả lời trắc nghiệm, với các đề thi hoàn chỉnh do máy tính tổ hợp các câu hỏi, theo cấu trúc đề thi giống như đề thi thật.
Kết quả làm bài thi của học sinh ở cả hai lần này được phân tích để xác định độ khó, độ phân biệt, khoảng tin cậy của từng câu hỏi và chỉnh sửa hợp lý. Những câu hỏi có tính ổn định cao sẽ được đưa vào ngân hàng chính thức. Vì thế, dựa vào ngân hàng này, các câu hỏi được hội đồng ra đề thi chọn để xây dựng đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới hoàn toàn tin cậy.
* Liệu hội đồng ra đề có đảm bảo độ khó của đề thi sẽ theo thứ tự từ dễ đến khó, thuận tiện cho thí sinh trong việc làm bài thi, như nguyên tắc mà chính Bộ GD-ĐT từng công bố?
– 24 mã đề trong mỗi phòng thi sẽ tương ứng với 24 đáp án khác nhau, nên các thí sinh khó có thể gian lận. Đề thi sẽ được ra với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Mỗi mức độ sẽ có một gói câu hỏi. Trong đó, tất cả các mã đề vẫn đảm bảo sắp xếp các gói câu hỏi từ dễ đến khó.
* Vấn đề chấm thi năm nay có gì mới so với trước, thưa ông?
– Năm nay, các bài thi trắc nghiệm đều được chấm bằng phần mềm chung do Bộ GD-ĐT cung cấp. Hiện phần mềm này đã được chuyển giao cho các sở GD-ĐT. Phiếu trả lời trắc nghiệm của tất cả các bài thi trắc nghiệm cũng có định dạng chung với 120 câu hỏi. Tùy theo số câu hỏi của mỗi bài thi mà thí sinh điền vào theo thứ tự trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
* Năm nay, thí sinh tự do khi làm bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH) có thể không phải làm hết câu hỏi của các môn thành phần. Ông lưu ý gì với thí sinh về điều này? – Thí sinh chỉ chọn trả lời các câu hỏi tương ứng với môn thi thí sinh đăng ký, chứ không trả lời tất cả câu hỏi của cả ba môn trong bài thi tổ hợp. Ví dụ, nếu thí sinh chọn môn hoá học trong bài thi tổ hợp KHTN thì sẽ chỉ chọn các câu hỏi của phần thi hoá học để trả lời, nghĩa là trả lời từ câu 41 đến 80. |